Ho ra máu, khó thở do vắt rừng ‘trốn’ trong đường hô hấp của bệnh nhi

Tư vấnChủ Nhật, 10/07/2022 14:41:06 +07:00
(VTC News) -

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ho kéo dài, khó thở, thỉnh thoảng có khạc ra máu.

Liên tiếp thời gian gần đây, khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi người dân tộc thiểu số phải nhập viện bởi vắt rừng “trốn” vào trong đường thở. Hầu hết các bệnh nhi bị vắt rừng “đột nhập” trước đó hàng tháng, sau mới đến bệnh viện điều trị.

Gần đây nhất, cháu X.T.C (11 tuổi, trú tại huyện Kỳ Sơn) nhập viện trong tình trạng ho kéo dài, khó thở, thỉnh thoảng có khạc ra máu.

Theo gia đình kể lại, khoảng 2 tháng trước ngày nhập viện, trẻ có uống nước ở suối, sau khi trở về nhà trẻ xuất hiện ho nhiều, thỉnh thoảng ho ra máu, khàn tiếng. Khoảng 6 ngày nay, tình trạng khó thở ở trẻ tăng lên. Gia đình đưa trẻ tới bệnh viện tuyến huyện khám, được chẩn đoán dị vật đường thở. Ngay lập tức, trẻ được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Ho ra máu, khó thở do vắt rừng ‘trốn’ trong đường hô hấp của bệnh nhi - 1

Êkip tiến hành nội soi gắp con vắt rừng ra khỏi đường thở của bệnh nhân.

Qua thăm khám cận lâm sàng kết hợp nội soi thanh quản ống mềm, BS CKI. Trịnh Thanh Hưng – khoa Tai Mũi Họng phát hiện có 1 dị vật ký sinh trong đường thở của bệnh nhân. Ngay lập tức, êkip đã tiến hành nội soi gắp con vắt rừng ra khỏi đường thở của bệnh nhân. Hiện bệnh nhân đã thở tốt, tình trạng sức khỏe ổn định và bé đã được xuất viện.

Trước đó, ngày 27/5, bệnh nhi V.S.L (6 tuổi, trú tại huyện Quế Phong) nhập viện trong tình trạng khó thở, thở nhanh, thở rít. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi gấp con vắt rừng ra khỏi đường thở của bệnh nhi. Mẹ bệnh nhi cho biết, trẻ thường uống nước ở suối, nên có thể đã uống con vắt vào miệng mà không hay biết. 

BS CKI. Trịnh Thanh Hưng cho biết, nguyên nhân khiến con vắt có thể chui vào cơ thể bệnh nhi tới từ thói quen sử dụng trực tiếp nguồn nước từ suối để ăn uống, sinh hoạt của gia đình bệnh nhi. Đây chính là môi trường mà vắt rừng thường sinh sống, từ đó trôi theo dòng nước vào cơ thể khi bệnh nhi uống trực tiếp nước chưa đun sôi ở khe, suối.

BS. Hưng khuyến cáo, khi người bệnh bị vắt rừng (hoặc đỉa) chui vào đường thở, biểu hiện thường thấy là cảm giác khó chịu lỗ mũi, xì mũi, nghẹt mũi, chảy máu mũi. Nếu không được bác sĩ khám và xử lý kịp thời, con vắt/ đỉa ngày càng to gây nghẽn khí quản, suy hô hấp... và để kéo dài có thể dẫn đến tử vong.

“Khi có dấu hiệu bất thường về đường thở, người dân cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám sớm để phát hiện và gắp ra kịp thời, tránh để lâu dài ảnh hưởng tới sức khỏe”, BS. Hưng nói.

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp