Ngày giao dịch cuối tuần, VN-Index giao dịch theo chiều hướng tích cực, đóng cửa tăng hơn 20 điểm, nhờ lực kéo đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB của Vietcombank, BID của BIDV, CTG của VietinBank, MBB của MBBank, và VPB của VPBank. Thanh khoản sàn HoSE ở mức gần 720 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 20.100 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng với 305 mã tăng, trong khi mã giảm là 115.
Ngược với diễn biến thị trường, mã HAG của Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục lao dốc sau thông tin bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 28/4, và tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Theo đó, chốt phiên, HAG đứng mức 5.040 đồng/cổ phiếu, giảm 6,8%, tương đương mỗi cổ phiếu “bay” 370 đồng. Phiên giao dịch liền trước, mã này cũng “nằm sàn” khi để mất 6,9% và rơi về 5.410 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu tháng 4, cổ phiếu HAG “bốc hơi” 9,1%, tức mỗi cổ phiếu bị cuốn trôi 510 đồng.
Quan sát diễn biến thị trường, có thể thấy, cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai giảm mạnh sau tin bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 28/4, chỉ được giao dịch phiên chiều. Cụ thể, trong thông báo mới công bố, HoSE cho biết cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai sẽ bị đưa từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 28/4. Như vậy, cổ phiếu HAG bị hạn chế về thời gian giao dịch chỉ vào phiên chiều.
Nguyên nhân do HAG lỗ ròng năm 2020 gần 1.256 tỷ đồng, lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2020 hơn 6.302 tỷ đồng. Đồng thời Hoàng Anh Gia Lai thực hiện điều chỉnh hồi tố số liệu năm 2018 và 2019 dẫn đến lỗ lũy kế hơn 4.766 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán, HAG lỗ sau thuế hợp nhất trên 2.383 tỷ đồng trong cả năm vừa qua, tăng 209 tỷ đồng so với báo cáo tự lập đã công bố trước đó. Giải trình về sự chênh lệch này, phía Hoàng Anh Gia Lai cho biết do vào ngày lập báo cáo hợp nhất quý IV/2020 HAG chưa có kết quả định giá của Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai từ bên thứ ba nên đã cập nhật số liệu theo chứng từ định giá trước đây. Trong khi đó, báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất 2020 đã được trình bày theo cập nhật mới nhất với chứng thư định giá mới.
Về ý kiến của kiểm toán viên về khả năng hoạt động liên tục của Hoàng Anh Gia Lai, lãnh đạo HAG cho biết đã lập kế hoạch cho năm 2021 bao gồm dòng tiền dự kiến được tạo ra từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ đối tác và dòng tiền từ các dự án đang triển khai. HAG cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay liên quan.
Trước tình hình tài chính khó khăn, gần đây Hoàng Anh Gia Lai phải bán thêm hơn 72 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico), giảm tỷ lệ sở hữu từ 29,8% xuống 23,2%.
Bình luận