Hồi tháng 3, các nhà nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc tuyên bố phát hiện loài khủng long nhỏ nhất từ trước đến nay, được bảo tồn bên trong viên hổ phách 99 triệu năm tuổi ở miền bắc Myanmar.
Họ tin rằng hộp sọ dài khoảng 14,25 mm này thuộc loài khủng long Oculudentavis khaungraae có bề ngoài như chim.
"Động vật có xương sống được bảo tồn trong miếng hổ phách là điều khá hiếm gặp. Nó cung cấp cho chúng ta cái nhìn về thế giới khủng long với kích thước nhỏ nhất", Lars Schmitz, Phó Giáo sư sinh học tại Đại học Claremont McKenna ở California khi đó cho biết.
Nghiên cứu này sau khi công bố vấp phải hàng loạt chỉ trích và hoài nghi.
Ban đầu, nhóm tác giả nghiên cứu bảo vệ công trình của họ, nhưng cuối cùng buộc phải thừa nhận đã sai lầm sau khi các nhà khoa học đưa ra một mẫu hóa thạch tương tự của một con thằn lằn.
Giống như khủng long, thằn lằn cũng là loài bò sát, nhưng chúng tạo thành các nhóm riêng biệt.
Trong một ghi chú công bố mới đây trên tạp chí Nature, nhóm nghiên cứu cho biết mô tả của họ về hóa thạch là chính xác, nhưng thừa nhận họ nhiều khả năng đã phân loại sai mẫu vật.
Dù vậy, các nhà nghiên cứu nói rằng sự kết hợp giữa các tính năng khác thường của mẫu hóa thạch này vẫn khiến nó thu hút sự chú ý đặc biệt.
'Mẫu vật vẫn rất thú vị đối với khoa học', Giáo sư Jingmai O'Connor từ Viện Khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh - một tác giả khác của nghiên cứu nói với Nature.
Bình luận