• Zalo

Hội chẩn từ xa cứu quả thận diệu kỳ cho bệnh nhân

Sức khỏeThứ Năm, 03/11/2016 21:32:00 +07:00Google News

Các bác sỹ đã hội chẩn từ xa giúp bệnh nhân bảo tồn thành công quả thận một cách diệu kỳ.

Tuy nhiên, nhờ kỹ thuật nút mạch và sự hỗ trợ kịp thời của các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Bạch Mai, qua hội chẩn từ xa (Telemedicine) bệnh nhân đã bảo tồn thành công 1 quả thận và sức khỏe đang tiến triển tốt, có thể được xuất viện trong vài ngày tới.

Bệnh nhân nam, 56 tuổi, tiền sử có sỏi thận, nhập viện vào BV đa khoa tỉnh Bắc Ninh sáng ngày 25/10/2016 với triệu chứng sốc mất máu và đau vùng thắt lưng phải. Qua kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, các bác sĩ phát hiện có tụ máu quanh thận phải do vỡ một nhánh động mạch.

Hinh_nh_CLVT_trc_can_thip_ang_chy_mau 1

Hình ảnh cắt lớp vi tính sau can thiệp ngưng chảy máu.

Hinh_nh_CLVT_sau_can_thip_ngng_chy_mau 2

Hình ảnh cắt lớp vi tính sau can thiệp ngưng chảy máu.

Sau khi điều trị nội khoa, đến 16h chiều cùng ngày tình trạng bệnh nhân tiến triển theo chiều hướng xấu, đứng trước nguy cơ phải cắt thận phải để bảo toàn tính mạng. Trước tình trạng đó, BV Đa khoa Bắc Ninh đã hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ của Khoa Chẩn đoán hình ảnh (CĐHA) - BV Bạch Mai để tìm ra phương án tốt nhất cho bệnh nhân.

Phân tích bệnh cảnh lâm sàng, phương án “nút mạch để cầm máu nhằm bảo tồn, giữ lại thận cho bệnh nhân” được các bác sĩ của Phòng Điện quang can thiệp, Khoa CĐHA - BV Bạch Mai nhanh chóng đưa ra.

Trước tình trạng bệnh nhân đang bị sốc và rối loạn huyết động nên không thể chuyển viện về BV Bạch Mai, ban Lãnh đạo Khoa đã quyết định cử một kíp bác sĩ mang theo dụng cụ để hỗ trợ BV đa khoa Bắc Ninh thực hiện kỹ thuật nút mạch cho bệnh nhân. 

Với tinh thần “cứu người như cứu hỏa”, sau khi quyết định của Ban lãnh đạo khoa được đưa ra lúc 16h30’ cùng ngày, kíp kỹ thuật do bác sĩ Đào Danh Vĩnh làm trưởng kíp lập tức lên đường và đến 18h đã về đến BV Bắc Ninh. 18h30 phút, bệnh nhân được đưa lên bàn can thiệp.

BS. Vĩnh cho biết: “Bệnh nhân trước khi lên bàn vẫn đang chảy máu và phải truyền máu. Trong lúc thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân vẫn đang trong giai đoạn sốc, mạch luôn tăng cao 150- 190 chu kỳ/phút, huyết áp tăng có lúc lên tới 150/100, bệnh nhân trong tình trạng kích thích nên không có khả năng hợp tác với bác sĩ. Tuy nhiên, kíp can thiệp đã tiếp cận chọn lọc và nút được 2 nhánh đang chảy máu”.

BS Vĩnh cũng cho biết thêm, ca bệnh phức tạp vì có hai biến thể mạch: Động mạch chậu xoắn vặn ngoằn nghèo, cộng với việc có 2 động mạch thận phải cùng xuất phát từ động mạch chủ bụng nằm sát nhau (trong đó chỉ có 1 nhánh động mạch chảy máu) nên gây thách thức không nhỏ cho kíp thực hiện.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là sau 1,5 giờ can thiệp, bệnh nhân đã cầm được máu, ổn định ngay sau đó và có dấu hiệu thoát sốc.

Theo BS. Phạm Đăng Hòa, Phó trưởng khoa CĐHA - BV Đa khoa tỉnh Bắc Ninh: Trong khi thực hiện kỹ thuật này, BV đã phải chuẩn bị sẵn phương án 2 là mổ cấp cứu, cắt thận để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân trong trường hợp phương án nút mạch không thành công.

Tuy nhiên, kết quả thật mĩ mãn. Bệnh nhân không chỉ bảo tồn được quả thận mà còn nhanh chóng ổn định. Sau 48h thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân không phải truyền máu, huyết áp, mạch ổn định.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính thấy không còn chảy máu. Bệnh nhân đã có thể tự ngồi dậy, ăn uống và không có dấu hiệu chảy máu tái phát.

benh-nhan-bao-ton-duoc-qua-than-nho-ky-thuat-nut-mach1478072299 3

Hình ảnh đang tiến hành can thiệp. 

Về ca bệnh này, GS.TS Phạm Minh Thông - Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Trưởng khoa CĐHA cho biết thêm: Có được kết quả tốt đẹp này là nhờ việc hội chẩn từ xa và hỗ trợ kịp thời của các bác sĩ hai bệnh viện.

Đó cũng là thành quả của việc BV đa khoa tỉnh Bắc Ninh trở thành bệnh viện vệ tinh của BV Bạch Mai. Năm 2011, BV Bạch Mai đã đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống kết nối trực tuyến giữa Bệnh viện với 8 bệnh viện vệ tinh và 3 bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trong đó có BV Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

Hệ thống kết nối trực tuyến là tiền đề để BV Bạch Mai áp dụng phương pháp đào tạo từ xa nhưng vẫn theo hình thức cầm tay chỉ việc.

Thông qua hệ thống kết nối trực tuyến, hàng nghìn cán bộ y tế tuyến cơ sở, học viên đã có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với các chuyên gia đầu ngành của BV Bạch Mai ngay tại nơi mình làm việc, công tác.

Và điều đặc biệt là nhiều bệnh nhân đã được thụ hưởng các kỹ thuật y học chuyên sâu và được cấp cứu thành công ngay tại tuyến cơ sở.

(Nguồn: Sức khỏe đời sống)
Bình luận
vtcnews.vn