Nhân chuyện tay vợt nữ số 1 thế giới Victoria Azarenka sang thi đấu tại Việt Nam tại giải mời Heineken Stars 2012 tại CLB Lan Anh (TP.HCM) vào ngày 20-9 tới đây, nhiều người lại bật cười nhớ đến câu chuyện vui, cũng liên quan đến một tay vợt nữ nổi tiếng khác: Sharapova.
Số là, một ngày đẹp trời năm 2007, hãng UPI (United Press International) đăng một bản tin ngắn với tiêu đề: "Sharapova muốn mở trung tâm huấn luyện quần vợt tại Việt Nam". Theo bản tin này, Sharapova – lúc này là ngôi sao đứng thứ 5 thế giới, đến Lái Thiêu (Bình Dương) hồi đầu năm 2007 và rất thích đất nước VN nên quyết định sẽ xây dựng một trung tâm huấn luyện tennis ở miền Nam.
Lý do chủ yếu là Sharapova nhìn thấy nhiều người VN chơi quần vợt nhưng lại có rất ít vợt và bóng. "Họ nghèo nhưng lại rất yêu quần vợt", cô cho biết. sau đó Sharapova đã gửi một kế hoạch phác thảo cho LĐ quần vợt Việt Nam về việc muốn mở một trung tâm đào tạo quần vợt ở Lái Thiêu để giúp người dân có cơ hội tập luyện quần vợt đúng nghĩa. Sharapova còn chọn đặt tên trung tâm là "Trung tâm đào tạo quần vợt Sharapova Bangky". Bang Ky là tên cây cầu mà Sharapova đi qua lúc nhìn thấy cảnh chơi bóng kỳ lạ trên.
Câu chuyện kết thúc một cách bất ngờ là Sharapova chưa bao giờ tới Việt Nam, tất nhiên là cũng chẳng có trung tâm đào tạo nào cả.
Thật ra, chuyện Sharapova đến Việt Nam chỉ là giả tưởng trong câu chuyện phiếm đăng trên một tờ báo lớn ở Việt Nam để phê phán tình trạng muỗi nhiều ở khu vực cầu Băng Ky khiến người dân dùng vợt đuổi muỗi cứ như là luyện…quần vợt.
Nhưng lần này, không phải là chuyện phiếm. Victoria Azarenka đến Việt Nam là thật cho dù ở nhiều nơi, muỗi còn nhiều hơn ở khu vực cầu Băng Ky ngày nào.
Nhưng cũng rất khó sẽ có một "Trung tâm đào tạo quần vợt Azarenka".
Thường, người ta không đến dạy mình thì mình sang chỗ người ta học. Lại cũng rất khó, chuyện tầm sư học đạo trong thể thao cũng rất nhiêu khê, rắc rối.
Trong bóng đá, có nhiều "vụ" đi học nổi tiếng. Chục năm trước, Mai Tiến Thành chiến thắng cả ngàn thí sinh để sang CLB Leeds học bóng đá. Giấc mơ học hành dở dang, cuối cùng thành chuyến du lịch của Thành.
Rồi ba năm trước chương trình truyền hình thực tế mang tên "Hoàng tử bóng đá VN" rầm rộ. 3000 thí sinh tham gia, cuối cùng chọn được 2 em xuất sắc nhất để tham dự khóa đào tạo ở Liverpool. Theo tờ Tuổi trẻ thì hai học viên này hăm hở lên đường, sau ba tháng học văn hóa và tập bóng đá tại Anh, hai cầu thủ trẻ là Công Cường và Anh Tú phải quay trở lại Việt Nam chờ CLB gọi trở lại tập tiếp do đến kỳ nghỉ đông. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay cả hai không hề được quay trở lại Anh để học tiếp chín tháng còn lại.
Cho đến giờ, các "Hoàng tử bóng đá Việt Nam" này chính thức bị…bỏ rơi.
Lại là một chương trình truyền hình thực tế kiểu như The Voice Việt, thường đưa đến một thực tế rất…phũ phàng. Hãy hiểu rằng những chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam có những điều không thật, phi thực tế.
Sharapova, Azarenka mở trung tâm đào tạo quần vợt cho… nông dân đuổi muỗi cũng phiếm như câu chuyện cả làng bóng đá thế giới đang chấn động về khả năng của cầu thủ Việt Nam: chỉ cần ngồi một chỗ, mấy cái tay quay quay, cái đầu lắc lắc một ngôi sao bóng đá Việt đã làm động tác giả và lừa được cả triệu người.
Khả năng này, chưa cầu thủ nào trên thế giới làm được.
Đó là nguyên nhân khiến các Hoàng tử thất học và (có thể) là lý do khiến siêu sao Ronaldo bỗng nhiên …buồn bã. Đơn giản là Ronaldo không còn là người có động tác giả giỏi nhất hành tinh.
Song An - Thể thao 24h
Bình luận