• Zalo

Hoàn cảnh éo le của cựu tuyển thủ U19 Việt Nam

Thể thaoThứ Bảy, 18/07/2015 07:11:00 +07:00Google News

Căn nhà nhỏ của ông Lê Đức Thắng ở thôn Thanh Bồng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam suốt bốn tháng qua thiếu nụ cười

Căn nhà nhỏ của ông Lê Đức Thắng ở thôn Thanh Bồng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam suốt bốn tháng qua thiếu nụ cười khi con gái út Lê Thị Thu (cầu thủ CLB Than Khoáng Sản VN) bị bệnh nan y phải nhập viện.

Căn bệnh quái ác khiến Thu phải nằm viện liên tục ba tháng mười ngày, gia đình vay mượn khắp nơi để lấy tiền cứu chữa. Đến đàn dê - tài sản giá trị nhất của gia đình ông Thắng - cũng phải bán đi để cứu mạng sống con gái.

Ngày 15/7, chúng tôi tìm về thôn Thanh Bồng thăm Lê Thị Thu. Trước khi đến nhà, Thu nói qua điện thoại: “Cứ hỏi nhà ông Thắng “dê” người dân sẽ chỉ đến đúng địa chỉ”. Quả đúng vậy, nhưng ông Thắng “dê” giờ chỉ còn 1 con dê bởi đàn dê 18 con đã bán đến 17 con lấy tiền chữa bệnh cho Thu.
Mẹ cầu thủ Lê Thị Thu không kìm nổi nước mắt khi nói về số phận không may của con gái 
Nước mắt người mẹ nghèo

Sáng 15/7, ông Thắng sang làng bên tìm mua mấy con vịt đồng bồi bổ cho Thu vừa mới phẫu thuật. Câu chuyện chưa bắt đầu, bà Hoan đã lấy tay gạt nước mắt vì nghĩ đến con gái Lê Thị Thu đang ngồi bên cạnh mặt mũi sưng to, vết mổ lá lách ở mạn sườn còn chưa kịp khô chỉ.

Gạt nước mắt, bà Hoan kể: “Cách đây chừng bốn tháng, khi đang tập luyện tại CLB Than Khoáng Sản để đá lượt đi Giải bóng đá nữ VĐQG thì Thu bị sốt. Trên hai cánh tay nổi lên những vết bầm tím to tròn như những chiếc chén. Đồng thời cháu bị chảy máu chân răng không dừng. Lúc đầu ban huấn luyện CLB tưởng cháu bị nóng gan nên cho uống thuốc mát gan, hạ sốt và vẫn cho Thu ra sân tập luyện bình thường. 

CLB cũng cho Thu đi khám sức khỏe nhưng không phát hiện bệnh gì. Sau đó Thu bị ngất và được chuyển lên khoa huyết học Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị. Tại đây, các bác sĩ kiểm tra và xác định Thu bị bệnh xuất huyết và giảm tiểu cầu miễn dịch - một căn bệnh hiếm gặp và rất nguy hiểm.

Thông thường tiểu cầu của người bình thường dao động 150.000-450.000 tiểu cầu/đơn vị máu. Nhưng có thời điểm số lượng tiểu cầu của Thu chỉ còn 30.000 nên cô đối mặt với nguy hiểm đến tính mạng. Trong những ngày nằm viện, Thu được bác sĩ truyền tiểu cầu liên tục và cho dùng thuốc, nhưng cứ truyền xong thì số lượng tiểu cầu trong máu lại sụt thê thảm”.

Bà Hoan nói tiếp: “Cháu Thu đã đổi đến sáu đợt thuốc và truyền rất nhiều tiểu cầu, mỗi đợt thuốc kéo dài hai tuần nhưng tình trạng không tiến triển. Sau đó bác sĩ gọi tôi đến nói bệnh của Thu khó quá, chỉ còn cách phẫu thuật cắt lá lách để nuôi hi vọng. Tuy nhiên, bác sĩ nói cũng có trường hợp cắt lá lách nhưng tiểu cầu vẫn không lên và người bệnh không qua khỏi. 

Tôi đã ngất đi khi nghe thông tin, các bác sĩ cũng thương Thu quá mà rớm nước mắt. Rất may sau ca phẫu thuật cắt lá lách cách đây hơn một tuần, tiểu cầu của Thu tăng lên 50.000-90.000 và các bác sĩ cho cháu tạm thời về quê theo dõi hai tuần. Dù vậy gia đình tôi vẫn như ngồi trên đống lửa vì về nhà cháu vẫn có thể tụt tiểu cầu ngất đi, xuất huyết máu hay sốt cao nguy hiểm bất cứ lúc nào”.

Suốt ba tháng mười ngày nằm viện, không ít lần Thu nản chí không muốn chữa trị. Nhiều lần Thu chán nản dứt bỏ dây truyền khỏi tay đòi về nhà vì không chịu được nữa. Thu tâm sự: “Bệnh của tôi nhiều lúc như người giả vờ, nhìn thì khỏe đấy, cân cũng không sụt mấy nhưng sau vài phút có thể mệt ngất lịm đi và nguy kịch. Dùng nhiều thuốc quá giờ mặt tôi nổi dày mụn, nội tạng bị phá hủy nhiều, dạ dày loét...”. 

Cô gái có làn da trắng, xinh xắn đáng yêu giờ đi không vững và lúc nào cũng phải có người túc trực chăm sóc. Không ai có thể ngờ hậu vệ mạnh mẽ của đội U19 Việt Nam Lê Thị Thu ngày nào giờ rơi vào hoàn cảnh éo le đến vậy.

Cả gia sản chỉ có đàn dê

Bà Hoan cho biết tính đến thời điểm Thu tạm thời được ra viện về nhà ngày 10-7, tổng chi phí thuốc thang cho cô đã hết hơn 200 triệu đồng. CLB Than Khoáng Sản hỗ trợ 95 triệu đồng những khoản thanh toán có hóa đơn đỏ, số tiền còn lại gia đình phải tự lo. Không có tiền, bà Hoan về nhà bán hết tài sản, vay mượn hàng xóm, họ hàng lấy tiền chạy chữa cho con. Có lúc bà không xoay đâu ra được tiền đóng viện phí nên được bác sĩ bệnh viện bảo lãnh cho hai tuần để về quê vay mượn.

“Túng quá, cả nhà còn mỗi đàn dê thả trên núi là giá trị nhất, tôi phải gọi người đến bán 17/18 con được 28 triệu đồng lo thuốc cho con. Làng xóm thương tình cho vay mượn nhiều nhưng chưa biết lấy đâu trả nợ vì cả gia đình chỉ có đàn dê, 2 sào ngô, 2 sào lạc chứ không có ruộng cấy lúa. Đến gạo ăn hằng ngày cũng phải mua, giờ cả nhà còn một con bò, sắp tới cháu lại lên bệnh viện tôi sẽ bán nốt để theo cháu lên Hà Nội. Miễn làm sao cứu được cháu thì làm gì tôi cũng làm hết” - bà Hoan khóc.

Ông Lê Đức Thắng cho biết cùng bé Thu với anh chị của mình - ông Thắng có ba người con - đều khỏe mạnh, không ai bị bệnh tật bao giờ. Từ ngày Thu nằm viện, hai anh chị đi làm thuê ở Hà Giang phải thay nhau về Hà Nội chăm em. Ông Thắng, bà Hoan gửi nhà cho hàng xóm lên Hà Nội trông con, ngủ lề đường, hành lang bệnh viện suốt hơn ba tháng nay. Điều khó khăn lớn với Thu là cô hiện nay không được CLB Than Khoáng Sản VN mua và cho hưởng bất cứ chế độ bảo hiểm y tế nào.

Thu tâm sự: “Tôi mới 19 tuổi, vẫn ở lứa tuổi trẻ và đang trong quá trình đào tạo thì bị bệnh nên chưa được CLB đóng bảo hiểm. Giờ chẳng may bị bệnh nan y nên CLB hỗ trợ bằng cách thanh toán các khoản viện phí có hóa đơn, những khoản không có hóa đơn, tiền chăm nuôi tôi do bố mẹ lo. Giờ tôi là cái “máy chém tiền” của cả gia đình”.

Sáng 15/7, HLV Văn Thị Thanh của CLB Phong Phú Hà Nam và các cầu thủ CLB này đã đến nhà thăm Thu. Rất nhiều hàng xóm, họ hàng biết tin Thu được tạm thời ra viện cũng đến thăm hỏi, động viên. CLB Phong Phú Hà Nam, bộ môn bóng đá Tổng cục TDTT cũng gửi quà hỗ trợ Thu chữa bệnh.

Nguồn: Tuổi trẻ
Bình luận
vtcnews.vn