Nhận chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Việt Đức nhanh chóng khảo sát và thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 13, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Trung tâm đang ngày đêm hoàn thiện và cứu chữa các bệnh nhân COVID-19 nặng với kỹ thuật, chuyên môn và máy móc tốt nhất.
Nhận bệnh nhân theo tiến độ số giường
Trao đổi với VTC News, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, người túc trực tại Trung tâm Hồi sức tích cực cho biết, Trung tâm Hồi sức COVID-19 là nơi cấp cứu bệnh nhân nặng nên tiếp nhận chủ yếu từ ngành y tế TP.HCM và bệnh viện dã chiến chuyển lên.
"Việc phân loại bệnh và điều trị được thực hiện khoa học, bài bản. Theo dự tính trung tâm quy mô 500 giường, nhưng hiện chưa hoàn thiện ngay cả 500 nên chúng tôi sẽ tiếp nhận bệnh nhân theo tiến độ hoàn thiện số giường", bác sĩ Hệ nói.
Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 Bệnh viện Việt Đức là tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Ngay khi có chỉ đạo của Bộ Y tế, bệnh viện thông báo tới từng cán bộ và đã có hàng nghìn người xung phong vào Nam chia lửa.
"Hiện 350 y bác sĩ, cán bộ chuyên môn vững vàng túc trực tại đây để chăm sóc, điều trị tích cực nhất cho bệnh nhân. Sau một tuần đi vào hoạt động, trung tâm tiếp nhận, đưa vào cấp cứu 98 bệnh nhân nặng và trung bình mỗi ngày nhận hàng ngàn cuộc gọi đến", bác sĩ Giang nói.
Với phương châm “tiếp nhận khẩn trương, điều trị tận tụy”, sắp tới trung tâm sẽ nhận thêm một khối nhà do nhà đầu tư xây dựng bàn giao. Bệnh viện sẽ cho vệ sinh, thiết lập máy móc trong đêm để sớm tiếp nhận bệnh nhân.
Mở ra hy vọng cứu nhiều bệnh nhân nặng
Theo GS.TS Trần Bình Giang, tiến triển của bệnh lý COVID-19 nhanh, đột ngột, thậm chí trong vài giờ đã chuyển từ nhẹ sang khó thở và phải thở máy, đội ngũ y bác sĩ phải chạy đua với thời gian để cứu người. Vì thế Trung tâm Hồi sức COVID-19 đặt bên cạnh bệnh viện dã chiến rất tiện lợi và khả năng cứu sống bệnh nhân rất cao.
Trong số 500 giường, trung tâm dự kiến 200 giường hồi sức bệnh nhân nặng thở máy xâm nhập và không xâm nhập. 200 giường cho bệnh nhân thở oxy, còn 100 giường để theo dõi bệnh nhân khi chuyển nhẹ.
Hiện Trung tâm Hồi sức COVID-19 mới có 40 máy thở, 42 monitor theo dõi, khoảng 30 máy thở oxy dòng cao HFNC. "Thực tế, thiết bị còn rất thiếu so với số giường bệnh dự kiến, bệnh viện đang trao đổi với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Y tế để sớm trang bị thêm máy móc, thiết bị”, bác sĩ Giang nói.
Được chăm sóc tích cực 2 ngày, bệnh nhân L.V.T. cho biết, khi vào bệnh viện dã chiến, anh đã chuyển biến nặng, không thở được. "Tôi được xe cấp cứu đưa đến Trung tâm Hồi sức tích cực trong tình trạng mê man. Sau 2 ngày được điều trị tích cực, giờ tôi có thể nói chuyện và tự ăn được”, anh T. chia sẻ.
Một trong những vấn đề cấp bách cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19 là oxy và thuốc tăng sức khỏe, kháng virus. Hiện trung tâm đã lắp và sử dụng bồn oxy lỏng dung tích lớn, 20 khối. Theo tính toán, bồn oxy lỏng khi hóa hơi sẽ cho khoảng 13 triệu lít khí oxy. Trong khi đó, tính tối đa mỗi F0 thở oxy dòng cao HFNC mất 70 lít khí oxy/phút, mỗi F0 thở máy mất 150 lít khí oxy/phút.
Với số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch đang điều trị tại trung tâm, bồn oxy lỏng này dùng hơn 1 ngày là hết. Thời gian tới số giường bệnh gia tăng, Trung tâm sẽ lắp thêm bồn oxy lỏng cùng dung tích để chủ động đáp ứng.
“Với 40 khối oxy lỏng, nhận đủ bệnh nhân, trung tâm chỉ dùng khoảng 3 ngày là hết, phải bơm oxy lỏng tiếp. Oxy rất quan trọng để cứu mạng bệnh nhân COVID-19 nặng, nên chúng ta phải có”, GS Trần Bình Giang phân tích.
Bình luận