• Zalo

Học sinh đóng tiền 'trực cổng, trực trống'

Giáo dụcThứ Sáu, 21/09/2012 06:29:00 +07:00Google News

Đó là một trong nhiều khoản tiền “khó hiểu” và “lạ lùng” khác mà học sinh tỉnh Quảng Nam đóng đầu năm học này.

Đó là một trong nhiều khoản tiền “khó hiểu” và “lạ lùng” khác mà học sinh tỉnh Quảng Nam đóng đầu năm học này.

Sự việc không chỉ dừng tại đó, bởi vì trong những ngày qua đi tìm hiểu vấn đề, chúng tôi còn biết thêm, trên danh nghĩa các khoản thu với tinh thần tự nguyện, ban đại diện hội cha mẹ học sinh các trường học đã đề ra nhiều khoản thu hết sức “trái khoáy” và không sử dụng vào đúng mục đích như đã quy định.

 Lớp học tại điểm trường thôn Viêm Trung - trường mẫu giáo Điện Ngọc

Trong khi đó, các văn bản triển khai thu tiền này đều có dấu xác nhận của nhà trường và được nhà trường tổ chức thu và giữ tiền hộ cho hội. Vấn đề đang là nỗi băn khăn, thắc mắc và trăn trở của nhiều phụ huynh học sinh, đặc biệt là những người dân có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn khi phải đối mặt với các khoản đóng góp đầu năm học quá lớn.

Chị Nguyễn Thị L. (xã Điện Ngọc, Biện Bàn, Quảng Nam) bày tỏ, mới vào đầu năm học mà gia đình phải đóng trên dưới 10 triệu đồng để lo cho 4 người con đi học. Không biết trong thời gian tới còn phải đóng thêm khoản nào nữa không? Thật sự gia đình hiện gặp rất nhiều khó khăn!

Ngoài đứa con đầu học đại học tại thành phố Đà Nẵng, ba người con còn lại của chị đều đang học phổ thông tại địa phương. Chị thắc mắc, trong văn bản mà nhà trường gửi về cho gia đình có những khoản thu đầu năm học khiến gia đình hết sức khó hiểu và cảm thấy lạ.

Ví như khoản: “tiền trực cổng, trực trống”, “tiền phụ phí” hay “tiền học tập”…Thực sự có rất nhiều phụ huynh có cùng nỗi băn khoăn, thắc mắc như gia đình tôi nhưng không ai dám nói ra.

Anh Nguyễn H.Tr. (xã Điện Ngọc, Điện Ban, Quảng Nam) cho biết, ngoài các khoản thu được liệt kê trong văn bản gửi về cho gia đình, thì giáo viên Trường Mẫu giáo Điện Ngọc lại vận động thu thêm 200.000 đồng để mua ti vi trang bị cho phòng học.

Theo như văn bản kế hoạch thu năm học 2012-2013 mà Trường Mẫu giáo Điện Ngọc gửi cho phụ huynh học sinh thì tổng số tiền một học sinh phải đóng lên đến 835.000 đồng. Ngoài các khoản thu hàng tháng để tổ chức nuôi dạy bán trú là 300.000 đồng/học sinh, trong đó có các khoản tiền “ca trưa bán trú” và “tiền phụ phí” hết sức khó hiểu.

Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức thu thêm các khoản đầu năm như: tiền hoạt động (40.000 đồng/cháu), tiền phụ huynh (40.000 đồng/cháu), tiền dọn vệ sinh (10.000 đồng/cháu), tiền điện (50.000 đồng/cháu).

Theo đó, nhà trường cũng tổ chức thu giúp Hội Cha mẹ học sinh các khoản khác, bao gồm: tiền học tập (100.000 đồng/cháu), tiền đồ chơi (25.000 đồng/cháu), tiền đồ dùng cho nhà bếp và lớp (40.000 đồng/cháu), tiền đồ dùng cá nhân (70.000 đồng/cháu), tiền đồng phục (80.000 đồng/cháu).


Tuy vậy, khi chúng tôi đến tìm hiểu và làm rõ về các khoản thu này thì lãnh đạo trường mẫu giáo Điện Ngọc cung cấp những thông tin các khoản thu hoàn toàn khác và không đầy đủ so với danh sách thu mà nhà trường gửi cho phụ huynh học sinh.

 Văn bản tổng hợp các khoản thu đầu năm của Trường mẫu giáo Điện Ngọc gửi cho PHHS đóng góp

Bà Hà Thùy Long – Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Điện Ngọc cho biết, các khoản thu của nhà trường đều thông qua Hội phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm và có “ban bệ” tổ chức thu.

Đối với trường mẫu giáo mà không có các khoản đóng góp, hỗ trợ của phụ huynh thì nhà trường sẽ không thể thực hiện được mảng chuyên môn; bởi vì, kinh phí theo ngân sách tính trên đầu học sinh cấp cho nhà trường rất ít, không đủ trang trải cho mọi hoạt động của nhà trường.

Ông Võ Ngọc Hạng, Hội trưởng hội cha mẹ học sinh trường mẫu giáo Điện Ngọc cho hay, các khoản thu đều được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và hiện số tiền các khoản đóng góp này đã gửi cho thủ quỹ nhà trường quản lý.

Về khoản đóng góp 200.000 đồng/học sinh để mua sắm ti vi tại điểm trường thôn Viêm Trung là do sự thỏa thuận giữa giáo viên và những phụ huynh có con em học tập ở đó.


Tiếp tục tìm hiểu thêm các trường đóng trên địa bàn thì được biết thêm còn có nhiều khoản thu “khó hiểu” và “lạ lùng” khác.

Ngoài các khoản thu tiền học phí, bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm y tế, thì theo văn bản tổng hợp các khoản tiền đầu năm học 2012-2013 của Trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) còn có 14 khoản tiền khác mà học sinh phải đóng trong đầu năm học này lên đến 237.000 đồng.

Với danh nghĩa các khoản tiền do phu huynh họ tự nguyện đóng góp, tuy nhiên số tiền này không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.


Trong đó, có những khoản thu rất “khó hiểu” như: tiền trực cổng, trực trống (10.000 đồng/học sinh); hỗ trợ cho Hội Chữ thập đỏ (5.000 đồng/học sinh); tiền sửa điện nước, chăm sóc cây, bảo vệ ban đêm (20.000 đồng/học sinh; bảo trì máy tính (5.000 đồng/học sinh); hỗ trợ tu sửa cơ sở vật chất giữ chuẩn (40.000 đồng/học sinh); tiền ủng hộ sách cho thư viện (5.000 đồng/học sinh); bì đựng bài kiểm tra, giấy mời (8.000 đồng/học sinh)…

Trao đổi và làm việc với lãnh đạo Trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc về vấn đề này thì được bà Trần Thị Thanh Vân – Hiệu trưởng cho biết, đây là những khoản thu do Ban đại diện hội cha mẹ học sinh tự nguyện thống nhất đóng góp chứ nhà trường không có chủ trương thu.

Các khoản thu này nhằm hỗ trợ cho các hoạt động của nhà trường, trong đó cũng có các khoản phụ huynh nhờ nhà trường mua sắm hộ để phục vụ cho việc học tập và giáo dục của nhà trường.

Chiều ngày 12/9 vừa qua, ông Nguyễn Tấn Ngọc – Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Điện Bàn cho hay, từ đầu năm hoc, phòng GD&ĐT huyện đã gửi các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GĐ&ĐT Quảng Nam về các trường.

Trong thời gian qua, phòng GD&ĐT huyện cũng chưa nhận được thông tin phản ảnh nào về vấn đề thu chi sai quy định đầu năm học của các đơn vị trường học. Đầu năm học do phải lo và làm nhiều việc nên phòng GD&ĐT chưa tổ chức kiểm tra, giám sát về các khoản thu đầu năm của các đơn vị trường học được.

Không riêng gì các trường trên địa bàn huyện Điện Bàn, tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam) một số trường học cũng xảy ra hiện tượng triển khai thu nhiều khoản tiền trái với quy định.

Ông Nguyễn Hòa – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thúc Kỳ (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) thừa nhận, ngoài các khoản thu theo quy định thì nhà trường tổ chức thu hộ cho học sinh một số khoản khác như: quần áo thể dục, thể thao; BHYT, BHTT.

Thông qua hội phụ huynh học sinh thu thêm tiền hỗ trợ dạy và học, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất nhà trường. Sắp tới sẽ dự kiến thu thêm 100.000 đồng/học sinh để xây dựng sân, đường vào trường.

“Năm học này, trường cũng tiếp tục dạy tăng tiết cho học sinh (6 tiết/tuần) nên thu thêm 1.500 đồng/học sinh/tiết. Và theo đề nghị của phụ huynh học sinh, trường sẽ thu thêm 7.000 đồng/học sinh để mua thêm quạt lắp đặt tại các lớp học”, ông Nguyễn Hòa nói.

Thiết nghĩ, trong điều kiện nhà trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, vì thế, có thể nhà trường thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục bằng cách huy động sự đóng góp cả vật chất lẫn kinh phí từ hội cha mẹ học sinh là một điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, thực tế đó không những đã làm thu hẹp ý nghĩa và bản chất của xã hội hoá giáo dục, mà còn tạo nên những băn khoăn, bức xúc trong xã hội.

Năm học 2012-2013 là năm học thứ 2 Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT (22/11/2011) ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh có hiệu lực thực hiện.

Thế nhưng, nhiều Ban đại diện cha mẹ học sinh các trường có sự “tiếp tay” của Ban lãnh đạo nhà trường tổ chức quyên góp của người học hoặc gia đình người học ngoài các khoản tự nguyện đúng quy định thì còn thu các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo đó, dùng để chi vào các hoạt động của nhà trường như: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, vệ sinh trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Để khắc phục tình trạng nói trên, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ cơ sở về chủ trương và phương pháp vận động xã hội hoá giáo dục nhằm huy động đóng góp một cách phù hợp, sao cho thực sự dân chủ và tổ chức quản lý chặt chẽ.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo của chính quyền; sự giám sát, kiểm tra ngành chức năng địa phương; nêu cao trách nhiệm của nhà trường, nâng cao nhận thức trong nhân dân. Siết chặt công tác quản lý từ khâu thu, đến việc mua sắm, thanh quyết toán thật chặt chẽ để tiền của đóng góp được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

Theo Giáo Dục và Thời Đại

Bình luận
vtcnews.vn