Những ngày qua, việc Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào khu vực biển Đông, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các học giả trong khu vực và quốc tế.
Trả lời phỏng vấn của Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), ông Gilang Hambara, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Viện chiến lược và quốc tế (CSIS) Indonesia nhận định:
“Là một nước có chủ quyền, Việt Nam có đầy đủ quyền để lên án sự xâm phạm chủ quyền từ Trung Quốc. Trung Quốc đã vào khu đặc quyền kinh tế Việt Nam, đây là một hành động sai trái.”
Theo ông Gilang, những hành động đơn phương của Trung Quốc thời gian gần đây như đánh chìm tàu cá Philipines hay đưa tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy, Trung Quốc đã phớt lờ luật pháp quốc tế, gây ảnh hưởng cho sự ổn định trên Biển Đông.
“Những năm gần đây, Trung Quốc đã vi phạm nhiều điều khoản trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biến năm 1982 (UNCLOS 1982). Philippines đã kiện Trung Quốc và Toà trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết, bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc. Song, sau đó Trung Quốc đã hoàn toàn không tuân thủ phán quyết của PCA, tiếp tục các hành động trái phép như xây đảo nhân tạo, phá huỷ môi trường và tuyên bố về đường chín đoạn. Có thể nói, Trung Quốc đều không tuân thủ một cách đầy đủ các quy định của UNCLOS hay PCA".
Ông Gilang cũng cho rằng, việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC) là rất cần thiết bởi Biển Đông là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động giao thương. Cộng đồng quốc tế và các quốc gia ASEAN, trong đó có Indonesia cần có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải trên Biển Đông.
Bình luận