Những năm gần đây, tài sản ảo, tiền ảo xuất hiện ngày càng nhiều trong hoạt động giao dịch, đầu tư tài chính online. Mặc dù các loại hình tiền ảo này không được pháp luật Việt Nam công nhận nhưng thực tế giao dịch trên thị trường ngầm vẫn diễn ra và có nguy cơ tội phạm thông qua đây để rửa tiền và thực hiện các hành vi tội phạm khác.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Quản trị tài chính quốc tế, Học viện Tài chính cho biết, hoạt động kinh doanh tiền ảo ở Việt Nam là phạm pháp.
- Ông đánh giá thế nào về hoạt động mua bán tiền ảo hay tài sản ảo đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay?
Mấy năm trở lại đây, hoạt động mua bán tiền ảo ở Việt Nam ngày một phát triển rầm rộ. Mặc dù, các cơ quan chức năng có các đợt truy quét làm giảm thiểu các hoạt động kinh doanh tiền ảo, tuy nhiên, vẫn còn nhiều cá nhân và tổ chức đứng ra lập các app cũng như trang web kinh doanh tiền ảo. Thậm chí lập các sàn kinh doanh tiền ảo. Từ đó, làm cho hoạt động kinh doanh mua bán tiền ảo trở lên rầm rộ và khó quản lý ở Việt Nam.
- Thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV về luật Phòng chống rửa tiền, nhiều đại biểu lo ngại nguy cơ rửa tiền qua tiền ảo tại Việt Nam rất lớn. Ông có nhận định gì về vấn đề này?
Trước hết tiền ảo là đồng tiền không có chủ thể phát hành một cách rõ ràng. Thứ hai, là đồng tiền dễ dàng luân chuyển qua mạng internet giữa các quốc gia trên thế giới mà không thông qua bất kỳ ngân hàng, hay tổ chức tài chính nào. Vì vậy, tiền ảo được tất cả quốc gia trên thế giới đánh giá là một trong những phương thức chuyển tiền, rửa tiền nguy hiểm bậc nhất. Cùng với đó, nó cũng có thể là phương thức tài trợ cho các hoạt động phi pháp, các hoạt động khủng bố trên thế giới một cách phổ biến nhất.
Chính vì lẽ đó cần phải quản lý, theo dõi các hoạt động rửa tiền, kinh doanh tiền ảo… để từ đó phòng chống rửa tiền, trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới.
- Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị tạo hành lang pháp lý cho tiền ảo để hạn chế hành vi phạm tội. Vậy theo ông, vấn đề này có khả thi không?
Rõ ràng chúng ta thấy, ở Việt Nam chưa có bất kỳ tổ chức, hay cơ quan có thẩm quyền nào cho phép hoạt động kinh doanh tiền ảo nhưng chúng ta vẫn thấy các cá nhân, tổ chức mua bán, kinh doanh với nhau.
Từ đó, họ hoàn toàn có thể chuyển lượng tiền tương đối lớn từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hoạt động mua bán kinh doanh tiền ảo. Và họ cũng không cần qua một ngân hàng, hay một tổ chức gì mà chỉ cần kinh doanh trên mạng xã hội với nhau.
Vì thế, việc đưa các khái niệm và cách thức quản lý thế nào và coi nó là cái gì là điều chúng ta cần phải quan tâm trong thời gian tới.
- Ông có thể nêu kinh nghiệm của quốc tế?
Trước hết trên thế giới chỉ có một quốc gia là El Salvador công nhận tiền ảo là tiền. Còn lại tất cả chính phủ và quốc gia trên thế giới không coi tiền ảo là tiền mà chỉ coi đó là một tài sản ảo để một nhóm người trong xã hội có thể kinh doanh, mang lại lợi nhuận mà không phải nộp thuế cho nhà nước.
Chính việc chỉ coi nó là tài sản ảo nên Nhà nước không quản lý. Việc lên, xuống của đồng tiền này thất thường và nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước. Nhưng Nhà nước cần quản lý thu thuế khi nó phát sinh doanh thu trong kinh doanh tài sản ảo.
Ngay cả nước Mỹ - một quốc gia tương đối thoải mái, rộng rãi về mặt tài chính họ chỉ lập một sàn để cho phép các nhà đầu tư mua bán, kinh doanh trên đó và tuân theo các quy định về quản lý tài sản ảo. Chứ họ không tham gia vào việc hình thành, quản lý, điều phối hoạt động thị trường tiền ảo này.
- Có nhiều ý kiến cho rằng, những người mua bán tiền ảo sau khi chuyển tiền qua nước ngoài rồi làm cách nào đó chuyển về Việt Nam đầu tư vào bất động sản hay lĩnh vực nào đó để làm “sạch” tiền?
Thực ra, hiện nay hoạt động kinh doanh tiền ảo ở Việt Nam là phạm pháp. Trước hết, Việt Nam không coi tiền ảo là tiền, và cũng chưa coi nó là tài sản. Vì thế, về mặt luật pháp không coi nó là hàng hóa hay tiền tệ để kinh doanh mua bán.
Điều thứ hai, nếu nói về hoạt động kinh doanh tiền ảo, lập sàn hay mua bán tiền ảo nó liên quan đến hoạt động chuyển từ tiền Việt Nam ra các ngoại tệ khác để mua bán, kinh doanh kể cả trên mạng xã hội. Bởi, đồng tiền Việt Nam không mua bán được.
Và rõ ràng, khi chuyển đồng Việt Nam ra các ngoại tệ không theo đúng pháp lệnh về ngoại hối của Việt Nam là đã vi phạm luật pháp. Vì ở đó, pháp lệnh ngoại hối yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức khi mua bán kinh doanh các đồng tiền ngoại quốc đều phải thông qua các cơ quan được Ngân hàng Nhà nước cấp phép bằng văn bản.
Chúng ta biết, hoạt động kinh doanh không đúng luật, thì mức phạt của Ngân hàng Nhà nước cũng rất nặng. Cách đây vài năm, có người đi bán 100 USD bị phạt trên 90 triệu đồng. Như vậy, việc kinh doanh tiền ảo bắt buộc phải đổi từ đồng Việt Nam ra ngoại tệ và nếu đã như thế không người này, người khác đều phải đổi tiền chui lủi và đó là vi phạm pháp luật. Do đó, hoàn toàn chúng ta có thể có các biện pháp quản lý, xử lý đối với người kinh doanh tiền ảo, hoặc tổ chức sàn, doanh nghiệp mua bán tiền ảo.
- Ông có thể nêu ra giải pháp để kiểm soát được tiền ảo và ngăn chặn tác động tiêu cực, trong đó có hành vi rửa tiền?
Điều này, chúng tôi đã đóng góp, sửa đổi cho Luật Phòng chống rửa tiền và tập hợp ý kiến của nhiều người. Bản thân tôi cũng theo dõi tiền ảo này từ khi nó xuất hiện.
Thực sự, để quản lý về tiền ảo chúng ta phải có định nghĩa về tiền ảo đầy đủ và cơ chế quản lý.
Nếu không quản lý được về mặt giá trị, hay giá trị khác thì chúng ta phải quản lý bằng thuế. Bởi, chúng ta không thể để bất cứ một cá nhân nào kinh doanh ngoài pháp luật. Còn đồng tiền ảo này lên xuống thế nào, có giá trị hay không là việc của thị trường.
Chính vì lẽ đó buộc chúng ta phải theo dõi, quản lý họ kinh doanh bao nhiêu, như thế nào từ đó hạn chế được việc mua bán, chuyển tiền trong quá trình chuyển hóa từ đồng Việt Nam sang các đồng tiền ảo. Từ đó, có thể quản lý được các dòng chảy các loại tiền ảo ra vào thị trường Việt Nam, giúp ngăn ngừa tốt hơn việc rửa tiền.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận