Tại diễn đàn "Điều em muốn nói" do Hội đồng đội Trung ương phối hợp với các đơn vị tổ chức sáng nay (17/5), nữ sinh P.T.K.A, trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) bật khóc khi chia sẻ về những áp lực học tập bản thân từng chịu đựng.
Trước khi xảy ra dịch COVID-19, em P.T.K.A là học sinh giỏi với kết quả học tập tốt, tích cực tham gia các hoạt động. "Nhiều người bạn nhận xét em là người hoàn hảo. Tuy nhiên, em cảm thấy không vui vì hoàn hảo nghĩa là sự kết thúc. Em vẫn muốn mình có thể tốt lên từng ngày.
Thời điểm bùng nổ nhất là giai đoạn học trực tuyến khi dịch COVID-19 kéo dài. Em rơi vào cảm xúc lo lắng, căng thẳng và mất cảm hứng học tập và các hoạt động của lớp, trường. Kết quả học tập không tốt, cảm xúc bị dồn nén. Dù bố mẹ trao đổi, đưa ra nhiều giải pháp, nhưng em vẫn cảm thấy thiếu sự chia sẻ, đồng cảm. May mắn, việc đến trường học trực tiếp giúp tình trạng căng thẳng của em giảm", K.A nói.
Giống như P.T.K.A, em Đ.X.T, trường THCS Giảng Võ cũng thừa nhận bản thân từng gặp phải nhiều áp lực tiêu cực trong cuộc sống. "Em là người khá mẫn cảm với những lời nói, dễ bị tổn thương, lạc lõng. Trong một lần bị cô giáo trách mắng vì không ghi chép bài đầy đủ, em cảm thấy cô hiểu sai mình và những lời nói của cô như những mảnh thủy tinh đâm thẳng vào tim em. Lúc ấy, em đã cảm thấy tổn thương và căng thẳng vì những câu nói đó.
Lần thứ hai, em bị các bạn cùng lớp miệt thị về ngoại hình. Từng có thời điểm, em chỉ nằm trên giường khóc và nghĩ muốn biến khỏi thế giới này. Rất may, cô giáo kịp thời động viên và dạy em cách yêu bản thân mình. Em nhận ra, mỗi người là một cá thể riêng, có điểm mạnh điểm yếu, nhờ vậy, cảm xúc của đã tốt lên từng ngày", em Đ.X.T chia sẻ.
TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, với học sinh áp lực lớn nhất là từ gia đình. Cha mẹ nào cũng mong con giỏi giang nhưng các em đừng oán thán bố mẹ, bởi đó là mong ước rất chính đáng. Chỉ có điều, mong muốn đó vô hình chung tạo áp lực cho các con vì bố mẹ hiện nay không hiểu hết con mình. Bất kỳ mong muốn nào cũng phải xuất phát từ năng lực thực tế của các cháu.
Áp lực thứ hai là từ trường. Trường nào cũng đều có quy chuẩn và đòi hỏi học sinh phải đem về những đỉnh cao cho trường mình, đó cũng là điều rất bình thường. Các em phải tự mình điều chỉnh mình để phù hợp với yêu cầu của nhà trường.
Tiếp theo là áp lực từ cuộc sống. Các em hiện nay được tiếp cận với quá nhiều luồng thông tin trong một ngày, nhiều thú vui như trò chơi công nghệ mà đôi khi những cái xấu lôi kéo dễ hơn những cái tốt. Mình thắng được mình là điều không dễ.
Cuối cùng là áp lực từ chính các em. Ngày xưa vượt khó vươn lên để thành công nhưng hiện tại xã hội đời sống đã rất cao và sẽ có một bộ phận phải vượt sướng để thành công, mà điều đó sẽ khó hơn vượt khó rất nhiều vì sướng quá sẽ không còn động lực để phấn đấu. Thắng được chính mình sẽ càng khó hơn.
"Tôi nghĩ rằng các em phải bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề đầy đủ xem mình bị áp lực từ đâu và tìm hướng giải quyết. Nếu áp lực từ phụ huynh thì phải mạnh dạn nói chuyện, trình bày ý muốn nguyện vọng với bố mẹ để họ căn chỉnh cho phù hợp", chuyên gia nói.
Học sinh thiếu diễn đàn chia sẻ
Bà Lê Thị Thảo, Phó trưởng Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho biết, trong khoảng thời gian trường học đóng cửa do dịch COVID-19 kéo dài, tổng đài nhận được nhiều cuộc gọi điện thoại của học sinh độ tuổi từ 10 đến 15 chia sẻ về sức khoẻ tâm thần, tâm sinh lý. Số cuộc gọi trong quãng thời gian này tăng gấp 1,5 đến 2 lần so với thời điểm trước dịch.
Theo bà, nguyên nhân do thời gian học online dài, không được đến trường, mức độ giao tiếp xã hội giảm, không có hoạt động thể chất, giải trí... dẫn đến ức chế về tâm lý. Đặc biệt, những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình khiến các em mệt mỏi, không được lắng nghe. Nhiều cha mẹ dù vẫn hỏi chuyện, tâm sự hàng ngày nhưng sự chia sẻ này đôi khi không đúng cách, đúng phương pháp khiến cho các em cảm thấy bị áp đặt, dần thu hẹp giao tiếp với phụ huynh.
Hầu hết các cuộc gọi đến tổng đài đều bắt đầu bằng tiếng khóc. Các em cảm thấy bế tắc do bố mẹ không chịu lắng nghe, không có người thấu hiểu nên tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên viên tư vấn tâm lý của tổng đài 111.
"Tổng đài từng tiếp nhận nhiều cuộc gọi học sinh tự rạch tay, hành hạ bản thân để mang lại cảm giác được thoải mái về tinh thần mà không ý thức hết được tầm nguy hiểm của hành vi. Nhiều em cảm thấy cuộc sống không ý nghĩa, không ước mơ, hoài bão hay mục tiêu, nói đúng hơn là vô định và lạc lõng. Các em chỉ mong được ba mẹ lắng nghe, thấu hiểu, được làm theo sở thích của bản thân và không bị áp lực điểm thi cuối kỳ", Phó trưởng Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nói.
Bà Thảo cho biết thêm, cả nước có khoảng 13 triệu học sinh, sinh viên, trong khi số lượng chuyên gia tâm lý và tình nguyện viên của tổng đài 111 có hạn, không đủ đáp ứng hết các cuộc gọi, dù làm việc hết công suất. "Học sinh có rất ít kênh để có thể chia sẻ tâm tư nguyện vọng và tìm sự giúp đỡ từ người lớn. Các em cần nhiều sân chơi hơn nữa để có thể giải toả áp lực về mặt kinh tế", bà nhấn mạnh.
Bình luận