• Zalo

Học sinh leo đồi cao vừa chăn bò vừa dò sóng điện thoại học online mùa dịch

Diễn đànThứ Ba, 21/04/2020 11:42:22 +07:00Google News
(VTC News) -

Học online chưa bao giờ dễ dàng với học sinh nơi vùng sâu huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) bởi sóng điện thoại là thứ xa xỉ với người dân nơi đây.

Lên đồi cao bắt sóng

Tây Nguyên giữa tháng 4 nắng gắt, cô gái nhỏ bé người Ba Na Đinh Thị Mỹ Lệ (học sinh lớp 12A1, trường THPT Hà Huy Tập, Kông Chro) vội vã dắt đàn bò lên ngọn đồi cao, nơi duy nhất tại cánh rừng này có thể chạm tới sóng điện thoại để học online. Ngôi làng Hway - nơi gia đình Lệ sinh sống không có sóng điện thoại. 

Buộc chặt bò vào mấy cục đá to, Lệ vội vàng đưa cao chiếc điện thoại cảm ứng "lỗi thời" lên tứ phía để bắt sóng. Lệ thở dài buồn bã nói: “Lớp em vừa gửi thông báo giáo viên môn Toán đăng video dạy online, nhưng mãi em chưa xem được, vì sóng chập chờn quá".

Học sinh leo đồi cao vừa chăn bò vừa dò sóng điện thoại học online mùa dịch  - 1

Em Đinh Thị Mỹ Lệ thủ bắt sóng điện thoại để học trong lúc chăn bò.

Cũng như các bạn, dịch bệnh COVID-19 khiến Lệ không được đến trường nghe thầy cô giảng bài. Kỳ thi THPT sắp đến khiến em lo lắng. 

Lệ nhớ rất rõ, hôm đó là đầu tuần, ngày 3/2, sau tiết chào cờ, em và hai bạn cùng lớp vội vàng lên phòng ăn sáng, chuẩn bị sách vở cho tiết học tiếp theo. Lúc này em nghe các bạn phòng bên hét lên "nghỉ dịch, nghỉ dịch". Lệ vui mừng quay lại giường thu dọn đồ đạc trở về nhà.

Ở nhà một tuần, Lệ quay trở lại trường học ba tuần thì nhà trường lại tiếp tục cho nghỉ vì dịch bệnh diễn biến phức tạp. Khác với tâm trạng vui vẻ lần trước, Lệ khá lo lắng, chẳng biết những ngày tiếp theo mình sẽ học ở đâu và việc thi cuối cấp sẽ thế nào.

Không được đến trường, Lệ thấy cuộc sống thật buồn chán và không thể tập trung ôn tập. Đều đặn một ngày 2 buổi, Lệ cùng em trai lớp 9 lùa đàn bò gần 20 con lên núi thả. Trên tay cô bé cũng lúc nào cũng có chiếc điện thoại và cuốn sách ôn tập.

Học sinh leo đồi cao vừa chăn bò vừa dò sóng điện thoại học online mùa dịch  - 2

Lệ cũng thường xuyên chạy xe tới UBND xã xin bắt wifi để nghe những bài giảng bị lỡ.

Buổi tối về nhà, muốn học bài, Lệ phải chạy xe tới UBND xã Đăk Tnang, xin bắt wifi để nghe lại bài giảng bị lỡ. Dù có chương trình dạy học trên truyền hình, nhưng tivi nhà Lệ cũng chập chờn chả kém gì sóng điện thoại, lúc có hình lúc không, khi có tiếng khi lại không.

Không biết bao lần, trời chập tối ăn vội xong bát cơm, Lệ lại mượn con xe "cà tàng" của mẹ, chạy hơn 3km đường dốc mới tới UBND xã. Tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi, Lệ xem lại mấy bài giảng thầy cô đăng tải trước đó, rồi lại tỉ mần làm bài tập. Dù khó khăn và vất vả, một mớ kiến thức hỗn độn không đầu không cuối, không có sự tương tác nào giữa trò và thầy, nhưng Lệ vẫn chưa bao giờ nản chí.

Khát vọng vào đại học

Bạn của Lệ - em Đinh Thị Xuyết cũng cố gắng không để hoàn cảnh khiến bản thân lùi về sau so với bạn bè cùng trang lứa. Ngoài thời gian chăn bò và tranh thủ bắt sóng học online, Xuyết tỉ mẩn ghi chép lại những kiến thức mình nghe giảng được trên truyền hình.

Nhà Xuyết ở làng Bla, xã Đăk Song, huyện Kông Chro, cách trường nội trú hơn 35 km. Ba năm trước, kết thúc trung học, vì hoàn cảnh nghèo khó, nhiều em trong làng bỏ học, còn Xuyết vẫn nuôi khát vọng vào giảng đường đại học, với ước mơ trở thành giáo viên.

Hồi còn đến trường, cứ cuối tuần, Xuyết lại gói ghém sách vở, quần áo cùng vài đồng bố mẹ cho rồi đạp xe lên trường nội trú để học. Giờ đây ở nhà, cô gái nhỏ nhớ trường lớp vô cùng.

Ban ngày Xuyết phụ giúp bố mẹ chăn đàn bò, tối mịt mới về. Chiếc điện thoại thông minh cũ dùng liên lạc, nay Xuyết đăng ký mạng 3G, tháng 50 nghìn đồng. "Lúc chăn bò em mang điện thoại, sách vở theo để học, nhưng mạng chập chờn, pin chai, dùng vài chục phút là tắt ngúm", Xuyết nói. 

Học hành vất vả như vậy, nhưng Lệ hay Xuyết cũng như học sinh miền núi khó khăn khác vẫn luôn tin tằng, cứ cố gắng chúng ta sẽ về đích. 

Học sinh leo đồi cao vừa chăn bò vừa dò sóng điện thoại học online mùa dịch  - 3

Học online chưa bao giờ là dễ dàng với các em học sinh vùng cao.

Sở GD&ĐT Gia Lai đang triển khai chương trình dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Tuy nhiên, do địa phương có số lượng học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 40%, dân cư phân bố rải rác, nhiều khu vực chưa có điện lưới, sóng di động nên số lượng học sinh tham gia học truyền hình chỉ đáp ứng 45% và học trực tuyến 10%.

Ông Phạm Hữu Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Hà Huy Tập cho biết, trường có tất cả 624 học sinh, trong đó 153 học sinh người dân tộc thiểu số và tham gia học trực tuyến chưa đạt 40%.

Kông Chro là huyện nghèo của tỉnh Gia Lai, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều thôn bản chưa có sóng điện thoại, mạng nên việc giảng dạy online, truyền hình chỉ là giải pháp tạm thời.

"Nhà trường khuyến khích các em đã học bài giảng rồi thì cho bạn trong làng không có điện thoại mượn học. Ngoài ra không còn cách nào khác trong thời gian cách ly toàn xã hội", ông Hùng nói.

HIỀN MAI
Bình luận
vtcnews.vn