Park Hang Seo đang bước những bước đầu tiên trong công cuộc xây dựng "triều đại" mới ở tuyển Việt Nam, dù thỏa thuận giữa chiến lược gia người Hàn Quốc và bóng đá Việt Nam đã ráo mực cách đây một tháng. Cuộc tiếp đón Afghanistan trên sân nhà Mỹ Đình (vòng loại Asian Cup 2019) sẽ đánh dấu sự ra mắt của Park Hang Seo, nhưng ngay từ lúc này, cựu trợ lý của HLV Guus Hiddink đang ghi điểm trong các buổi tập của toàn đội.
Trong lễ ra mắt truyền thông trên cương vị HLV trưởng, Park Hang Seo tự tin tuyên bố mang đến cho tuyển Việt Nam "những điều mới mẻ". Không chỉ là thành tích, lối chơi, mà còn là "văn hóa tập luyện" chỉn chu, kỷ luật điển hình của bóng đá Hàn Quốc (hay Nhật Bản).
Park Hang Seo cầu toàn và cực kỳ cẩn thận. Chiến lược gia người Hàn Quốc bực mình khi một trợ lý sử dụng điện thoại trong buổi tập, tự tay sắp xếp marker tập luyện cho các cầu thủ, đứng đằng xa quan sát, ghi chép và ngay lập tức can thiệp nếu có học trò thực hiện sai kỹ thuật. Park Hang Seo không lập tức cho tuyển Việt Nam tập với bóng. Thay vào đó, ông để toàn đội tập di chuyển đồng bộ, tập vây bắt, gây áp lực lên đối phương khi không có bóng.
Một bài tập khó khăn với các cầu thủ, bởi ai cũng muốn được "thực chiến", đối kháng trên sân với bóng. Đá bóng mà phải tập không bóng, cảm giác không thực sự dễ chịu. Nhưng triết lý của Park Hang Seo là vậy: Phải uốn nắn, tinh chỉnh từ những bước di chuyển cơ bản nhất. Mọi chiến thuật đều được xây dựng trên những bước di chuyển hợp lý, khoa học. Ông yêu cầu các cầu thủ thực hiện bài tập nhuần nhuyễn với sự chính xác tuyệt đối.
Tính kỷ luật của Park Hang Seo còn thể hiện ở... 6 lệnh cấm dành cho các cầu thủ. Không khoan nhượng và phải vận động liên tục, đó là cách duy nhất để tuyển Việt Nam vươn mình, có được thành công cụ thể ở sân chơi lớn và lọt vào top 100 thế giới như mục tiêu Park Hang Seo đặt ra. Rất lâu rồi, bóng đá Việt Nam mới có người thầy cứng rắn, khắt khe và chỉn chu đến vậy.
Nhìn cách chiến lược gia này sắp từng marker, cân đo đong đếm từng bước di chạy của các học trò, thật dễ liên tưởng đến Toshiya Miura - người từng nắm quyền ở tuyển Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2016. Mà Miura thì thất bại, phải ra đi khi bản hợp đồng còn ít tháng nữa là kết thúc. Miura hứng chịu "búa rìu dư luận" từ giới truyền thông và người hâm mộ cũng bởi tính kỷ luật của ông.
Bóng đá Hàn Quốc và Nhật Bản đứng trên đỉnh châu Á với nền tảng văn hóa kỷ luật, đề cao sự tỉ mỉ - một thứ văn hóa đối lập với sự duy tình, đôi khi bừa bãi và coi nhẹ kỷ luật của bóng đá Việt Nam. Đó là lí do Park Hang Seo phải đấu tranh, hệt như Miura ngày trước. Cuộc đấu tranh có thể dần thay đổi tư duy cầu thủ, hay sâu xa hơn là tư duy của cả một nền bóng đá. Nhưng không có thành tích ngay lập tức, mọi thứ sẽ không đi đến đâu.
Những bài tập của Park Hang Seo, triết lý huấn luyện của Park Hang Seo là thứ bóng đá Việt Nam đang cần. Dẫu vậy, chiến lược gia người Hàn Quốc đang xây dựng lại phần móng cho đội tuyển. Đến Sir Alex Ferguson còn phải tốn ba năm đầu "toàn rác là rác" với Manchester United để xây dựng nên đế chế bền vững trong 1/4 thế kỷ, Park Hang Seo làm sao có thể làm được nhanh hơn, với một tập thể còn nhiều vấn đề tồn đọng cần giải quyết hơn?
Muốn nhìn thấy một công trình vững bền, người hâm mộ phải kiên nhẫn. Park Hang Seo cần thời gian để xây dựng đội bóng của riêng mình. Mà thời gian, lại là thứ xa xỉ nhất với bóng đá Việt Nam.
Ngày Park Hang Seo khoác lên mình bộ đồ tập luyện và bước ra sân cùng các cầu thủ, ông đã chính thức bước vào cuộc chiến. Hay đấy, mà cũng đáng lo đấy!
Bình luận