• Zalo

'Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân'

Ý kiếnThứ Ba, 16/04/2024 11:16:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Những địa danh cổ xưa là di sản của bao thế hệ đổ mồ hôi và cả máu để xây dựng và bảo vệ vùng đất, những con người “gánh theo tên xã, tên làng mỗi chuyến di dân”.

Xã hội loài người phát triển dựa trên sự thay cũ đổi mới, nhưng kết quả rực rỡ mà thế hệ sau có được cũng luôn dựa vào việc kế thừa thành tựu của tiền nhân. Lịch sử phát triển của đất nước cũng vậy.

Không thể kể hết bao nhiêu đổi mới đã được thực hiện để tạo thành Việt Nam hôm nay, trong đó có những cải cách về hành chính. Việc sáp nhập 50 huyện và hơn 1.200 xã trên cả nước trong năm 2024 nhằm tinh giản bộ máy hành chính, tăng hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công đương nhiên kéo theo sự thay đổi về tên những huyện, xã này.

Đương nhiên sẽ có những tên cũ biến mất, những tên mới ra đời. Nhưng đây cũng là lúc vấn đề bỏ và giữ phải được cân nhắc kỹ càng, với tất cả sự trân quý đối với di sản của cha ông. Đúng vậy, cần phải coi những địa danh nổi tiếng mấy trăm năm, gắn với giá trị lớn lao về văn hóa, lịch sử là di sản.

Nguy cơ xóa sổ những tên xã, phường như Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An), Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Hữu Bằng, Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội)… trong đợt sáp nhập này khiến nhiều người dân tiếc đến đứt ruột, cảm thấy như món tài sản quý báu mà cha ông để lại sắp bị con cháu vô tri ném ra đường.

Đình làng Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội). Theo dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Nội, hai xã Hữu Bằng và Bình Phú sẽ sáp nhập thành xã Quang Trung.

Đình làng Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội). Theo dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Nội, hai xã Hữu Bằng và Bình Phú sẽ sáp nhập thành xã Quang Trung.

Càng đáng tiếc hơn khi những tên mới được tạo nên từ sự lắp ghép cơ học các âm tiết trong tên địa danh cũ, đọc lên nghe ngô nghê và vô nghĩa đến hài hước như “Đôi Hậu” (ghép tên hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu).

Đặt tên mới cho các xã, huyện được sáp nhập là công tác hành chính, nhưng buộc phải dựa trên nền tảng văn hóa. Những địa danh cổ xưa chính là tình cảm, ký ức của bao nhiêu thế hệ đổ mồ hôi xây dựng vùng đất ấy, và đổ máu để bảo vệ nó, như nhà thơ Nguyễn Khoa Điểm đã viết cách đây hơn nửa thế kỷ:

“Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi đất nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta...”

Và: “Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”. Họ chính là những đứa con của nhiều vùng đất, những “người con gái, con trai trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi” đã sống và chết để dựng xây, bảo vệ quê cha đất tổ. Vì thế, cái tên là hồn vía của vùng đất, là niềm tự hào, là ước vọng, là chốn níu giữ tâm linh của những người con từ đó lớn lên và ra đi.

Những địa danh cổ xưa như sợi dây kết nối các thế hệ, kết nối những người con cùng một thế hệ. Việc lưu giữ chúng giúp duy trì tính liên tục của mạch nguồn lịch sử, là sự tiếp nối những giá trị truyền thống để cùng tạo nên các giá trị mới cho cộng đồng trong tương lai.

Bởi thế, những địa danh hàng trăm năm có ý nghĩa đẹp đẽ hoặc gắn liền với lịch sử, với tâm thức cộng đồng cần được coi là bảo vật. Địa danh cổ trên thực tế cũng là một loại di sản phi vật thể, là hóa thạch sống của nền văn hóa, văn minh dân tộc, là món đồ cổ mà càng để lâu càng quý báu.

Vừa qua, người Việt Nam đã bỏ ra hơn 150 tỷ đồng để hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo, một món cổ vật có giá trị lớn về lịch sử. Bao năm qua, Nhà nước và nhiều công dân có lòng với đất nước cũng đã bỏ số tiền lớn tìm về những cổ vật khác từng lưu lạc ở xứ người. Trong khi đó, những địa danh tuổi đời mấy thế kỷ được tổ tiên để lại cho chúng ta miễn phí, sao lại vứt đi?

Bỏ tên Quỳnh Đôi để lấy tên Đôi Hậu, có khác gì đổi chiếc bình gốm thời Lê lấy lọ hoa sứ giá 40 - 50 nghìn đồng bày bán trên vỉa hè?

Đành rằng trong suốt mấy nghìn năm đất nước phát triển, đã có vô số cái tên biến mất và ra đời; không phải địa danh nào cũng bất biến hay nhất thiết phải giữ lại. Nhưng thay đổi nào cũng cần dựa trên nguyên tắc là hướng đến thứ có giá trị lớn hơn.

Nếu cứ thẳng tay vứt bỏ những địa danh đã trở thành di sản, chúng ta sẽ là kẻ phá gia chi tử trong mắt tổ tiên.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Lâm Dũng
Bình luận
vtcnews.vn