Nội dung được đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đưa ra tại phiên thảo luận ở nghị trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm.
Theo đại biểu Mai, các gói hỗ trợ trong đại dịch COVID-19 đã được ban hành kịp thời với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân. Đồng thời, việc này giúp duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
Tuy nhiên, việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa đạt hiệu quả mong muốn. “Ví dụ với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng chúng ta mới thực hiện được 36.000 tỷ đồng, tương đương 36% tổng mức dự kiến”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Do đó, nữ đại biểu Quốc hội này cho rằng cần nhanh chóng rút kinh nghiệm khi triển khai gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Nhưng lưu ý, chính quyền khi triển khai hỗ trợ cần khẩn trương, thông thoáng, song nhất định phải đúng đối tượng, không phô trương, không hình thức.
Đáng chú ý, vị đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng nên cân nhắc khi áp dụng hậu kiểm với các gói cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Vì thực tế hiện nay chúng ta đang áp dụng cơ chế hậu kiểm ở một số lĩnh vực như thuế, hải quan… Những trường hợp kê khai không đúng sẽ truy thu. Nhưng đối với gói cứu trợ, thì hoàn toàn khác.
Nguyên nhân khi kê khai đề nghị hỗ trợ, người dân chỉ biết nộp hồ sơ, còn việc việc xác nhận tính đúng đắn lại là trách nhiệm quản lý Nhà nước, của cơ quan công quyền khi thi hành công vụ.
“Khi đã xuất tiền cho người dân mặc nhiên là công nhận tính đúng đắn. Mặt khác chính sách hỗ trợ là thể hiện tính nhân văn cao cả, là hình ảnh của Chính phủ, đưa bàn tay để cùng người dân đi qua khó khăn. Do vậy việc hành xử cần hết sức nhân văn”, đại biểu Mai cho biết.
Theo Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, gói 62.000 tỷ trước đây có những tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, thời gian xem xét có khi phải đợi cả tháng, nhanh cũng phải 10 ngày. Nhưng với gói 26.000 tỷ đồng tới đây, sẽ rút ngắn thời gian chỉ còn 4 ngày xét thủ tục và thêm 3 ngày để giải ngân. Tức là tối đa 7 ngày có thể tiền hỗ trợ sẽ đến tay người dân.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, sẽ giảm điều kiện thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày.
Đồng thời bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên.
Bên cạnh đó giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động.
Bình luận