Theo Insider, trong gần hai năm, hầu như tháng nào cô gái 23 tuổi cũng đến khoa cấp cứu với các triệu chứng giống nhau: Buồn nôn, đau bụng và nôn mửa không kiểm soát.
Các bác sĩ ban đầu nghĩ bệnh nhân bị liệt dạ dày, một bệnh gây ra do chậm làm rỗng dạ dày (GE). Rối loạn tiêu hóa thường ảnh hưởng đến những người mắc bệnh tiểu đường mà bệnh nhân này mắc phải.
Tuy nhiên, các nghiên cứu và loại thuốc được kê đơn để điều trị chứng liệt dạ dày cho cô không giúp ích được gì. Chỉ đến khi cô chia sẻ về việc thường xuyên sử dụng cần sa, các bác sĩ của cô mới bắt đầu xem xét một chẩn đoán mới, theo một báo cáo được công bố gần đây trên tạp chí American Journal of Case Reports.
Tắm nước nóng làm giảm các triệu chứng
Trong một lần đi cấp cứu, các bác sĩ xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân cho kết quả dương tính với cần sa. Lúc đó cô nói với các bác sĩ rằng cô hút cần sa ít nhất 5 lần/tuần. Cô cho biết cô hút thuốc hai ngày trước lần đến bệnh viện gần nhất. Tuy nhiên, hút thuốc không làm dịu các triệu chứng của cô. Thực tế, điều duy nhất khiến cô cảm thấy dễ chịu hơn là tắm nước nóng ở nhà.
Nhiều người sử dụng cần sa để giảm buồn nôn, cho dù đó là triệu chứng nôn nao hay các triệu chứng của bệnh mạn tính. Ở liều lượng thấp, cần sa đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị chứng buồn nôn, đặc biệt đối với những bệnh nhân đang hóa trị. Với liều lượng cao, điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Trong tình huống này, các bác sĩ nhận ra cần sa thực sự gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa của bệnh nhân.
Các bác sĩ đã chẩn đoán cô mắc hội chứng tăng cannabinoid (CHS), một tình trạng đặc trưng bởi những cơn buồn nôn và nôn dữ dội ở những người thường xuyên sử dụng cần sa liều cao trong thời gian dài.
Bệnh nhân mắc CHS chia sẻ là tắm nước nóng hoặc tắm vòi hoa sen có thể giúp giảm các triệu chứng. Những người mắc bệnh được biết là dành hàng giờ ngâm mình trong nước nóng để làm dịu cơn buồn nôn của họ.
Các triệu chứng dừng lại khi từ bỏ cần sa
Mặc dù tắm vòi sen và tắm nước nóng có thể giúp ích, cách chữa trị lâu dài duy nhất cho CHS là bỏ cần sa.
Sau khi được chẩn đoán mắc CHS, bệnh nhân đã được tư vấn để giúp cô ngừng sử dụng cần sa. Cô ấy đã thành công trong hai tháng, trong thời gian đó cô không có triệu chứng gì, nhưng cảm giác buồn nôn và nôn mửa quay trở lại khi cô tiếp tục sử dụng cần sa.
Các tác giả của báo cáo nói rằng trường hợp của bệnh nhân này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét tiền sử dùng chất kích thích của bệnh nhân, đặc biệt là những người bị buồn nôn và nôn nặng chỉ giảm khi tắm nước nóng
Bình luận