Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa phê duyệt phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia tháng 8/2023 và các tháng cuối năm, theo đề xuất của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).
EVN dự báo, tháng 8/2023, sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống ở mức 825,8 triệu kWh/ngày, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, do chủ động về các nguồn cung, trong đó lượng nước về hồ thủy điện ngày một tăng nên tỷ lệ huy động từ thủy điện tăng cao. Bên cạnh đó, các dự án năng lượng tái tạo cũng tăng. Cùng với đó, việc điều chỉnh kế hoạch sửa chữa của các đơn vị sẽ tăng sản lượng nhiệt điện than hệ thống điện miền Bắc lên gần 261 triệu kWh.
Theo tính toán của A0, hệ thống điện miền Bắc cơ bản đáp ứng công suất đỉnh từ các tháng 8 đến 12, song mức dự phòng ở tháng 8 thấp, dự kiến chỉ gần 308 MW. Công suất dự phòng sẽ được tăng lên vào các tháng tiếp theo, từ khoảng 3.000 - 5.000 MW.
Đáng chú ý, A0 vẫn đánh giá có những rủi ro trong vận hành và cung ứng điện. Trong trường hợp phụ tải tăng trưởng bất thường, hệ thống điện quốc gia và miền Bắc có khả năng tăng trưởng tương ứng là 12,44% và 21,1%.
Trong trường hợp nắng nóng tiếp tục kéo dài và không xuất hiện mưa theo quy luật tự nhiên thì khả năng công suất lớn nhất của phụ tải miền Bắc tăng trưởng ở mức 25,69% so với cùng kỳ, tương ứng với gần 25.043 MW.
Vì thế, A0 đặt mục tiêu vận hành hệ thống điện một cách an toàn, cân đối giữa các nguồn điện.
A0 và EVN cũng lo ngại tình hình thủy văn diễn biến không thuận lợi, lưu lượng nước về trong tháng 8 chỉ tương đương tháng 7, thì sản lượng thủy điện theo nước về bị thiếu hụt. Khi đó, việc vận hành tin cậy và ổn định liên tục của các nhà máy điện than, đặc biệt các nhà máy tại miền Bắc cần phải được đảm bảo.
Theo EVN, nếu các yếu tố bất lợi diễn ra cùng đồng thời, các đơn vị liên quan cần lên phương án cụ thể cho trường hợp thiếu công suất và sản lượng ở miền Bắc. Cụ thể, công suất thiếu hụt có thể lên tới gần 3.298 MW và sản lượng điện thiếu hụt lên tới gần 26,7 triệu kWh/ngày.
Hồ thủy điện xả tràn hàng nghìn m3/s
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhiều hồ thủy điện đang trong quá trình xả tràn. Các nhà máy thủy điện được huy động tăng cao do lượng nước về nhiều.
Cuối ngày 7/8, lượng nước về hồ thủy điện Lai Châu đạt 1.353 m3/s, mực nước hồ dâng cao 294,93 m. Để điều tiết, duy trì mực nước không vượt quá mực nước dâng bình thường (295,00 m), nhà máy thủy điện đã phải mở cửa xả tràn với lượng nước 1.558 m3/s.
Lượng nước đổ về hồ Sơn La là 4.246 m3/s, lượng xả là 3.293 m3/s; lượng nước về hồ Hòa Bình là 3.610 m3/s, lượng xả là 2.414 m3/s; lượng nước về hồ Huội Quảng (Lai Châu) là 300 m3/s, lượng nước xả là 340 m3/s; lượng nước về hồ Trung Sơn (Thanh Hoá) là 1.496 m3/s, lượng nước xả là 1.496 m3/s.
Tại khu vực miền Trung, lượng nước về hồ thủy điện cũng dâng cao nhanh chóng. Nước đổ về thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) đạt 452 m3/s, tổng lượng nước xả là 450 m3/s và một số hồ khác như hồ Sông Tranh 2 (Quảng Nam), hồ Sông Hinh (Phú Yên), Sông Bung 2, Sông Bung 4, A Vương, Yaly cũng bắt đầu xả, từ 15 m3/s đến 450 m3/s…
Mới đây, EVN cũng phát đi thông tin về việc mưa lũ gây sạt lở đất ở Tây Nguyên, Nam Bộ và một số tỉnh phía Bắc đã ảnh hưởng đến vận hành nguồn và lưới điện.
Cụ thể, tại tỉnh Yên Bái, khu vực nhà máy thủy điện Hồ Bốn có lũ quét lớn và sạt lở đất gây sự cố đường dây 110kV và tài sản trụ sở làm việc.
Quốc lộ 32 - địa phận thuộc hai xã Khao Mang, Hồ Bốn của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái - giao thông bị tê liệt, toàn huyện Mù Cang Chải mất điện, các phương tiện không thể qua lại, kể cả đi bộ, sạt lở taluy dương nghiêm trọng. Hệ thống lưới điện trung, hạ áp tại một số khu vực ở Yên Bái cũng bị sự cố do các đợt mưa kéo dài.
Tại Sơn La, một số cột điện, đoạn đường dây 35kV tại các huyện Mường La, Quỳnh Nhai bị vùi lấp, gãy đổ gây ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho khách hàng. Đối với những khu vực xảy ra sự cố trên, do nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, chia cắt nên EVN chưa vận chuyển được thiết bị để khắc phục. Công ty Điện lực Sơn La đang tiếp tục bám sát tình hình để khẩn trương khắc phục, dự kiến khôi phục cấp điện lại cho khách hàng vào ngày 9/8.
Tại Lai Châu, một số tuyến đường và đồi núi ở khu vực Bản Mùi bị sạt lở, gây sự cố đường dây 35 kV, làm mất điện 5 trạm biến áp.
Tại Điện Biên, mưa lũ cũng làm một số cột điện 35 kV khu vực Nậm Hạ bị sạt lở đất móng cột, nguy cơ gây sự cố. Các đơn vị điện lực Điện Biên đã thực hiện đào rãnh thoát nước ngăn nước mưa chảy vào móng cột, tiếp tục theo dõi và ứng phó.
Bình luận