• Zalo

Học sinh đeo tấm chắn giọt bắn suốt buổi học, cha mẹ vô tình làm hại con?

Diễn đànThứ Ba, 05/05/2020 12:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đeo tấm chắn giọt bắn suốt buổi học ở thời tiết 40 độ C không chỉ gây áp lực tâm lý cho học sinh mà còn ảnh hưởng đến thị lực, đặc biệt ở trẻ có tật khúc xạ về mắt.

Từ ngày 4/5 học sinh nhiều trường trên cả nước bắt đầu quay trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học vì COVID-19. Để an toàn, học sinh thường xuyên đeo khẩu trang, thậm chí nhiều nơi, phụ huynh còn cẩn thận chuẩn bị cho con cả tấm chắn giọt bắn.

Từ đầu mùa dịch đến nay, tấm chắn giọt bắn trở thành một trong những công cụ hữu hiệu, hạn chế lây lan dịch bệnh. Cũng vì thế nhiều phụ huynh cho rằng đây là biện hiệu quả khi các con quay trở lại trường học, đặc biệt là trẻ nhỏ vốn hiếu động.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc để học sinh đeo cả khẩu trang và tấm chắn giọt bắn trong thời điểm cả nước đang bước vào cao điểm nắng nóng như hiện nay thì đây thực sự là “cực hình” với các con.

Học sinh đeo tấm chắn giọt bắn suốt buổi học, cha mẹ vô tình làm hại con? - 1

Học sinh lớp 1.1, trường Tiểu học Nhị Đồng, đeo tấm chắn giọt bắn trong lớp học trong buổi đầu đến lớp. (Ảnh: Vietnamnet)

Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Đình Giót (Quận Thanh Xuân – Hà Nội), học sinh trở lại trường thời điểm này không cần thiết phải đeo tấm chắn bởi tạo cho trẻ sự mệt mỏi, đặc biệt là học sinh tiểu học.

“Hà Nội nắng nóng gần 40 độ C mà yêu cầu các con vừa đeo khẩu trang lại vừa đeo tấm chắn suốt buổi học nữa thì thật quá khổ”, cô giáo bày tỏ quan điểm.

Theo cô Ngọc, hiện Việt Nam hoàn toàn kiểm soát được dịch COVID-19, 18 ngày trôi qua nước ta không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Điều này khẳng định công tác phòng chống dịch ở Việt Nam đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Do đó, phụ huynh không nên lo lắng thái quá, vô hình gây áp lực lên chính con trẻ.

Học sinh trở lại trường, có cần thiết đeo nón tấm chắn?

“Phụ huynh không nên tạo tư tưởng hoang mang cho các con, tạo ra sự quá khác biệt với tâm lý của trẻ nhỏ. Nếu cha mẹ đồng tình cho con đến trường thì nên yên tâm và tin tưởng rằng môi trường học tập của các con đã an toàn”, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Đình Giót chia sẻ.

Cô Ngọc cho rằng, cha mẹ nên nhắc nhở các con khi ở lớp, ở trường không chia sẻ đồ dùng học tập, đồ ăn, nước uống, đồ dùng cá nhân với các bạn để đảm bảo an toàn ở thời điểm này.

Ở một số quốc gia khác cũng áp dụng việc đeo tấm chắn giọt bắn khi học sinh đến lớp, nhưng đây là những nước đã và đang ghi nghận hàng nghìn ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày. Hay một số nước ở khu vực có khí hậu lạnh thì sẽ thuận lợi hơn, còn Việt Nam đang vào mùa nắng nóng, thì điều đó đúng là "cực hình" với trẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Ngọc khẳng định, nhà trường không khuyến khích học sinh đeo tấm chắn giọt bắn khi tới lớp.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền – Trưởng khoa Tật khúc xạ mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) chia sẻ, sáng nay chị cũng nhận câu hỏi từ một người bạn về việc có nên cho con đeo tấm chắn giọt bắn ở lớp để phòng dịch COVID-19 hay không.

Tấm chắn này rất mờ, không đảm bảo tính trong suốt và độ thật của hình ảnh. Bên cạnh đó, nhiều người tưởng rằng tấm chắn này phẳng, nhưng thực tế thì không. Vì vậy nếu đeo khi học tập sẽ gây ảnh hưởng đến thị lực, đặc biệt ở những bạn có tật khúc xạ về mắt”, bác sĩ Hiền cho biết.

Học sinh đeo tấm chắn giọt bắn suốt buổi học, cha mẹ vô tình làm hại con? - 2

(Ảnh: H.H)

Cũng theo bác sĩ Hiền, điều quan trọng nhất khi trẻ trở lại trường học thời điểm hiện tại là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay thường xuyên.

“Rất khó để học sinh có thể đeo được cả khẩu trang và tấm chắn giọt bắn trong cả buổi học dài. Ngay cả việc đeo khẩu trang cả ngày thôi cũng khổ sở lắm rồi”, bác sĩ Hiền nói.

Bạn có đồng tình quan điểm trên? Mời chia sẻ ý kiến vào box bình luận bên dưới.

Trường học chia đôi lớp, lắp vách ngăn 

Huyền Trần
Bình luận
vtcnews.vn