Cuối tháng 8, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa cá nhân với thành viên công ty và tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần may Tiên Sơn Mường La, nay là Công ty cổ phần may Mường La (thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La).
Tại phiên toà phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Mai và ông Dương Ngô Luận không kháng cáo. Ông Nguyễn Bá Đông cũng không kháng cáo với tư cách cá nhân, nhưng trình bày kháng cáo với tư cách công ty.
Tuy nhiên, sau nửa ngày xét xử, HĐXX tuyên bố hoãn phiên toà do hai bên không thoả thuận, thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Trước đó, trong quá trình giải quyết vụ án, TAND tỉnh Sơn La đã 3 lần thông báo và 2 lần tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải các đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình.
Theo đơn khởi kiện, nguyên đơn là bà Lê Thị Hương trình bày, tháng 3/2017, ông Dương Ngô Luận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may Tiên Sơn Mường La, nay là Công ty cổ phần may Mường La (gọi tắt là công ty may) đến gặp bà Hương vay 1 tỷ đồng để mua vật liệu xây dựng. Tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tháng 5/2017, công ty may xây dựng 2 nhà xưởng lắp ghép. Do khó khăn về tài chính nên các cổ đông của công ty may tiếp tục đến gặp bà Hương đặt vấn đề vay 3 tỷ đồng và hẹn đến cuối năm sẽ thanh toán toàn bộ số tiền đã vay dưới hình thức vay vốn ngân hàng hoặc lãi trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đây là số tiền lớn nên bà Hương kêu gọi ông Nguyễn Bá Đông cùng cho vay.
Trong năm 2018, do tình hình tài chính của công ty may vẫn khó khăn nên việc trả lương cho công nhân thường bị chậm. Bà Nguyễn Thị Mai là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty may đã nhiều lần đến gặp bà Hương nhờ vay hộ tiền để trả lương cho công nhân.
Để bảo đảm cho khoản vay, các cổ đông của công ty may gồm bà Mai, ông Dương Ngô Luận, ông Dương Ngọc Sơn đã lập hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa bên chuyển nhượng là bà Mai, ông Luận, ông Sơn và bên nhận chuyển nhượng là bà Hương để chuyển nhượng 3,6 triệu cổ phần, tương đương 36 tỷ đồng, chiếm 100% tổng vốn điều lệ của công ty may.
Trong trường hợp việc trả nợ không thực hiện được thì bà Hương sẽ bỏ thêm tiền để mua lại 100% cổ phần của công ty may với giá trị như trong hợp đồng chuyển nhượng.
Tính đến ngày 25/12/2018, tổng số tiền các cổ đông của công ty may đã vay của bà Hương gồm cả tiền gốc và tiền lãi là 6,22 tỷ đồng.
Do không có khả năng vay vốn từ ngân hàng và không có phương án trả nợ hợp lý nên bà Hương và các cổ đông của công ty may bàn bạc, thống nhất trả nợ các khoản vay bằng số cổ phần mà các cổ đông sở hữu trong công ty may.
Việc trả nợ bằng cổ phần được thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 16/1/2019, giữa bên chuyển nhượng là bà Mai và bên nhận chuyển nhượng là bà Hương, ông Đông.
Trong quá trình giải quyết vụ án, mặc dù tòa án nhiều lần yêu cầu nhưng các đương sự đều không cung cấp được các giấy tờ liên quan việc vay tiền và trả tiền mà chỉ cung cấp được các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và hợp đồng thỏa thuận về việc trả nợ.
Tại bản án sơ thẩm, HĐXX TAND tỉnh Sơn La chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Hương về việc buộc bà Mai, ông Luận, ông Sơn phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển nhượng cho bà Lê Thị Hương 49% cổ phần tại Công ty cổ phần may Mường La đã thế chấp để bảo đảm khoản tiền vay 6,2 tỷ đồng, với lãi suất thỏa thuận là 1%/tháng tính từ ngày 25/12/2018 theo hợp đồng thỏa thuận về việc trả nợ, phương án trả nợ và bảo lãnh trả nợ ngày 23/3/2019.
Công ty cổ phần may Mường La phải có trách nhiệm thực hiện các thủ tục để đăng ký cổ đông đối với bà Lê Thị Hương theo quy định của pháp luật.
Ngày 2/6/2022, phía bà Mai, ông Luận, ông Sơn đã lập vi bằng hợp đồng chuyển nhượng 50% số cổ phần của ba người cho bà Hương, ông Xuân. Tại phiên tòa ngày 31/8, sau nhiều lần toà phân tích về quyền và nghĩa vụ của ông Đông, nhưng ông Đông không rút kháng cáo và xin hoãn phiên tòa.
Bình luận