Được đánh giá là một trong những lò đào tạo trẻ tốt nhất Việt Nam, HAGL sở hữu rất nhiều viên ngọc quý ở các khóa dưới.
Học viện HAGL - Arsenal JMG đang là lò đào tạo số một Việt Nam, cho ra đời nhiều niềm hy vọng vàng. Các học viên khóa 1 với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... đang làm mê mẩn NHM cả nước nhưng đó chưa phải là tất cả. Lò đào tạo của bầu Đức hiện còn những viên ngọc quý hơn ở các khóa sau.
Thành công của thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh chính là tấm gương sáng cho các thế hệ học viên sau này của HAGL Arsenal JMG noi theo |
ĐẦU VÀO CHẤT LƯỢNG HƠN NHIỀU
Học viện HA.GL - Arsenal JMG ra đời năm 2007 và đến nay đã có 4 khóa. Khóa đầu tiên được tuyển sinh ngay trong năm 2007 với những học viên tiêu biểu như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường hay Đông Triều… đang làm nức lòng người hâm mộ, trở thành những niềm hy vọng vàng của bóng đá Việt Nam.
Các thành viên khóa 2, 3, 4 chưa xuất hiện nhiều trước truyền thông, nhưng theo tiết lộ của Học viện HA.GL - Arsenal JMG, những cầu thủ nhí này được kỳ vọng sẽ còn xuất sắc hơn rất nhiều so với Công Phượng.
“Chất lượng đầu vào của các khóa 2, 3, 4 cao hơn so với khóa 1. Khi Học viện HA.GL - Arsenal JMG tuyển sinh đợt đầu tiên, người ta chưa biết trung tâm đào tạo này sẽ ra sao, có đảm bảo không… nên không mạnh dạn gửi con em mình vào. Kết quả là trên toàn quốc chỉ có 7.000 thí sinh thi và 18 thí sinh được chọn.
Sau đó, nhờ khóa 1 của Học viện đã thể hiện được chút ít bằng các chuyến tập huấn trong nước và Thái Lan nên các gia đình yên tâm. Mỗi đợt tuyển sinh các khóa sau luôn có trên 20.000 ứng viên thi” - ông Trần Văn Minh, Phó GĐĐH Công ty Cổ phần Bóng đá HA.GL, phụ trách đào tạo, người luôn có mặt trong các đợt tuyển sinh của Học viện HA.GL - Arsenal JMG chia sẻ.
Khóa 1 của Học viện HA.GL - Arsenal JMG tuyển sinh năm 2007, khóa 2 tuyển sinh năm 2009, khóa 3 tuyển sinh năm 2013. Có sự ngắt quãng như vậy là do cơ sở vật chất của Học viện chưa đủ để đáp ứng hết yêu cầu. Tháng 5/2014. Học viện tuyển sinh khóa 4 và tới tháng 12 tuyển sinh thêm một đợt gọi là khóa 4+ để bổ sung.
Đặc biệt, nếu như các khóa 1, 2, 3 các chuyên gia của Học viện HA.GL - Arsenal JMG phải đi cả nước tuyển sinh thì khóa 4 và 4+ được tuyển chọn hoàn toàn tại Phố Núi.
Ở khóa 1, do lần đầu tuyển sinh nên Học viện HA.GL - Arsenal JMG có phần dễ hơn. Các khóa sau các thí sinh phải đạt chuẩn 3 tiêu chí là thông minh, tinh thần, và kỹ thuật mới được vào. Do yêu cầu tuyển chọn đã khắt khe hơn rất nhiều, nên khóa 2 chỉ tuyển được 9 học viên, khóa 3 và khóa 4 cũng với số lượng tương tự.
“Khen các em khóa sau thì e hơi sớm.
Tuy nhiên, với cảm nhận của người theo sát các em, tôi tin khóa 2, 3, 4 sẽ còn cho ra đời những ngôi sao xuất sắc hơn cả lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… Các bài tập kỹ thuật mà trước đây khóa 1 chật vật mới hoàn thành thì nay các em thực hiện ngon lành. Ví dụ như bài tâng bóng 100m dọc chiều dài sân mà không để bóng chạm đất bây giờ các thành viên thực hiện trong có 20 giây” - ông Minh nói thêm.
Điều kiện mà Học viện HA.GL - Arsenal JMG dành cho các học viên khóa 2, 3 và 4 cũng tốt hơn nhiều so với khóa 1. Nếu như những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường ngày mới vào Học viện còn ăn cơm theo mâm thì hiện tại các em trúng tuyển ngay ngày đầu tiên nhập học đã được ăn buffet. Thêm vào đó, các thí sinh hiện tại được kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ 1 năm 1 lần ngay tại bệnh viện tiện nghi tại Pleiku thay vì phải rồng rắn xuống TP.HCM.
Theo ông Minh, một lợi thế lớn khác khi đào tạo các lứa sau của Học viện HA.GL - Arsenal JMG là có hình mẫu. Các cầu thủ khóa 1 sinh hoạt nghiêm túc, thi đấu tốt, trở thành hình tượng để các em noi theo.
Duy Tâm - Tuấn Vũ (phải) là hai học viên tiêu biểu của khóa 3 |
NHIỀU NGÔI SAO ĐƯỢC KỲ VỌNG HƠN CÔNG PHƯỢNG
Bầu Đức từng tuyên bố: “Lứa sau Học viện HA.GL - Arsenal JMG còn tốt hơn lứa trước, tôi còn nhiều Công Phượng lắm”. Vị doanh nhân Phố Núi không hề quá lời, bởi hiện tại, ở Học viện HA.GL - Arsenal JMG có rất nhiều viên ngọc thô vô cùng giá trị. Điển hình ở khóa 2 có Thanh Hậu. Năm trước, dù mới 17 tuổi, nhưng cầu thủ quê Quảng Ngãi đã được HLV Graechen gọi vào ĐT U19 Việt Nam thi đấu cùng các đàn anh ở khóa 1.
Năm 2009, Quảng Ngãi không cho Học viện HA.GL - Arsenal JMG tuyển sinh ở đây. Tuy nhiên, Đà Nẵng, nơi không cho tuyển sinh ở khóa 1, lại đồng ý. Nhờ vậy, bố con Thanh Hậu đã bắt xe từ Quảng Ngãi tới Đà Nẵng để thi tuyển. Điều khiến Thanh Hậu được chọn không chỉ là có lối chơi thông minh mà còn luôn khát khao chơi bóng đến cháy bỏng.
Trong khi chia nhóm thi tuyển, vì thiếu người nên Thanh Hậu được đá liên tục nhiều nhóm. Khi HLV Graechen hỏi còn sức để chơi không, cậu nhóc này không ngần ngại nói “Còn”. Chính niềm đam mê và khát khao của Thanh Hậu đã khiến ông thầy người Pháp thán phục.
Thêm vào đó, cầu thủ Quảng Ngãi còn có điểm mạnh là rất ổn định phong độ, không phập phù như các thí sinh khác. Từ thi vòng loại tới chung kết, cầu thủ đang chơi ở vị trí tiền vệ này luôn đá xuất sắc. Cùng ở khóa 2 còn có Đức Lương. Cầu thủ này ngay từ mùa trước đã được HA.GL sử dụng ở V.League.
“Khóa 3 của HA.GL - Arsenal JMG còn có nhiều cầu thủ dị hơn. Ngoài một Duy Tâm khá giống Công Phượng ở điểm nhỏ con nhưng giữ bóng vô cùng chắc chắn, di chuyển nhanh và chơi bóng được bằng cả hai chân còn có Huỳnh Tuấn Vũ với biệt danh Messi của Phú Yên” - ông Minh “bật mí”.
Ở đợt tuyển chọn học viên khóa 3 tháng 8/2013, Tuấn Vũ là 1 trong 4 người được chọn đầu tiên bên cạnh Phan Hồ Khải (Đồng Nai), Nguyễn Duy Tâm (Lạng Sơn) và Huỳnh Văn Hải (Đắk Lắk). Ngay từ những bài kiểm tra đầu tiên, Tuấn Vũ đã cho thấy sự nhỉnh hơn so với các cầu thủ khác.
Thân hình nhỏ con nhưng đổi lại cậu nhóc họ Huỳnh lại có cái chân trái “ma thuật”, xử lý bóng thông minh và vô cùng nhanh nhẹn. Chính các đàn anh như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... cũng từng phải vỗ tay thán phục khi Tuấn Vũ phô diễn kỹ thuật của mình trên sân cỏ của Học viện.
Tới khóa 4, lại một cầu thủ nhỏ con nhất trở thành niềm hy vọng số một, đó là Đức Huy với biệt danh “Superman” (Siêu nhân). Năm 2013, cầu thủ nhí quê Thanh Hóa vào Hòa Bình thi tuyển nhưng trượt. Một năm sau em lại cùng bố lặn lội vào Gia Lai tìm cơ hội lần hai.
Khi thấy danh sách thi không có tên mình, Đức Huy đã đến gặp thẳng TGĐ Học viện JMG toàn cầu Vincent Defour xin thi. Chính khát khao này cùng những đường bóng điêu luyện của cầu thủ nhí Thanh Hóa đã khiến ông Vincent Defour mê mẩn, đặc cách cho đậu dù không đủ chiều cao. Sau này, cũng chính vị TGĐ trên đã khẳng định Đức Huy trong tương lai sẽ còn phát triển hơn cả Công Phượng.
Đức Huy được gọi là Siêu nhân không chỉ vì kỹ năng làm xiếc với quả bóng mà với tư chất thông minh, cậu thường tỉa những đường bóng mà nhiều người không thể ngờ đến nó xuất phát từ đôi chân trần của cậu bé 11 tuổi. Khi cậu nhóc người Thanh Hóa phô diễn kỹ thuật, các đàn anh ở đội U19 Việt Nam cũng phải nán lại để xem và quay clip để khoe với bạn bè về một tài năng mới mà Học viện có được.
Chính vì thế, dù không nên lạc quan một cách thái quá, nhưng chúng ta có thể tin tưởng rằng, trong tương lai, bóng đá Việt Nam sẽ được bổ sung những cầu thủ có chất lượng cao, đủ năng lực để hoàn thành những giấc mơ dang dở của các thế hệ tiền bối và của NHM.
Nguyễn Thái Quốc Cường (bên phải) |
Em họ Công Phượng đá hai chân như một
“Trong đợt tuyển sinh bổ sung cho khóa 4 vào tháng 12/2014, chúng tôi chọn được Nguyễn Thái Quốc Cường. Khi làm hồ sơ vào Học viện, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi phát hiện ra cầu thủ sinh năm 2004 này là em họ Công Phượng. Bà nội Quốc Cường chính là em gái của ông nội Công Phượng” - Phó GĐĐH Công ty Cổ phần Bóng đá HA.GL, phụ trách đào tạo trẻ Trần Văn Minh bật mí.
Quê của Quốc Cường là Nghệ An, tuy nhiên, em theo bố mẹ vào sinh sống ở Đồng Nai. Nếu như Công Phượng từng bị đánh trượt vì thể hình nhỏ khi thi vào lò SLNA, sau đó mới lên Gia Lai thi tuyển vào Học viện thì Quốc Cường lại có thể hình tốt hơn. Khi nói về cầu thủ nhí sinh năm 2004, ông Minh đã phải dùng tới từ “cực kỳ khéo léo” và cho biết thêm điểm mạnh của em họ Công Phượng là chơi bóng hai chân như một.
Ngoài kỹ thuật điêu luyện, Quốc Cường còn rất lỳ đòn. Cầu thủ nhí sinh năm 2004 này thường xuyên thi đấu với các đàn anh sinh năm 2000 và 2002 mà không chút e ngại.
Nguồn: Bongda+
Bình luận