• Zalo

Hòa bình trên biển Đông và chủ quyền quốc gia

Thời sựChủ Nhật, 18/05/2014 02:56:00 +07:00Google News

Tình hình vẫn diễn biến căng thẳng, phía Trung Quốc vẫn gia tăng áp lực trên Biển Đông, và cho tới nay chưa một nước nào ủng hộ Trung Quốc


Suốt hai tuần qua, kể từ ngày 2/5, khi phía Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam; dư luận trong và ngoài nước mạnh mẽ lên án hành vi sai trái  này.

Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến căng thẳng, phía Trung Quốc vẫn gia tăng áp lực trên Biển Đông. Nhưng, nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì tới nay chưa một nước nào ủng hộ Trung Quốc, chính nghĩa Việt Nam ngày một sáng tỏ hơn.
Ngoại trưởng Mỹ John Kery: Những hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông là đặc biệt đáng quan ngại 
Tăng cường tàu chiến, máy bay khiêu khích, gây hấn

Ngày 1/5, Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển phía nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 2/5, giàn khoan này được hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Hành động đó đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, thách thức dư luận quốc tế, bất chấp những quy định quốc tế cũng như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).


Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề ổn thỏa, trên tinh thần Trung Quốc nhận ra sai trái của mình, rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi biển Việt Nam. Việc Việt Nam chủ trương đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng biện pháp hòa bình được thế giới ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc chẳng những không chịu thừa nhận hành vi sai trái mà ngược lại, ngày càng tăng cường lực lượng tàu các loại cũng như máy bay quần thảo trên biển.


Ngày 2/5, hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 là 80 tàu các loại phía Trung Quốc, trong đó có gần 1/3 tàu trang bị vũ khí, kể cả tên lửa, pháo. Dư luận thế giới đặt câu hỏi: Nếu không vì ý đồ gây hấn, thì Trung Quốc mang theo lực lượng quân sự làm gì?

Những ngày tiếp theo, Trung Quốc vẫn tiếp tục điều thêm lực lượng vào vùng biển Việt Nam. Đáng chú ý, hôm 13/5, Trung Quốc đã điều thêm 10 tàu tới khu vực đặt giàn khoan Hải Dương 981, nâng tổng số tàu ở đây lên gần 90 chiếc. Đặc biệt trong số tàu tăng cường có 1 tàu săn ngầm của hải quân, 2 tàu hộ vệ tên lửa và 2 tàu vận tải đổ bộ.

Chiều 14/5, Trung Quốc tiếp tục điều thêm 2 tàu đổ bộ có máy bay trực thăng trên tàu ra khu vực giàn khoan. 2 tàu vận tải đổ bộ của Trung Quốc mang số hiệu 998 và 999, có lượng giãn nước 17.000 tấn, trên tàu trang bị một bệ với 8 ống phóng tên lửa đối không, một bệ pháo 76mm, hai bệ gồm 4 khẩu pháo 30mm.

Số lượng tàu cá vỏ sắt Trung Quốc tăng từ 15 chiếc lên 40 chiếc. Cho tới nay, số tàu các loại của Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam lên tới hơn 120 chiếc.


Việc tăng cường sức mạnh quân sự trên biển của Trung Quốc làm thế giới e ngại, nhưng các lực lượng chấp pháp của Việt Nam vẫn thi hành nhiệm vụ trên biển. Tàu của Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam vẫn hàng ngày làm nhiệm vụ bất chấp sự đe dọa, tấn công bằng vòi rồng phun nước áp lực cao, hoặc là đâm thẳng vào tàu tuần tra Việt Nam.

Thái độ cố tình khiêu khích, gây hấn nhằm tạo cớ tiến hành xung đột vũ trang trên vùng biển Việt Nam của phía Trung Quốc càng rõ ràng hơn, khi trong chuyến công du tới Mỹ ngày 15/5, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Phòng Phong Huy cho rằng, Bắc Kinh sẽ bảo vệ và tiếp tục để giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động.

Và Trung Quốc đang áp dụng tất cả các biện pháp để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 và đảm bảo cho nó tiếp tục hoạt động ở khu vực trên. Nhưng,  ngay khi ông này đang ở Mỹ thì chính giới Mỹ vẫn lên tiếng chỉ trích. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nhấn mạnh: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về cách hành xử nguy hiểm và mang tính đe dọa kiểu này của Trung Quốc”.

GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc): Bằng "hành động giàn khoan”, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, tự đặt mình vào vị thế tiền hậu bất nhất 

Giàn khoan Hải Dương 981 và "một thông điệp chính trị"

Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa ra tuyên bố "đường lưỡi bò” chiếm  tới 80% diện tích Biển Đông đang được tiến hành trên thực địa, mà hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là bước leo thang mới nhất cho tới thời điểm này. Hành động đó của Trung Quốc gây nỗi quan ngại trên toàn thế giới.

Cùng với nhiều tuyên bố đưa ra từ các giới nước Mỹ, ngày 13/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên tiếng chỉ trích Trung Quốc hành xử một cách khiêu khích trong cuộc xung đột ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi một giải pháp hòa bình cho tình trạng căng thẳng hiện nay. Ông Kerry đã gọi điện cho người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, phản đối hành động leo thang kể trên.

Không đồng tình hành động lấn biển của Bắc Kinh, Reuters công bố một thông báo từ Hạm đội 7 của Mỹ; theo đó phát ngôn viên Hạm đội 7- William Marks cho hay, hải quân Mỹ muốn hợp tác với tất cả các đối tác trên Biển Đông và rất hoan nghênh việc gia tăng các chuyến thăm cảng Việt Nam.

"Mục tiêu tổng thể là củng cố an ninh, ổn định trong khu vực và hợp tác cùng nhau là một nội dung lớn”, William Marks nhấn mạnh.


Hiện tàu chỉ huy của Hạm đội 7 USS Blue Ridge và một tàu khu trục đang có mặt tại Biển Đông- thông báo cho biết.

Nhận định về toan tính của Trung Quốc thông qua việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, Marvin C. Ott- cựu chuyên gia phân tích cao cấp của CIA nói: "Đây là những thủ thuật thường thấy từ phía Trung Quốc. Họ tính toán và sử dụng các biện pháp phi quân sự nhưng mang tính cưỡng ép, kích động như đâm tàu, phun vòi rồng, sử dụng số lượng tàu lớn để uy hiếp đối phương. Với chiến thuật như vậy Trung Quốc nhằm đến mục tiêu mở rộng tầm kiểm soát”.

Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc

  • Kiên trì dùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư buộc rút giàn khoan
  • Kết hợp đấu tranh pháp lý và đấu tranh ngoại giao
  • Kiện ra tòa án quốc tế
  • Tuyên truyền cho người Trung Quốc hiểu thực chất vấn đề
  • Ý kiến khác (comment ở cuối bài)
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Tờ The Economist dẫn lời các chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng, có 4 lý do thể hiện mức độ cực kỳ nghiêm trọng khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hải phận của Việt Nam. Trong đó, nổi lên là mưu đồ độc chiếm Biển Đông để khống chế tuyến đường hàng hải quan trọng thứ hai thế giới; gây sức ép mạnh mẽ với tất cả các quốc gia có quyền lợi liên quan (Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia…), không loại trừ cả Nhật Bản, Hàn Quốc; Tạo ra sức mạnh mới thay thế vị trí số 1 thế giới của Mỹ; Cuối cùng sẽ là khai thác sản vật cũng như dầu khí ở vùng biển giàu có này. Giới phân tích cho rằng, nếu lần này Trung Quốc đạt được ý nguyện thì không biết tình hình sẽ đi đến đâu.

Tiếp tục phân tích chủ trương của Bắc Kinh, Gregory Poling- chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình dương Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington D.C cho rằng, "Trung Quốc muốn đưa Việt Nam vào bẫy” khi đem giàn khoan nước sâu đến đặt ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; đó là Bắc Kinh "gửi đi một thông điệp chính trị” với các nước có quyền lợi liên quan. "Trung Quốc khiêu khích để muốn Việt Nam có phản ứng vượt giới hạn. Đó chính là chiêu bài mà họ sử dụng lâu nay”, G.Poling cảnh báo.

Việt Nam kiên trì đối thoại hòa bình, khẳng định chủ quyền lãnh thổ

Trước thái độ cố tình gây hấn tạo cớ cho xung đột vũ trang từ phía Trung Quốc, các tầng lớp nhân dân Việt Nam đã bày tỏ thái độ, bày tỏ lòng yêu nước của mình. Những cuộc xuống đường tuần hành trong ôn hòa nhưng rất kiên quyết của những dòng người từ Bắc chí Nam đã nhận được sự đồng tình của cộng đồng thế giới yêu chuộng hòa bình.

Truyền thông quốc tế những ngày qua liên tục lên án hành động của Trung Quốc lấn chiếm biển Việt Nam, đồng thời ca ngợi sự kiềm chế, hành xử đúng mực của Nhà nước Việt Nam.


Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN 24, ngày 11/5, tại Thủ đô Myanmar đã nhận được sự đồng tình của ASEAN và thế giới. Thủ tướng nói, trước hành động hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông của phía Trung Quốc, Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Song, lãnh thổ là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế.


Mới đây, phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri TP. Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nêu rõ, Việt Nam đã hết sức kiềm chế, bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.

Khẳng định lãnh thổ là thiêng liêng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Thủ tướng cho biết, đến nay cộng đồng quốc tế đều ủng hộ quan điểm chính đáng của Việt Nam và chưa có một nước nào lên tiếng ủng hộ Trung Quốc.


Tiếp xúc với cử tri TP. Hồ Chí Minh trong các ngày 16-17/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, các lực lượng chấp pháp trên biển của chúng ta đang ứng phó rất kiên cường, rất gian khổ nhưng bình tĩnh trước những hành động khiêu khích, gây hấn từ phía Trung Quốc.

"Thái độ ứng xử của Việt Nam trước sau như một, giải quyết tất cả vấn đề bằng giải pháp hòa bình. Nhưng khi giải quyết bằng con đường ngoại giao không xong sẽ đưa vấn đề ra tòa án quốc tế giải quyết”, Chủ tịch nước cho biết.

Trong chiều 17/5, Chủ tịch nước đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, thăm một số khu công nghiệp. Chủ tịch nước chỉ đạo, cần giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng để các doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất.

Cũng trong chiều qua (17/5), một cuộc họp báo quốc tế đã được tổ chức tại Hà Nội, tuyên bố rõ chủ trương của Việt Nam kiên trì giải quyết vụ việc bằng đường lối đối thoại hòa bình, giải quyết nhanh chóng một số vụ việc đáng tiếc xảy ra mới đây do những đối tượng quá khích gây ra tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất.


Cuộc đấu tranh này còn lâu dài, nhưng Việt Nam sẽ thắng vì Cộng đồng ASEAN đứng bên Việt Nam, thế giới đứng bên Việt Nam, chính nghĩa thuộc về Việt Nam.

Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc

  • Kiên trì dùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư buộc rút giàn khoan
  • Kết hợp đấu tranh pháp lý và đấu tranh ngoại giao
  • Kiện ra tòa án quốc tế
  • Tuyên truyền cho người Trung Quốc hiểu thực chất vấn đề
  • Ý kiến khác (comment ở cuối bài)
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Theo Đại Đoàn Kết
Bình luận
vtcnews.vn