• Zalo

Học sinh ngao ngán bài tập về nhà dịp Tết dài cả trang A4

Diễn đànThứ Sáu, 13/01/2023 07:12:23 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc giáo viên giao nhiều bài tập dịp Tết khiến học sinh lo lắng, căng thẳng.

Chỉ còn 5 ngày nữa, Đặng Hoàng Chính Đức và các bạn trường THPT Thạch Bàn (Hà Nội) sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. "Nghỉ Tết vui thật nhưng điều khiến em và các bạn trong lớp sợ nhất là bài tập về nhà", Đức nói.

Đức đang học lớp 12, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khoảng hơn 3 tháng là em sẽ bước vào kỳ thi quan trọng tốt nghiệp THPT. Cũng vì năm cuối phổ thông, nên lượng kiến thức và nội dung ôn tập nặng hơn nhiều.

"Nghỉ Tết 8 ngày mà thầy cô giáo giao rất nhiều bài tập về nhà. Mỗi một môn học lại có bộ câu hỏi dài cả trang A4. Dù biết thầy cô giao bài tập Tết là muốn học sinh không quá mải chơi mà quên mất kiến thức, nhưng học tập là cả năm, không vì mấy ngày nghỉ mà chúng em “rơi rụng” kiến thức", Đức nói.

Học sinh ngao ngán bài tập về nhà dịp Tết dài cả trang A4 - 1

Học sinh ngao ngáo trước những bài tập về nhà dịp Tết.

Lương Huyền My, học sinh một trường THPT trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) kể, những năm trước các thầy cô đều giao bài tập về nhà. Để làm hết số bài đó cũng phải một tuần, trong khi nghỉ Tết được 8 ngày. Vì vậy, mỗi lần Tết đến, những học sinh như My đều bị ám ảnh bởi bài tập về nhà.

"Chúng em hy vọng thầy cô giảm số lượng bài tập để học sinh có thời gian cho các hoạt động khám phá, vui chơi. Mỗi ngày giáo viên chỉ nên yêu cầu làm một bài toán, viết một đoạn văn ngắn, vậy là đủ", My nói.

Cô Nguyễn Thị Khanh (giáo viên trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, việc giao bài tập dịp Tết là thói quen cuối năm của giáo viên với mục đích muốn các em không quá ham chơi, bỏ bê việc học.

Sau mỗi dịp nghỉ Tết tinh thần học tập và chất lượng bài của học sinh đi xuống rất nhiều. Các em dễ bị sao nhãng, không tập trung vào việc học, ngay cả nề nếp học, giờ giấc hoạt động vui chơi cũng bị xáo trộn. Do đó việc giáo bài về nhà để học sinh giữ được thói quen như đi học.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên đang hiểu sai về mục đích giao bài tập Tết. Một là giao quá nhiều bài, hai là đề bài kiến thức quá nặng, khiến học sinh ngao ngán và ám ảnh làm phản tác dụng ban đầu của việc làm này.

Cùng quan điểm, cô Phạm Thái Lê, giáo viên trường Marie Curie (Hà Nội) bày tỏ, sau nhiều lần “lì xì” học sinh bằng bài tập, cô nghiệm ra rằng: “Giao nhiều bài tập cũng không giúp học sinh giỏi lên. Học sinh phải làm bài tập trong tâm lý không thoải mái, không hứng thú thì không có nhiều tác dụng”.

Vài năm trở lại đây cô Thái Lê không giao bài tập Tết cho học sinh mà chỉ yêu cầu các em về nhà vui Tết an toàn, lành mạnh, ngoan ngoãn và soạn bài kỹ trước khi đến lớp sau kỳ nghỉ là được. Quan điểm này của cô nhận phản hồi tích cực từ học sinh.

Theo cô Lương Bích Ngọc (giáo viên ở Hoà Bình), 20 năm gắn bó với nghề, cô chưa bao giờ giao bài tập Tết cho học sinh. Lý do là hiện nay việc học tập của học sinh khá căng thẳng. Ngoài học chính khóa, nhiều học sinh phải "chạy sô" học thêm.

Nếu trong kỳ nghỉ Tết, các em lại bị giao bài tập, căng thẳng càng bị đẩy lên. Kỳ nghỉ Tết nên để các em có thời gian giúp đỡ ba mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa, cũng là thời gian nghỉ ngơi. Quan trọng nhất là giáo viên tuyên truyền cho học sinh ăn Tết và vui Tết lành mạnh.

“Chúng tôi không sợ các em học kém hay quên kiến thức sau kỳ nghỉ Tết, chỉ sợ các em không biết gì ngoài sách vở, đó mới là điều kinh khủng trong giáo dục”, cô Ngọc nói.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn