Phố cổ Hội An bình thường luôn nhộn nhịp du khách, đặc biệt vào những ngày rằm, phố cổ đông đúc đến tận khuya. Nhưng vẫn có một Hội An rất khác: vắng lặng, yên bình vô cùng – đó là ở vào thời gian của các buổi sáng sớm, khi mà du khách chưa kịp “đổ bộ” tới, còn cư dân phố cổ và du khách lưu trú còn chưa có mấy người bước ra khỏi đường.
Tôi lững thững thả bộ dọc đường Bạch Đằng - một trong số các con phố chính của khu phố cổ nằm dọc theo khúc sông Hoài. Tháng Tám âm lịch, nước sông lên cao, gần mấp mé mặt đường.
Hội An buổi sớm cực kỳ trong lành, gió nhè nhẹ thổi từ phía dòng sông, hương của hoa lá thoang thoảng trong không khí, đâu đó đưa lại âm thanh tiếng cười, tiếng nói chuyện của những người đi tập thể dục sớm. Tôi cứ đi và hít căng lồng ngực cái không khí mát lành, tinh khiết của buổi sớm Hội An.
Rời chùa Cầu, tôi tiếp tục dạo bước qua cầu An Hội sang phía khu bãi bồi An Hội, nhìn sang phía đường Bạch Đằng, nước sông mấp mé mặt đường, dãy phố cổ kính với những mái ngói thâm nâu nhấp nhô trên những bức tường cũ kỹ sơn vàng, loang lổ cùng những khung cửa gỗ nhuốm màu thời gian, đứng lặng lẽ soi bóng xuống dòng sông – như mấy trăm năm nay vẫn thế.
Hội An tuy ở ngay cửa biển, nhưng lại thường hay bị lụt. Cuối năm, nước sông Thu Bồn thường bắt đầu dâng cao vào tầm tháng Tám cho tới khoảng tháng Mười. Chính vì vậy, hầu như nhà nào cũng có tầng gác, sàn gác thường để một khoảng trống như cái giếng trời để có thể nhanh chóng chạy đồ đạc khi nước lên, bằng cách chuyền thẳng từ dưới lên hoặc cột dây kéo lên qua cái “giếng trời” ấy.
Nước lên rồi nước lại rút, người ta thường vạch dấu đỉnh lũ hàng năm lên những cây cột gỗ hoặc vách tường nhà. Dấu vết đỉnh lũ cao nhất trên một cột nhà mà bạn tôi chỉ cho, có lẽ cao tới 2 mét – vì phải nhón chân với tay mới chạm tới nó.
Nắng lên dần, phố cổ bắt đầu bớt yên lặng, khi các âm thanh của ngày mới bắt đầu xuất hiện. Nhưng không khí vẫn chưa thực sự ồn ào. Hội An là thế, buổi sớm đầu ngày mới, phố cổ dần dần thức giấc nhưng không ồn ã, mà nhẹ nhàng, êm ả, bởi nơi đây rất hạn chế phương tiện sử dụng động cơ – mọi người sử dụng nhiều xe đạp, và cả đi bộ.
Mặc kệ nắng đã lên, tôi vẫn lững thững thả bộ theo các con phố, say sưa ngắm phố cổ và hoạt động của các cư dân của nó.
Đã hơn 8h nhưng phố cổ vẫn còn chưa náo nhiệt – khi các du khách chưa xuất hiện nhiều trên phố , khúc đường Trần Phú trước chợ Hội An vẫn còn trống trải. Tôi thực sự rất thích sự yên tĩnh, nhẹ nhàng của Hội An như thế này.
Rồi ngay sau đó, phố cổ bắt đầu náo nhiệt khi lượng du khách bắt đầu tăng lên nhanh chóng. Những quán ăn, quán café, các nhà cổ, các hội quán của người Hoa, … bắt đầu nhộn nhịp với những âm thanh của du khách chuyện trò, í ới gọi nhau.
Thỉnh thoảng về sau, tôi vẫn ghé Hội An, nhưng đều không có nhiều thời gian để có thể gọi là “về với phố cổ”, nay nghe Hội Anh giãn cách chống COVID, thấy hình ảnh phố cổ vắng thênh thang, lại chợt nhớ buổi sớm năm nào. Nhất định hết dịch, phải thu xếp thời gian, về Hội An.
Bình luận