• Zalo

Học sinh được dùng điện thoại trong giờ học: Phụ huynh nói gì?

Diễn đànThứ Bảy, 19/09/2020 07:40:01 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều phụ huynh lo lắng học sinh dùng điện thoại trong giờ học sẽ khó chuyên tâm vào bài giảng, nhưng cũng có người cho rằng đây là quy định hợp xu thế.

Có hai cậu con trai đang học lớp 7 và 10, anh Nguyễn Văn Tuấn (Linh Đàm, Hà Nội) khá lo lắng trước quy định mới của Bộ GD&ĐT cho phép học sinh bậc THCS và THPT được sử dụng điện thoại di động trong giờ học với sự đồng ý của giáo viên nhằm phục vụ cho mục đích học tập.

Anh cho rằng, lứa tuổi học sinh cấp 2, 3 đang trong khoảng thời gian dậy thì nên tâm lý thường rất tò mò và tinh quái. Nếu các con được cho sử dụng điện thoại ở trường sẽ là một điều đáng lo, khó kiểm soát.

Khi các con ở nhà, bố mẹ quản lý việc sử dụng điện thoại di động, tuy nhiên khi ở trường, trong và ngoài giờ học, các con lén xem điện thoại thì ai sẽ quản lý?

“Tôi không phản đối việc các con mang điện thoại đi học, tuy nhiên việc cho phép dùng điện thoại trong giờ học sẽ khiến học sinh rất khó chuyên tâm vào bài giảng, rất dễ chạy theo những thú vui ảo trên mạng xã hội”, anh Tuấn băn khoăn.

Học sinh được dùng điện thoại trong giờ học: Phụ huynh nói gì? - 1

(Ảnh minh hoạ: Vietnamnet)

Có con gái đang học lớp 8, chị Nguyễn Lan Anh (Việt Trì, Phú Thọ) phản đối quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại khi tới trường. Chị cho rằng chỉ nên để học sinh cấp 3 được dùng điện thoại, còn các em cấp 2 tuyệt đối không.

Theo chị, hiện nay hầu hết gia đình cho con cầm điện thoại đi học với lý do khi có việc đột xuất thuận tiện liên lạc để gia đình yên tâm. Tuy nhiên, trong quãng thời gian các con đến lớp, việc học tập, vui chơi luôn nằm trong sự quản lý chặt chẽ của nhà trường và giáo viên nên phụ huynh có thể tin tưởng.

Về vấn đề sử dụng điện thoại trong giờ học, chị Lan Anh cho rằng, một lớp có 40 học sinh, giáo viên không thể bao quát hết 40 cái điện thoại đang hoạt động ra sao. Thay vì phụ huynh phải sắm cho mỗi học sinh một chiếc điện thoại thì hãy trang bị mỗi lớp có một tivi để cả lớp cùng xem hình ảnh, cùng tìm kiếm tài liệu dưới sự quản lý của giáo viên.

Không phủ nhận những tác dụng của điện thoại thông minh mang lại cho con trong quá trình học tập, tuy nhiên chị Hoàng Thị Phương Nga (Hưng Yên) cũng tỏ ra lo lắng về việc con được phép sử dụng điện thoại trong lớp.

Chị Nga cho rằng, sử dụng điện thoại sẽ khiến trẻ phân tán, khó tập trung bài học. Mặt khác, trẻ sẽ sinh lối suy nghĩ đua đòi theo các bạn trong lớp muốn có điện thoại nọ, điện thoại kia. Điều đó rất nguy hiểm, nhất là đối với học sinh THCS chưa nhận thức được đúng hành vi.

“Với học sinh lớp 9 và 12 ôn thi cuối cấp, cần tự tìm thêm tư liệu để học tập thì việc sử dụng điện thoại là hợp lý. Tuy nhiên với những em lớp 6, 7, 8 cần tính toán lại có nên cho các em sử dụng điện thoại hay không”, chị Nga chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh ủng hộ quy định mới và cho rằng đó là quyết định hợp thời và cởi mở với học sinh thời nay.

Chị Mai Trang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) không cấm con sử dụng điện thoại, nhưng luôn nhắc con giờ nào việc đó. Nhiệm vụ của con là học tập, nếu cần thiết tra cứu thông tin, tìm tài liệu mới phục vụ học tập thì con dùng, những cái hại thì con không được làm.

"Việc đưa công nghệ thông tin vào học tập ngày càng phát triển theo xu thế phát triển của xã hội. Phụ huynh nên cởi mở, hãy cùng con học cách sử dụng điện thoại hiệu quả hơn là cấm đoán con, không thể để trẻ thụt lùi và lạc hậu trong công nghệ.

Thầy cô giáo cũng nên lồng ghép nội dung giáo dục học sinh sử dụng điện thoại thông minh nói riêng và thiết bị công nghệ nói chung thế nào cho hợp lý và an toàn mới là biện pháp triệt để giúp học sinh tự giác, ý thức được sử dụng quỹ thời gian của mình hợp lý nhất", phụ huynh này cho hay.

Ngày 18/9, đại diện Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ban hành năm 2011.

Một trong những thay đổi đáng chú ý liên quan đến quy định sử dụng điện thoại trong giờ học.

Cụ thể, nếu Điều lệ ban hành kèm Thông tư 12 quy định một trong những hành vi học sinh không được làm là “Sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học”, thì nội dung này được thay đổi tại Điều lệ ban hành kèm Thông tư 32 là:“Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Như vậy, học sinh sẽ được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép.

Minh Khôi
Bình luận