Phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 7/9, đại biểu Dương Quý Phước (đoàn Quảng Nam) nhận định tiền ảo, tài sản ảo với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đã trở thành kênh để tội phạm lợi dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Vị đại biểu Quốc hội này nêu thực trạng, hiện nay nước ta chưa công nhận các loại tiền ảo song Việt Nam lại được đánh giá là một trong những thị trường chơi tiền ảo Bitcoin rất lớn, là 1 trong 10 nước tham gia đông. Đây cũng là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn.
"Tội phạm có thể dễ ràng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua các loại hình bất hợp pháp thành tiền sạch. Chuyển vào các khoản tài trợ cho khủng bố thông qua việc mua bán đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau", ông Phước nói.
Đại biểu Phước nêu thực tế, thời gian gần đây liên tiếp có các đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo, tuy nhiên các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.
Ông Phước nhận định, tiền ảo và tài sản ảo vẫn "lọt lưới" do các quy định của pháp luật phòng chống rửa tiền chưa được quy định về vấn đề này.
"Việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo luật là hết sức cần thiết không chỉ đáp ứng các kiến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng chống rửa tiền trên thế giới mà còn nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước. Không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền, tham nhũng, khủng bố", ông Phước góp ý.
Trước đó, báo cáo một số vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền, đề nghị Cơ quan soạn thảo thuyết minh, phân tích kỹ hơn về tính cấp bách, các điều kiện cần và đủ để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật theo quy trình tại một kỳ họp.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần nhấn mạnh sự cần thiết và quan điểm sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền phải bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, phù hợp với các Hiệp định đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 quy định về đối tượng báo cáo, vì một số hoạt động của đối tượng báo cáo sau khi sửa đổi tên gọi có thể bị thu hẹp so với quy định của Luật hiện hành hoặc việc xác định một số hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan có thể gặp khó khăn do chưa phù hợp với các ngành nghề khi đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, như dịch vụ pháp lý của luật sư, dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; dịch vụ giám đốc, thư ký của doanh nghiệp cho bên thứ ba.
Về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, theo ông Vũ Hồng Thanh, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm quy định về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị là người giữ chức vụ cao trong tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần có quy định hướng dẫn, hỗ trợ về nguồn dữ liệu, cách thức để các đối tượng báo cáo có thể nhận biết được nguồn tài sản, nguồn tiền của khách hàng do đây là đối tượng khách hàng khó tiếp cận để thu thập thông tin.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng việc quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị cho các đối tượng báo cáo là không phù hợp mà nên giao cho Chính phủ quy định việc xác định khách hàng nào là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị và phải trên cơ sở tiêu chí được quy định công khai minh bạch; căn cứ quy định không chỉ dựa trên khuyến nghị của tổ chức quốc tế mà còn dựa trên các căn cứ khác, trong đó có chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Bình luận