• Zalo

Học sinh, sinh viên trên toàn thế giới biểu tình: 'Hãy cứu lấy tương lai của Trái đất'

Thế giớiThứ Bảy, 16/03/2019 08:44:00 +07:00Google News

Hôm 15/3, học sinh, sinh viên khắp nơi trên thế giới xuống đường, tham gia các cuộc biểu tình kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu.

Tại Sydney, hàng nghìn học sinh, sinh viên bang New South Wales đã tự động nghỉ học, tập trung tại quảng trường Tòa Thị chính thành phố Sydney để gửi một thông điệp rõ ràng tới những người có thẩm quyền: Hành động ngay để cứu lấy hành tinh và tương lai của Trái đất trước tình trạng biến đổi khí hậu. 

Các em học sinh chuyền tay nhau quả bóng hình Trái đất xung quanh quảng trường và hô to "Hãy hành động vì môi trường ngay bây giờ". Trong suốt 3 giờ diễn ra sự kiện, các em đã diễn thuyết, bày tỏ quan điểm về tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng khó kiểm soát, đồng thời kêu gọi chính phủ giảm phát thải, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hướng tới sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030.

4203

Các học sinh ở Sydney truyền tay nhau quả bóng hình Trái đất tại Quảng trường Tòa Thị chính thành phố. (Ảnh: Getty)

"Chúng cháu đã chán ngấy trước việc chính phủ chẳng lo lắng gì về tương lai của môi trường. Chúng cháu hiểu rằng biến đổi khí hậu đang là vấn nạn lớn nhất mà thế hệ chúng cháu sẽ phải đối phó. Nhưng chính phủ chẳng làm được gì. Điều họ làm được cho tới nay chỉ là một chính sách tái sinh rác", Vivienne Paduch, 15 tuổi nói khi tham gia biểu tình trên một con phố ở Sydney. 

Các cuộc tuần hành ở Sydney nằm trong chuỗi các hoạt động của học sinh, sinh viên tới từ hơn 100 quốc gia trên thế giới nằm trong chiến dịch Global Climate Strike, kêu gọi các chính phủ nỗ lực hơn nữa để bảo vệ môi trường Trái đất. Từ Australia, New Zealand cho tới Anh, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Colombia, Nam Phi... rất nhiều học sinh đổ ra đường để kêu gọi chính phủ nước mình phải đưa ra các hành động chống lại biến đổi khí hậu. 

Các cuộc biểu tình này được truyền cảm hứng từ cuộc biểu tình cá nhân vào tháng 8/2018 của Greta Thunberg, cô bé 16 tuổi đã đứng trước cửa Quốc hội Thụy Điển, yêu cầu nước này phải thực hiện các cam kết theo thỏa thuận Paris.

Ước tính có khoảng 1.693 cuộc tuần hành được tổ chức tại 106 quốc gia trên khắp thế giới trong khuôn khổ chiến dịch Global Climate Strike.

"Những học sinh, sinh viên này đã nắm bắt được thứ mà nhiều bậc phụ huynh, các nhà lãnh đạo đất nước của chúng tránh né nhiều năm qua. Đó là chúng ta đang trong một cuộc đua cho cuộc sống và chúng ta đang thua cuộc. Cửa sổ cơ hội đang đóng lại và chúng ta không còn nhiều thời gian để mà xa xỉ", The Guardian bình luận.

5000 (1)

 Học sinh ở London đổ xuống đường biểu tình. (Ảnh: Getty)

Các thế hệ trước đã không đánh giá đúng mức mức độ quan trọng của biến đổi khí hậu, điều mà thế hệ trẻ hiện nay đang cảm nhận được sâu sắc. 

Trong nhiều năm qua, lượng khí thải trên toàn cầu đang đạt mức kỷ lục nhưng chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Nồng độ carbon dioxide trong khí quyển đang cao nhất trong 3 năm trở lại đây. 4 năm qua là 4 năm nóng nhất trong lịch sử toàn cầu và nhiệt độ mùa đông ở Bắc Cực đã tăng 3-4 ° C trong 50 năm qua.

Mực nước biển đang dâng cao, các rạn san hô chết dần và chúng ta đang bắt đầu thấy tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người thông qua ô nhiễm không khí, sóng nhiệt rủi ro đối với an ninh lương thực.

3500 (1) 3

 Cô bé Greta Thunberg xuống đường tuần hành cùng các học sinh, sinh viên ở Thụy Điển. (Ảnh: Reuters)

Trong bối cảnh này, thỏa thuận Paris nổi lên như một điểm sáng với một chính sách có tầm nhìn, hướng tới tương lai, đưa ra chính xác những gì cần phải làm để ngăn chặn biến đổi khí hậu và đảo ngược tác động của nó. Tuy nhiên, thỏa thuận này là vô nghĩa nếu các chính phủ không có những hành động tham vọng. 

Đó là lý do dẫn tới Hội nghị thượng đỉnh về Hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu vào cuối năm nay. Các nhà lãnh đạo ở nhiều nơi trên thế giới sẽ tới New York vào tháng 9 với những kế hoạch cụ thể, thực tế để đóng góp các ý kiến của mình cho mục tiêu giảm việc giảm 45% lượng khí thải nhà kính trong thập kỷ tới và giảm xuống mức 0 trong năm 2050.

Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng nếu các chính phủ hành động ngay bây giờ, con người có thể giảm lượng khí thải carbon trong vòng 12 năm và hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống 1,5°C. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục đi theo con đường hiện tại, khó có thể dự đoán các hậu quả trong thời gian tới. 

Thêm các hình ảnh về các cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu của học sinh, sinh viên trên khắp thế giới:

5146 4

Sinh viên Ba Lan đeo mặt nạ phòng độc, kêu gọi chính phủ ngừng phụ thuộc vào các năng lượng chạy bằng than. (Ảnh: EPA) 

3072 5

Đám đông học sinh tập trung, vây kín nhà thờ Duomo, Italia. (Ảnh: EPA)

3500 6

 Học sinh ở Cape Town, Nam Phi hưởng ứng phong trào chiến dịch Global Climate Strike. (Ảnh: Reuters)

3500 (2) 7

Học sinh, sinh viên ở Đức đổ xuống đường bất chấp trời mưa nặng hạt. (Ảnh: Reuters) 

5000 (3) 8

Học sinh Ấn Độ "biểu tình ngồi". (Ảnh:AP) 

3500 (3) 10

 Học sinh, sinh viên tại Bồ Đào Nha giơ cao các tấm biển gửi thông điệp tới chính phủ. (Ảnh: Reuters)

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn