Năm học 2019-2020, cô nữ sinh Phạm Thị Mỹ Hạnh (SN 2001, Thôn Vạn Thành, Thăng Long, Nông Cống, Thanh Hóa) nhập học ngành Y khoa, Đại học Y Hà Nội sau khi đạt số điểm thi THPT quốc gia khối B đáng ngưỡng mộ 28,05.
Suốt quãng thời gian phổ thông, Hạnh luôn bộc lộ năng khiếu học tập vượt bậc. Em học đều tất cả các môn và luôn giữ vững phong độ, trở thành ứng cử viên sáng giá cho các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp trường đến cấp tỉnh. Kết thúc năm cấp 2, em giành giải 3 trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn, dù các môn Tự nhiên mới là lợi thế.
Lên cấp 3, Hạnh quyết tâm đầu tư thời gian cho đam mê các môn tự nhiên, đặc biệt là môn Toán. Năm lớp 12, em giành giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi Toán toàn tỉnh Thanh Hóa. Đứng trước ngưỡng cửa đại học, Hạnh chọn Y Hà Nội là đích đến để hiện thực hóa ước mơ từ thuở ấu thơ - trở thành bác sĩ.
Khi kết quả thi báo về địa phương, cả gia đình em vỡ òa trong hạnh phúc. Cô gái bé nhỏ, nặng chỉ 40kg của gia đình đạt số điểm đáng tự hào Toán 9,8; Hóa 9; Sinh 9,25. Với tổng điểm 28,05, Hạnh trở thành thí sinh có điểm số cao nhất huyện và xếp thứ 3 điểm khối B toàn tỉnh Thanh Hóa.
Với kết quả thi này, ai cũng nghĩ Hạnh phải tốt nghiệp cấp 3 từ một ngôi trường chuyên của tỉnh. Hạnh học trường THPT Triệu Thị Trinh, một ngôi trường khiêm tốn về thành tích và bị đánh giá là trường "hạng cuối" của huyện.
Hạnh chia sẻ: "Trường em trước đây chỉ là trường giáo dục thường xuyên, sau đó mới thành trường công. Đầu tháng 9/2019, trường bị giải thể theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Thanh Hóa". Hạnh chọn ngôi trường này vì trước hết học phí chỉ phải trả bằng một nửa, thậm chí một phần ba so với các ngôi trường khác.
"Đây là phương án tốt nhất em có thể giúp đỡ được gia đình. Lúc đó em chỉ nghĩ bớt được đồng nào, hay đồng ấy", cô sinh viên năm thứ nhất kể lại. Trong bức thư chia tay cấp hai gửi cô giáo chủ nhiệm, Hạnh còn bày tỏ với cô giáo chủ nhiệm: "Cô ơi, tuy chọn học ở một trường kém nhưng em tin với nghị lực của mình, em vẫn sẽ thành công".
Suốt ba năm học phổ thông, Hạnh kiên trì dùi mài sách vở. Ngoài thời gian học kiến thức cơ bản trên lớp, em tự tìm bài khó, bài giảng nâng cao trên những trang web để tham khảo thêm. Thầy cô để ý cô nữ sinh có vóc dáng nhỏ nhưng đặc biệt ham học nên giao thêm các bài tập khó hơn để em rèn luyện.
Nói về ước mơ làm bác sĩ, Hạnh tâm sự, đây là mơ ước từ thời tiểu học. Nhưng phải lên cấp 2, Hạnh mới thực sự khao khát theo đuổi ngành y sau khi chứng kiến nhiều người thân gặp biến cố về sức khỏe, người bị ung thư dạ dày, người bị tai biến. Đặc biệt sự ra đi của đột ngột của người bà càng thôi thúc cô bé lớp 9 quyết tâm trở thành bác sĩ.
"Lúc ấy, em chỉ muốn mình có thể nhanh chóng trở thành sinh viên Y khoa, thành bác sĩ để cứu mọi người", Hạnh nói.
Ngày em đỗ đại học, bố mẹ vừa mừng vừa lo. Cả gia đình đều làm nông, sức lao động không có, kinh tế gia đình eo hẹp. Với họ, để lo cho cô con gái đi học đại học ở Hà Nội không dễ.
"Phải cắm sổ đỏ cũng phải lo được cho chị em con", đó là lời bố nói với Hạnh trước khi con gái lên đường học đại học. Nhận thức rõ hoàn cảnh gia đình, Hạnh vẫn nhất quyết vác balo đến thủ đô, trong đầu em nghĩ sẽ vừa học vừa làm thêm để trang trải cuộc sống, đỡ đần cho bố mẹ.
Ngày em ra Hà Nội nhập học, bố là người đưa em đi. Nhìn theo bóng dáng đứa con, đứa cháu gái bé bỏng, mẹ và bà em rớt nước mắt.
Cô gái bé nhỏ hiện dạy 2 lớp gia sư Hóa và Toán. Bên cạnh việc học, đi dạy thêm, Hạnh thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa, thiện nguyện do Đại học Y Hà Nội và các bệnh viện tổ chức.
Hạnh chia sẻ mục tiêu gần của em là trau dồi thật tốt vốn tiếng Anh bằng cách tự học, luyện nghe và nói. Bên cạnh đó, cô sinh viên năm Nhất cho biết, em sẽ nỗ lực để giành học bổng.
"Bằng tất cả sức lực của mình, em quyết tâm khoác lên mình chiếc áo blouse trắng một cách đầy tự hào", 10x nói.
Bình luận