• Zalo

Hổ khổng lồ giết lợn rừng độc chiếc và dân bản được bữa no

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 08/12/2015 06:45:00 +07:00Google News

Cứ vài hôm, khi gà lên chuồng, hơn trăm con người ở bản Tốc Tát Trên lại co rúm sợ hãi khi tiếng "à uôm" vọng lại từ phía rừng già.

(VTC News) - Cứ vài hôm, khi gà lên chuồng, hơn trăm con người ở bản Tốc Tát Trên lại co rúm sợ hãi khi tiếng "à uôm" vọng lại từ phía rừng già.


Kỳ 2 (kỳ cuối): Hổ khổng lồ giết lợn rừng độc chiếc


Chuyện hổ xuất hiện ở rừng Huổi Luông (Quỳnh Nhai, Sơn La), quả thực rất lạ. Thật khó có thể tin rừng Việt Nam vẫn còn hổ hoang dã. Tuy nhiên, việc hổ ăn thịt trâu, bò nhiều người chứng kiến, nên không thể không tin.

Trong những ngày lang thang từ vùng Quỳnh Nhai (Sơn La), sang Than Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải (Yên Bái), rồi vòng về Mường La (Sơn La), tôi được nghe nhiều chuyện về hổ. Nhiều người cho rằng, cùng là đàn hổ, nhưng chúng di cư đến những địa bàn trên.

Anh Trịnh Văn Tuấn, cán bộ ở huyện Văn Chấn kể rằng, mới năm ngoái, đám người Mông ở Mù Cang Chải bắt được hổ con nặng 10kg. Sự việc xôn xao, dân buôn và sưu tầm thú quý hiếm khắp vùng đổ về. Anh Tuấn cũng vác theo bọc tiền chạy lên Mù Căng Chải.

Tiêu bản đầu hổ của một thợ săn ở Quỳnh Nhai, Sơn La
Tiêu bản đầu hổ của một thợ săn ở Quỳnh Nhai, Sơn La 

Tuy nhiên, đang thỏa thuận mua bán thì kiểm lâm ập đến, cả đám người Mông vác hổ con bỏ chạy. Sau vụ đó, không ai nghe tin về số phận chú hổ con nữa. Có người đồn rằng, một đại gia ở xuôi đã mua hổ về nuôi. Còn có người khẳng định, chú hổ con đã vào bình rượu.

Anh Tuấn kể rằng, có thời điểm, hổ khổng lồ xuất hiện ở Lục Yên, có lúc ở rừng Văn Chấn, Trạm Tấu, có lúc ở Mù Cang Chải. Những huyện này đều nằm ở phần đuôi của dãy Hoàng Liên Sơn, rừng rậm hoang vu, mà hổ là loài di chuyển liên tục, nên có thể bắt gặp ở nhiều nơi. Dấu hiệu để nhận biết là những tiếng gầm, dấu chân, và đặc biệt là hiện tượng mất thú nuôi.

Cũng theo anh Tuấn, người thu gom một số sản vật rừng ở đuôi dãy Hoàng Liên Sơn, thì thời gian gần đây, "ông hổ" xuất hiện ở khu rừng thuộc huyện Mường La, giáp với Quỳnh Nhai của Sơn La và Mù Cang Chải của Yên Bái.

Theo chỉ dẫn của anh Tuấn, tôi tìm vào bản Tốc Tát Trên, thuộc xã Chiềng Công (Mường La). Từ thủy điện Sơn La, phải đi xe máy 45 cây số, mất 4 giờ đồng hồ mới lên được bản Tốc Tát Trên. Con đường xe máy như đường lên giời. Đường nhỏ xíu, quanh co bên vách đá và miệng vực, cực kỳ nguy hiểm. Gặp ngày mưa, muốn vào bản chỉ có thể đi bộ, hoặc trót vào bản bằng xe máy rồi, thì phải chờ trời nắng, đường khô mới ra nổi.

San đất làm nhà ở bản Tốc Tát Trên
San đất làm nhà ở bản Tốc Tát Trên  

Bản Tốc Tát Trên chỉ có 30 hộ dân, toàn là người Mông, sống giữa rừng thẳm và mây trắng. Ở bản, thi thoảng mới có ánh nắng, còn gần như lúc nào cũng chìm trong mây mờ. Thời điểm hiếm hoi có ánh nắng, thì nhìn thấy những dãy núi trùng điệp trải dài trước mắt, rừng xanh thẫm bạt ngàn.

Ông Vàng A Chơ, nguyên trưởng bản Tốc Tát Trên, đứng bên vách núi, chỉ tay về phía rừng già, và bảo trong đó bạt ngàn pơ-mu, với những thân cây vài người ôm, còn nguyên vẹn.

Tôi đã đi vòng quanh đoạn đuôi Hoàng Liên Sơn này, nhưng quả thực, hiếm thấy khu vực nào rừng pơ-mu còn nguyên vẹn như vậy. Có lẽ, đường sá quá khó khăn, vận chuyển gỗ không nổi, nên rừng còn được bảo tồn.

Hỏi chuyện hổ, ông Vàng A Chơ chợt biến sắc khuôn mặt. Ông Chơ làm trưởng bản 22 năm, mới giao lại chức đó cho con trai, là Vàng A Sùng. Theo ông Chơ, chuyện hổ thì ông nghe nhiều. Người Mông tuy là thợ săn lão luyện, nhưng họ lại rất sợ hổ và… ma. Và, kể từ khi hổ loanh quanh ở bản Tốc Tát Trên, thì chẳng mấy ai dám vào rừng nữa. Thậm chí, họ không gọi là con hổ, mà kính cẩn gọi là "ông hổ".

Bữa ăn của trẻ nhỏ ở Tốc Tát Trên
Bữa ăn của trẻ nhỏ ở Tốc Tát Trên 

Theo lời ông Chơ, xưa kia, chuyện hổ, gấu ở đại ngàn chả khác gì chuyện mèo, chuột, vì nó quá nhiều. Thế nhưng, hàng chục năm nay ít nghe đến chuyện hổ. Chẳng mấy ai thấy dấu hiệu của loài chúa sơn lâm cả. Thế nhưng, gần đây, đồng bào Mông ở bản Tốc Tát Trên, gồm có mấy nhúm nhà, lọt thỏm giữa rừng, lại thường xuyên được nghe tiếng hổ gầm.

Là người sống giữa đại ngàn đã 50 năm, chập chững biết đi đã theo bố vào rừng săn thú, nên tiếng hổ gầm thế nào, dấu chân hổ ra sao, ông Chơ đều biết. Ông Chơ giơ hai bàn tay chụm trước mặt tôi và bảo rằng, mới hai tháng trước, ông cùng một số thanh niên trong bản, mang theo dao cuốc vào trong rừng, theo tiếng "à uôm" và đã phát hiện những dấu chân khổng lồ, đúng là dấu chân hổ, to bằng hai bàn tay của ông. Ngoài ra, còn hai dấu chân của hai hổ con nữa. Nhìn vết chân và theo suy đoán của ông Chơ, thì con hổ mẹ phải nặng vài tạ, còn hổ nhỏ mỗi con cũng độ 30kg.

Video hổ vồ người


Những dấu chân hổ ấy in rõ ở ngay bờ suối, ngay chỗ nương ngô. Từ hôm đó đến nay, các gia đình có nương ở khu vực ấy không dám vào nữa.

Chiều nào cũng vậy, mặt trời chưa kịp lặn xuống phía bên kia dãy núi, cả bản đều rời rừng già, cửa đóng then cài. Bình thường, người dân thả trâu, bò, dê trong rừng, nhưng giờ lùa hết về bản. Trâu, bò thì chưa mất, nhưng dê đã mất vài con.

Cứ vài hôm, khi gà lên chuồng, hơn trăm con người ở bản Tốc Tát Trên lại co rúm sợ hãi khi nghe tiếng "à uôm" vọng lại từ phía rừng già.

Sự việc kinh hãi nhất, nhưng cũng lại vui nhất, xảy ra vào giữa tháng 11 vừa qua, tức là mới cách đây chưa đầy 1 tháng, cả bản được bữa liên hoan lợn rừng tưng bừng nhờ… hổ.

Rừng già bao quanh bản Tốc Tát Trên
Rừng già bao quanh bản Tốc Tát Trên 

Chuyện là, bữa đó ngày rằm, trời trong, trăng sáng, dân bản không ai dám ra ngoài, cửa đóng then cài kín mít, vì tiếng "à uôm" của "ông hổ" liên tục vang lên từ dưới thung lũng, giáp bìa rừng. Tiếng gầm đầy uy lực vang vọng núi rừng, khiến dân bản sợ chết khiếp, không ai dám ra ngoài.

Sớm hôm sau, ông Chơ cùng hơn chục thanh niên với đầy đủ dao cuốc tụt xuống thung lũng nơi phát ra tiếng hổ gầm rợn người đêm hôm trước. Cỏ cây một khoảng không gian rộng lớn bị tướp đi. Ngay mép suối, dưới lùm cây, là xác con lợn rừng khổng lồ.

Điều kỳ lạ, là con lợn rừng khổng lồ còn khá nguyên vẹn, với cặp nanh cong vút, dài bằng gang tay. Con lợn khổng lồ bị chết bởi nhát cắn đứt họng. Bụng lợn bị rạch nát. Con hổ ăn hết bộ lòng, còn phần thịt xương vẫn để nguyên. Theo lời ông Chơ, thì hổ thường ăn lòng vào giữa tháng. Đầu tháng nó ăn phần đầu con mồi và cuối tháng thì ăn phần đuôi. Ăn chưa hết, nó tha mồi giấu vào bụi cây, rồi hôm sau đến ăn tiếp.

Con lợn rừng khổng lồ này khá quen thuộc với người dân ở bản Tốc Tát Trên. Nó thường xuyên về phá nương. Tuy nhiên, sống lâu năm, nó rất khôn, tưởng như đã thành tinh. Nhiều lần dân bản tổ chức bao vây, đặt bẫy, song không săn được nó.

Người dân đồn rằng, vì đã "thành tinh", nên nó có khả năng nghe được tiếng người từ xa. Dân bản cứ bàn bạc việc săn bắt nó, là nó biết và chuồn mất. Dù phát hiện nó ở khu vực đó, nhưng cứ kéo đến bao vây, thì nó đã biến mất. Thế nhưng, rốt cuộc, con lợn đã mất mạng bởi vuốt hổ.

Mặc dù rất sợ hãi, nhưng dân bản đã đánh cắp con mồi của hổ. Phải chục thanh niên khỏe mạnh thay phiên nhau mới khênh được xác con lợn rừng về bản. Cái xác cân lên, được tạ rưỡi. Xẻ thịt, mỗi gia đình được chia vài cân thịt.

Tôi hỏi ông Chơ, rằng liệu có phải hổ hay mọi người nhầm với loài báo hoa mai, cũng rất to lớn và hung dữ. Tuy nhiên, ông Chơ cũng như mọi người đều khẳng định là hổ, bởi tiếng kêu "à uôm" đặc trưng của nó, cũng như những dấu chân khổng lồ.

Những câu chuyện về hổ khổng lồ ở bản Tốc Tát Trên cứ huyền ảo như chính cuộc sống của đồng bào ở xứ mờ sương giữa rừng già.


Bình Thủy
Bình luận
vtcnews.vn