Giá nông sản giảm 10 - 20%
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, diện tích rau màu vụ đông chưa kịp thu hoạch của tỉnh Hải Dương là 7.832 ha (chiếm 35%) diện tích, chủ yếu là diện tích hành, tập trung ở huyện Kinh Môn với khoảng 3.500 ha; cà rốt ở Nam Sách còn khoảng 350 ha, Cẩm Giàng 400 ha.
Tại Gia Lộc, còn khoảng 200 ha cải bắp, su hào, súp lơ chưa kịp thu hoạch, diện tích rau màu còn lại ở Tứ Kỳ là 200 ha, Kim Thành 400 ha… Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản cho người dân trong vùng bị phong tỏa, cách ly mà vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch là giải pháp quan trọng lúc này.
Tại Quảng Ninh, diện tích rau màu chưa thu hoạch còn trên 2.000 ha, chủ yếu là khoai tây, ngô, rau các loại với sản lượng ước khoảng 30.000 tấn.
Khảo sát của Bộ NN&PTNT cho thấy, sau khi bùng phát các ổ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, giá nông sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương bị giảm khoảng 10 – 20% so với trước khi bùng phát dịch COVID-19. Cụ thể, giá cà rốt khảo sát ngày 31/1/2021 còn 6.000 – 6.500 đồng/kg; cải bắp 4.000 – 4.500 đồng/kg; súp lơ 4.000 – 4.500 đồng/cái…
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhận định, việc tiêu thụ cà rốt, khoai tây đang gặp nhiều khó khăn do hai loại nông sản này có sản lượng lớn, mức độ tiêu thụ trong tỉnh, trong nước không được nhiều (chỉ 10%), chủ yếu là xuất khẩu (90%).
Trong khi đó, kho bảo quản lạnh trong tỉnh Hải Dương có hạn, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước Tết Nguyên đán thì việc tiêu thụ cà rốt không đáng lo nhưng nếu dịch bệnh kéo dài thì đây là vấn đề đáng lưu tâm.
Hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa ra vào các địa phương này rất khó khăn, phức tạp; trong khi việc sản xuất của bà con vẫn diễn ra bình thường, trừ những hộ nằm trong diện cách ly, phong tỏa.
Trong khi đó, các chợ dân sinh trên địa bàn hai tỉnh này đã bắt đầu áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nên buôn bán ngoài đường, vỉa hè bị hạn chế, hoạt động buôn bán khó khăn hơn, giá không cao nhưng sức mua giảm.
“Thị trường tiêu thụ nông sản chính của Hải Dương là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (tiêu thụ khoảng 60% tổng sản lượng su hào, bắp cải, rau ăn lá, ổi, cam, chuối… của Hải Dương. Tuy nhiên, 2 tỉnh này đang cấm tất cả các phương tiện và người Hải Dương vận chuyển hàng hóa, đi vào địa bàn nên ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nông sản của tỉnh. Các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiêu thụ và người tiêu dùng có tâm lý e ngại, không muốn sử dụng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hải Dương và tiếp xúc với người Hải Dương, các doanh nghiệp, thương lái của tỉnh khác không muốn đến Hải Dương để thu mua nông sản vì lo ngại dịch và phải cách ly” – báo cáo của Bộ NN&PTNT nêu rõ.
Thúc đẩy tiêu thụ nội tỉnh
Để tiêu thụ nông sản cho nông dân trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, theo Bộ NN&PTNT, tại các địa phương đang bị phong tỏa tập trung thu hoạch cây hành, tỏi (tại Kinh Môn, Chí Linh) từ nay đến Tết Nguyên đán để giải phóng đất cấy lúa; ưu tiên thu hoạch và bảo quản tại nông hộ chờ tiêu thụ khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Các loại rau màu cần tiêu thụ ngay thì ưu tiên tiêu thụ ngay tại các cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ trong tỉnh như siêu thị, nhà máy chế biến, chợ. Đối với cây cà rốt, thu hoạch từ nay đến cuối tháng 3/2021, với những diện tích củ còn nhỏ, khuyến khích giữ lại ruộng, tiếp tục chăm sóc để chờ tiêu thụ khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Với những diện tích cà rốt đã đến kỳ thu hoạch, thúc đẩy tiêu thụ tại các doanh nghiệp trong tỉnh (các nhà máy tập trung ở Cẩm Giàng, Gia Lộc). Sau khi sơ chế, đóng gói mang đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Khi vận chuyển ra ngoài tỉnh, phải có phương án chuyển tải hoặc đổi lái (ở khu vực cửa ngõ tỉnh) và áp dụng các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Đối với các địa phương chưa bị phong tỏa, Bộ NN&PTNT lưu ý, cần đẩy mạnh tập trung chăm sóc và thu hoạch cây vụ đông đã đến kỳ thu hoạch để phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường trước và sau Tết Nguyên đán; tập trung nhân lực để gieo cấy lúa chiêm xuân trong khung thời vụ tốt nhất, phấn đấu hoàn thành gieo cấy trước ngày 28/2/2021 theo lịch chỉ đạo.
Mới đây, chuyến hàng đầu tiên là 17 tấn khoai tây vừa đúng vụ thu hoạch của bà con nông dân xã Bình Dương (thị xã Đông Triều) đã được Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh kết nối tiêu thụ thành công. Các đơn vị tiêu thụ đã thanh toán ngay cho bà con nông dân 153 triệu đồng.
Để tạo điều kiện các phương tiện hàng hóa lưu thông qua vùng dịch, ngày 28/1, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ đạo cho phép các phương tiện vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất được hoạt động, nhưng phải kiểm soát và duy trì số lượng người trên phương tiện theo quy định phòng chống dịch.
UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương chỉ đạo các chốt kiểm soát cho phép các phương tiện vận tải đang chuyên chở hoặc đi nhận hàng được phép đi qua các chốt kiểm soát với các tỉnh ngoài và các chốt kiểm soát nội tỉnh (trừ phương tiện xuất phát từ các vùng bị phong tỏa do có dịch).
Thêm một tín hiệu tích cực nữa sáng 1/2, đã có 6 đơn vị, doanh nghiệp thu mua trên 10.000 con gà đồi cho các hộ chăn nuôi ở TP Chí Linh (Hải Dương).
Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã kết nối được 23 đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thu mua sản phẩm chăn nuôi cho các hộ trong vùng dịch. Ngoài 6 đơn vị, doanh nghiệp đã thu mua trên 10.000 con gà đồi cho các hộ nuôi ở TP Chí Linh, Chi cục tiếp tục liên hệ với các chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trong tỉnh tập trung mua các sản phẩm cho hộ nuôi; vận động người dân ưu tiên dùng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong tỉnh.
Chỉ đạo hệ thống thú y thống kê số hộ chăn nuôi có gà, lợn xuất chuồng, số lượng, chủng loại để cung cấp cho các thương lái, chủ cơ sở giết mổ gia cầm lên kế hoạch thu mua; hướng dẫn lái xe đường đi ra, vào và thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm dịch COVID-19, khử trùng phương tiện vận chuyển...
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thu y tỉnh Hải Dương, hiện TP. Chí Linh có trên 1,5 triệu con gia cầm; 8.500 con lợn. Thị xã Kinh Môn có 52.000 con gia cầm, 7.450 con lợn và 1,2 triệu vật nuôi khác. Huyện Nam Sách có 94.000 con gia cầm, 7.400 con lợn và huyện Kim Thành có 56.000 con gia cầm, 7.800 con lợn.
Bình luận