Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy bán hàng đa cấp phát triển bền vững

Thị trườngThứ Sáu, 30/12/2022 10:05:00 +07:00
(VTC News) -

Tọa đàm “Quá trình hoàn thiện pháp luật quản lý bán hàng đa cấp” do VTC News tổ chức cung cấp nhiều thông tin về các văn bản pháp luật liên quan đến bán hàng đa cấp.

Trực tiếp tọa đàm: Quá trình hoàn thiện pháp luật quản lý bán hàng đa cấp

Tọa đàm diễn ra sáng 30/12, với sự tham gia của các chuyên gia: Ông Phạm Văn Cao, Phó Trưởng phòng Phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; Luật sư Võ Đan Mạch, Chánh Văn phòng Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam và Ông Vũ Văn Thắng, Tổng Giám đốc Herbalife Việt Nam.

Theo nhận định của giới chuyên gia, trong quá trình phát triển tại Việt Nam, thị trường bán hàng đa cấp đã trải qua nhiều biến động, trong đó đáng chú ý là thực trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng một số đặc điểm của mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để trục lợi bất chính. Vì vậy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý bán hàng đa cấp là rất cần thiết, nhằm bảo vệ những doanh nghiệp uy tín, chân chính.

Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy bán hàng đa cấp phát triển bền vững - 1

Các khách mời tham gia Tọa đàm "Quá trình hoàn thiện pháp luật quản lý bán hàng đa cấp" do VTC News tổ chức. (Ảnh: Minh Đức)

Hoạt động kinh doanh đa cấp ngày càng ổn định

Theo ông Phạm Văn Cao, Phó Trưởng phòng Phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương), hoạt động bán hàng đa cấp đã và đang có sự cải thiện, ổn định và bền vững.

Trong những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam được đánh giá là có nhiều kết quả tích cực. Từ diễn biến phức tạp của hoạt động bán hàng đa cấp gây nhiều tiêu cực cho vấn đề trật tự xã hội vào những năm 2016 trở về trước, với nhiều các biện pháp mạnh mẽ của cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương để hạn chế nhiều tiêu cực của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.        

"Có thể nói đến nay hoạt động bán hàng đa cấp đã và đang từng bước ổn định hơn, không còn các vụ việc có hậu quả nghiêm trọng. Hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả hơn với doanh thu ngành tăng đều và các doanh nghiệp đã có những đóng góp nhất định vào ngân sách của Nhà nước", ông Cao nói.

Cũng theo ông Cao, trong suốt 2 năm vừa qua, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp này vẫn có sự ổn định và tăng trưởng so với các ngành khác. Đây là một tín hiệu tương đối tốt đối với ngành bán hàng đa cấp.

Tuy nhiên, ông Cao cho rằng, bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động chính thống, vẫn còn có các doanh nghiệp hoạt động không phép hoặc lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút đầu tư, huy động vốn bất hợp pháp. Hoạt động này hiện nay diễn biến tương đối phức tạp, các cơ quan quản lý nhà nước, truyền thông, báo chí đã đưa ra rất nhiều cảnh báo nhưng người dân vẫn có xu hướng đầu tư vào các hoạt động này nhằm kiếm lợi nhanh chóng. Các chủ thể này cũng lợi dụng tâm lý đó của người dân để thu lợi bất chính. "Hoạt động ngoài chính thống hiện tương đối phức tạp", ông Cao cảnh báo.

Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy bán hàng đa cấp phát triển bền vững - 2

Ông Phạm Văn Cao, Phó Trưởng phòng Phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương).

Nhận xét về việc hoàn thiện pháp luật quản lý bán hàng đa cấp, ông Cao khẳng định quan điểm ủng hộ việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và cho rằng việc điều chỉnh sẽ giúp công tác quản lý hiệu quả hơn. “Sau khi ban hành nghị định 40, thị trường đã có những thay đổi nhất định. Đó là thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp đã giảm đi rất nhiều sao nghị định 40”, ông Cao nói.

Do đó, ông Cao cho rằng nghị định 40 là một công cụ quản lý rất hiệu quả của Nhà nước. Các doanh nghiệp chính thống, lành mạnh cũng đặc biệt đánh giá cao nghị định này. Tuy nhiên cũng có những quy định không phù hợp với thực tế vì thị trường đang diễn biến quá nhanh, do đó chúng ta cần tiến hành sửa đổi. “Một số vấn đề như vấn đề về thủ tục, vấn đề về yêu cầu rút, ký quỹ của người dân, vấn đề về…Trước đây chúng ta chỉ cố gắng để làm sao kiểm soát được các hoạt động bất chính nhưng chưa có định hướng để thúc đẩy hoạt động bán hàng. Do đó, bây giờ chúng ta cần đưa ra những quy định cao cấp hơn để thúc đẩy hoạt động bán hàng”, ông Phạm Văn Cao nhấn mạnh.

Dự đoán thị trường kinh doanh đa cấp sau Nghị định 40, ông Cao cho rằng khi nghị định được thực thi, Nhà nước sẽ có công cụ để quản lý tốt hoạt động kinh doanh đa cấp, nhưng các doanh nghiệp sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định. “Các doanh nghiệp hoạt động chính thống sẽ phải cố gắng để tuân thủ các quy định mới tốt hơn, làm quen với các quy định mới sẽ mất một khoảng thời gian đầu. Mỗi doanh nghiệp sẽ có hàng chục, hàng trăm nhà phân phối, do đó họ cũng sẽ mất nhiều thời gian để đào tạo, hướng dẫn hệ thống làm quen với các quy định mới để đảm bảo tính tuân thủ", ông Cao phân tích. Tuy nhiên, ông Cao cũng khẳng định cơ quan Nhà nước, hiệp hội sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn này,và ông tin rằng với những quy định chặt chẽ, hiệu quả quản lý tốt hơn thì sẽ tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh hơn. “Một môi trường chỉ gồm các doanh nghiệp hoạt động chân chính, thì đó là một điều vô cùng tốt", ông Cao nói.

4 biểu hiện chính của đa cấp biến tướng

Theo Luật sư Võ Đan Mạch, Chánh Văn phòng Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, thực tế cho thấy, những năm qua đã có nhiều người tham gia bán hàng đa cấp và thành công nhưng cũng có một số người dân chưa hiểu rõ về bán hàng đa cấp, bị dẫn dụ tham gia vào các hình thức đa cấp biến tướng, khiến phải chịu tổn thất về sức khỏe và tiền bạc.

Hiện nay tình trạng biến tướng mô hình bất chính, tiềm ẩn hành vi có tính chất lừa đảo núp bóng loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người, đã lôi kéo được nhiều thành phần, nhất là các bạn trẻ gia nhập vào mạng lưới đa cấp phi pháp. Những vụ việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Ông Mạch chỉ rõ 4 biểu hiện chính có thể xác định ở đa cấp biến tướng là: Không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp; Sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo; Không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; Nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia.

"Những doanh nghiệp này thường yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, ký quỹ hoặc mua một số lượng sản phẩm nhất định hay phải trả tiền để được tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp.

Doanh nghiệp cũng không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không mua lại với số tiền tối thiểu là bằng 90% giá sản phẩm ở thời điểm bán. Hơn nữa, hàng hóa đó thường có chất lượng kém hoặc không có giá trị sử dụng để bán cho người tiêu dùng", ông Mạch nói thêm.

Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy bán hàng đa cấp phát triển bền vững - 3

Luật sư Võ Đan Mạch, Chánh Văn phòng Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam.

Việt Nam có hệ thống pháp luật quản lý bán hàng đa cấp nghiêm nhất thế giới

Đó là nhận định của ông Vũ Văn Thắng, Tổng Giám đốc Herbalife Việt Nam.

Ông Thắng dẫn chứng, sau nhiều năm thực thi, các văn bản pháp luật quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của Việt Nam bộc lộ nhiều bất cập, kẽ hở khiến nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi bán hàng đa cấp biến tướng, lừa đảo người dân. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp luật mới thay thế để tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Ngoại trừ Luật Cạnh tranh, các Nghị định và Thông tư cũ điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp đều được thay thế bởi các Nghị định, thông tư mới có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn. Cụ thể, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tổng Giám đốc Herbalife Việt Nam cho rằng trước khi có Nghị định 40, có nhiều doanh nghiệp bất chính lợi dung mô hình kinh doanh đa cấp gây ảnh hưởng đến uy tín chung của ngành, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đa cấp chân chính. Sau Nghị định 40 được ban hành, bên cạnh những thuận lợi là thị trường được quản lý tốt hơn, thanh lọc, hạn chế các tiêu cực trên thị trường thì cũng tồn tại những khó khăn, điển hình như các doanh nghiệp cũng chịu nhiều áp lực về mặt đầu tư nguồn lực và thích ứng với các quy định mới liên quan về quy trình hoạt động.

Nghị định 40 ra đời đã giúp thị trường được quản lý tốt hơn, và tôi tin rằng việc nghị định 40 sửa đổi cũng sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đó. Đối với những Doanh nghiệp chân chính có định hướng phát triển bền vững thì Nghị định mới hoàn toàn hỗ trợ tốt cho nền tảng kinh doanh của các doanh nghiệp này”, ông Thắng bày tỏ.

Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy bán hàng đa cấp phát triển bền vững - 4

Ông Vũ Văn Thắng, Tổng Giám đốc Herbalife Việt Nam.

Một trong những đặc thù riêng của ngành kinh doanh đa cấp là việc bảo trợ quốc tế, trong đó gồm việc bảo trợ giữa thị trường Việt Nam và các thị trường khác. Do đó việc hỗ trợ, tạo điều kiện và quản lý minh bạch việc bảo trợ quốc tế là điều rất quan trọng đối với doanh nghiệp trong ngành kinh doanh bán hàng đa cấp.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, ngành kinh doanh bán hàng đa cấp tương đối mới ở Việt Nam, do đó việc hiểu rõ và áp dụng các quy định pháp luật trong thực tế không chỉ là thử thách đối với các doanh nghiệp mà còn với cả các cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể, doanh nghiệp phải chịu áp lực trong việc chuẩn bị đầu tư nguồn lực, chi phí và thời gian để thích ứng, đảm bảo áp dụng tốt các quy định liên quan về quy trình hoạt động.

Nghị định sửa đổi về quản lý kinh doanh đa cấp có gì mới?

Theo ông Mạch, Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp ban hành năm 2018 với các quy định điều chỉnh tương đối đầy đủ, toàn diện về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Qua hơn 4 năm triển khai, đến nay tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, dự thảo Nghị định sửa đổi đã bổ sung thêm một số quy định, cụ thể như: làm rõ các quy định về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; làm rõ các trường hợp được sử dụng tiền ký quỹ để bảo đảm quyền lợi của người tham gia; làm rõ điều kiện, trách nhiệm của người đại diện của doanh nghiệp tại địa phương; điều chỉnh cơ chế bảo trợ quốc tế; bổ sung quy định về tỉ lệ hoa hồng tối thiểu trên doanh số bán hàng cá nhân của người tham gia…nhằm sàng lọc những doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp, qua đó góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Theo đánh giá, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thời gian qua có 6 nhóm vấn đề lớn được các các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp rất quan tâm.

Đó là quy định mới về bảo trợ quốc tế; Kế hoạch trả thưởng phải đảm bảo tổng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác chi trả cho người tham gia trên cơ sở kết quả bán hàng của người đó tối thiểu bằng 20% tổng số hoa hồng; Điều kiện mới áp dụng cho người đại diện tại địa phương; Quy định về hội nghị, hội thảo về bán hàng đa cấp; Điều kiện vận hành hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp và đề xuất áp dụng hợp đồng điện tử dành cho người tham gia bán hàng đa cấp.

Phần lớn các ý kiến của các doanh nghiệp đều đồng tình về việc cần có sự hài hòa về quản lý Nhà nước và sự phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Qua những bản đóng góp ý kiến của doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng đã điều chỉnh một số quy định trong các bản dự thảo.

Nói về việc làm như thế nào để việc triển khai bán hàng đa cấp theo đúng mục đích, ý nghĩa đặt ra, không để xảy ra những vụ lừa đảo, biến tướng, ông Mạch cho rằng, trong giai đoạn tới, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền và hỗ trợ xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính xác và đầy đủ về ưu điểm của đa cấp chính thống và nâng cao công tác tuân thủ, góp phần phát triển ổn định thị trường kinh doanh đa cấp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, ông Mạch khẳng định, bản thân người tiêu dùng phải thực sự là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những doanh nghiệp uy tín, có thương hiệu, nhất là không ham lợi mà mua hàng rẻ, hàng trôi nổi.

Ông Cao cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần phải có sự tỉnh táo, cẩn trọng và xem xét thông tin kỹ lưỡng trước khi chúng ta quyết định mua sản phẩm hoặc muốn tham gia vào các hoạt động kinh doanh này. Trong hoạt động kinh doanh đa cấp, thành phần chủ yếu gồm: người tiêu dùng và người kinh doanh. Cả hai thành phần này đều là đối tượng chính trong hoạt động kinh doanh đa cấp và đều cần tìm hiểu kỹ lưỡng các thông tin, sản phẩm của các công ty chính thống. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể tìm thấy danh sách các công ty đa cấp chính thống tại website của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. “Khi chúng ta được giới thiệu về các sản phẩm “thần thánh", có thể chữa được bệnh hay cơ hội làm giàu mà không phải làm gì thì đó chắc chắn là đa cấp biến tướng hoặc các hình thức khác lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp", ông Cao cảnh báo.

Nhóm PV(Ảnh: Minh Đức)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp