Theo các nhà nghiên cứu, sinh vật cổ đại này hóa ra tồn tại sớm hơn hàng triệu năm so với những gì họ ước tính trước đây. Vậy có nghĩa là bạch tuộc đã có mặt trước cả khủng long.
Hóa thạch dài 12cm có 10 chi, trong khi những con bạch tuộc bây giờ chỉ có 8 và mỗi chi có hai hàng chân hút. Nó có lẽ đã sống trong một vịnh biển nhiệt đới.
“Tìm thấy hóa thạch mô mềm là một điều rất hiếm”, ông Mike Vecchione, nhà động vật học thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian, cho biết. “Đây là một phát hiện rất thú vị. Nó đẩy lùi nguồn gốc của loài này xa hơn nhiều so với những gì đã biết trước đây”.
Mẫu vật được phát hiện trong hệ thống đá vôi ở dãy đá vôi Bear Gulch ở bang Montana và được tặng cho Bảo tàng Hoàng gia Ontario ở Canada vào năm 1988.
Trong nhiều thập kỷ, hóa thạch đã bị bỏ quên trong khi các nhà cổ sinh vật học nghiên cứu hóa thạch cá mập và những phát hiện khác từ địa điểm này. Nhưng sau đó, họ phát hiện ra 10 chi nhỏ của bạch tuộc được bọc trong đá vôi.
Theo ông Christopher Whalen, nhà cổ sinh vật học và cộng sự thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, hóa thạch được bảo quản tốt cũng “cho thấy một số bằng chứng về một túi mực”, có thể đã được sử dụng để phun ra chất lỏng sẫm màu để né tránh những kẻ săn mồi, giống như loài bạch tuộc hiện đại. Ông Whalen cũng là tác giả của bài nghiên cứu này, được công bố hôm thứ Ba (8/3) trên tạp chí Nature Communications.
Sinh vật này có thể là tổ tiên của cả bạch tuộc hiện đại lẫn mực ma cà rồng, một loài sinh vật biển được đặt tên một cách khó hiểu bởi vì nó giống bạch tuộc hơn mực nhiều. Các tác giả bài nghiên cứu cho biết trước đây, loài mực ma cà rồng “lâu đời nhất được biết đến là từ khoảng 240 triệu năm trước”.
Các nhà khoa học đã quyết định đặt tên cho hóa thạch là Syllipsimopodi bideni, theo tên của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Các nhà khoa học cho biết họ muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các ưu tiên nghiên cứu và khoa học của Tổng thống.
Bình luận