Nhiều trường đại học trên cả nước bắt đầu công bố điểm chuẩn phương thức xét tuyển học bạ bậc THPT. Đây là một trong những phương thức được nhiều thí sinh sử dụng trong các mùa tuyển sinh.
Năm nay, điểm chuẩn phương thức xét học bạ trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương dao động15 - 22 điểm với 18 ngành trình độ đại học. Riêng thí sinh đăng ký xét tuyển ngành Dược học thì kết quả học tập ở bậc THPT phải đạt loại Giỏi hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên. Như vậy, thí sinh chỉ cần đạt trung bình 5 - 7,5 điểm/môn có thể trúng tuyển.
Trường Đại học Gia Định đưa ra mức điểm chuẩn xét tuyển sớm cho 49 ngành là 16,5 điểm. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình chung 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12). Như vậy, trung bình mỗi học kỳ, thí sinh chỉ cần đạt 5,5 điểm học bạ là đủ điều kiện trúng tuyển vào trường.
Ngoài ra, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã công bố điểm chuẩn xét tuyển học bạ với mức từ 18 điểm trở lên cho 3 môn theo tổ hợp xét tuyển, tức trung bình mỗi môn khoảng 6 điểm.
TS Lưu Hữu Đức, Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính cho rằng, việc các trường đưa ra ngưỡng đầu vào thấp nhằm thu hút thí sinh là tình trạng báo động, đáng lo ngại. Mức điểm đầu vào ở các phương thức xét tuyển đều thể hiện sự phân tầng trong đào tạo đại học.
Những trường có sức hút thường đông thí sinh đăng ký, chất lượng đầu vào cũng ở ngưỡng cao. Trái lại, với những trường không có sức hút phải chấp nhận ngưỡng đầu vào thấp để tuyển đủ sinh viên theo nhu cầu đào tạo.
Đồng quan điểm, cô Phan Thị Bên, giáo viên trường THPT Hồng Đức (Đắk Lắk) cho rằng, hiện các trường cao đẳng, đại học "nhan nhản" mọc lên. Để cạnh tranh và tồn tại, một số trường đại học bất chấp hạ mức điểm chuẩn đầu vào để thu hút thí sinh.
“Các trường có ngưỡng xét tuyển học bạ với mức điểm chuẩm thấp thường là các trường top dưới, ít sức hút. Học sinh và phụ huynh cần lưu ý tìm hiểu kỹ thông tin ngành nghề đào tạo, đừng chỉ vì điểm đầu vào thấp mà đăng ký chỉ để mang danh học đại học, sau đó ra trường không xin được việc, không đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, vừa mất tiền vừa mất thời gian”, cô Bên nêu.
Nữ giáo viên cũng cho rằng, cần xem xét lại phương thức xét tuyển bằng học bạ, do ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, bởi không phải trường THPT nào cũng có đánh giá kết quả học tập của học sinh giống nhau. Thậm chí nhiều học sinh chỉ tập trung làm đẹp học bạ thay vì nỗ lực học tập để có được năng lực thực sự tốt, đảm bảo vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng lo ngại trước tình trạng học bạ 5 điểm/môn vẫn có thể đỗ vào đại học.
“Đào tạo sinh viên trình độ đại học nhưng đầu vào thấp quá cũng không thể đạt được chất lượng tốt. Theo tôi, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này nằm ở bài toán tài chính. Cả trường công và trường tư đều có nguồn thu chính tới từ học phí. Xét tuyển học bạ với mức điểm thấp như vậy được cho là nhằm hướng tới việc tuyển được nhiều, vơ vét sinh viên", ông Khuyến nhận định.
Tuyển sinh đại học thông qua học bạ có thể giúp các trường dễ dàng tuyển sinh nhưng khó đảm bảo công bằng. Xét tuyển đại học vẫn nên dựa vào kỳ thi mang tính quốc gia, được tổ chức rất chặt chẽ, nghiêm ngặt, đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trước đó tại Hội nghị tuyển sinh năm 2024, Bộ GD&ĐT thông tin đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT của 2 nhóm thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ. Theo đó, 60% thí sinh đỗ đại học bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp ở tổ hợp 3 môn thấp hơn 3 điểm so với những em đỗ bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, 60% thí sinh đỗ đại học bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp 3 môn khoảng 20 điểm. Trong khi đó, 60% thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi có tổng điểm tổ hợp 3 môn hơn 23 điểm. Như vậy, chênh lệch giữa 2 nhóm thí sinh này là 3 điểm. Còn nếu xét kết quả học bạ, 60% số thí sinh đỗ bằng điểm thi có điểm học bạ là 25, cao hơn nhóm đỗ bằng học bạ 1 điểm.
Bình luận