1. "Giá mà Moses được nhập tịch và được gọi lên đội tuyển quốc gia anh nhỉ" - một cổ động viên tâm sự với tôi. Hôm đó, CLB Hà Nội đánh bại Than Quảng Ninh 4-1 để khẳng định vị thế độc tôn. Ở vòng tròn giữa sân, bộ đôi Moses và Hùng Dũng thay nhau "quần nát" tuyến giữa đội khách. Trả lời họp báo sau trận, HLV Phan Thanh Hùng thừa nhận ngoại binh của CLB Hà Nội ở đẳng cấp khác so với phần còn lại.
"Có Moses đá trụ, Xuân Trường sẽ tha hồ có bóng để sáng tạo" - cổ động viên ấy tiếp lời. Bao lâu nay, người hâm mộ luôn ao ước về cặp tiền vệ Tuấn Anh - Xuân Trường sẽ sớm thống lĩnh trung tuyến tuyển Việt Nam. Tuấn Anh chấn thương, niềm hy vọng ấy nhanh chóng đổi thành công thức "Xuân Trường + ngoại binh rất khỏe nào đó ở giữa".
Video: Myanmar 0-0 Việt Nam
Trong trái tim người hâm mộ, Xuân Trường luôn có chỗ đứng đặc biệt. Họ hiểu rõ tiền vệ người Tuyên Quang mạnh, yếu thế nào. Khán giả hiểu, đương nhiên Xuân Trường cũng hiểu. Vậy mà tám tháng qua, cầu thủ này vẫn dậm chân tại chỗ.
2. HLV Park Hang Seo đã ưu ái Xuân Trường hết mức. Chiến lược gia người Hàn Quốc khẳng định Xuân Trường là "cầu thủ chìa khóa", giao cho học trò băng đội trưởng và tạo điều kiện để Xuân Trường đá chính, dù thực tế là cầu thủ của HAGL đã sa sút từ ASIAD 2018. Ít ai quên, Xuân Trường có hai lần mất bóng và đeo bám hời hợt, khiến Olympic Việt Nam nhận những bàn thua chóng vánh trước Olympic Hàn Quốc ở bán kết ASIAD.
Điểm yếu của Xuân Trường nằm ở khả năng va chạm, tranh chấp và hỗ trợ phòng ngự - điều cấm kỵ khi bóng đá hiện đại đang mở đường cho sự lên ngôi của những tiền vệ toàn năng. Thể lực của Xuân Trường cũng không đảm bảo sau những năm "tu nghiệp" ở Hàn Quốc trong màu áo Incheon United và Gangwon. Dẫu vậy, ngay cả kỹ năng chuyền bóng đã trở thành thương hiệu, "số 6" của HAGL cũng không giữ được.
Xuân Trường không còn chuyền bóng sắc sảo như trước. Trong năm bàn thắng mà tuyển Việt Nam đã ghi được, Trường "híp" gần như không in dấu giầy nào, có chăng chỉ là đường chuyền mở ra thời cơ cho Phan Văn Đức kiến tạo cho Anh Đức sút tung lưới Malaysia. Trước Myanmar, Xuân Trường bị thay ra sớm - chỉ dấu cho thấy HLV Park Hang Seo không còn kiên nhẫn với học trò.
Tất nhiên, tuyển Việt Nam hiện tại không có Moses "đỡ" việc cho Xuân Trường. Muốn khẳng định chỗ đứng ở đội tuyển, tiền vệ sinh năm 1995 phải tự thân vận động. Tuy nhiên, khi Quang Hải, Công Phượng hay Văn Đức tiến bộ không ngừng sau vòng chung kết U23 châu Á thành công, Xuân Trường lại... đi lùi và chưa thể hiện được cái "nhiệt" cần có.
Nghiệt ngã hơn, Quang Hải dù mới được kéo lùi xuống, lại đang chơi hay ở vai trò tiền vệ trung tâm hơn nhiều so với Xuân Trường - người có nhiều năm gắn bó với vị trí này. Mọi đường bóng và cơ hội nguy hiểm đều phải đi qua chân Quang Hải. Còn Xuân Trường chỉ xuất hiện chủ yếu khi tuyển Việt Nam được hưởng các tình huống cố định.
3. Áp lực từ sân chơi trẻ và cấp độ ĐTQG là rất khác nhau. Xuân Trường "hít thở" bầu không khí AFF Cup từ hai năm trước, có luôn một đường kiến tạo ngay trong trận ra mắt với Myanmar, song điều đó không đồng nghĩa với việc tiền vệ này đã trưởng thành. Ngược lại, Xuân Trường tỏ ra non nớt trong các pha tranh chấp tay đôi, thường xuyên phạm sai lầm khi bị gây sức ép và hụt hơi khi toàn đội phải đẩy nhanh tốc độ.
Một Xuân Trường từng khiến khán giả trầm trồ vì những pha bấm bóng, nay lạc lõng đến lạ giữa dàn giao hưởng của HLV Park Hang Seo.
Kéo Quang Hải về giữa sân, suy cho cùng, cũng là phương án để thầy Park bù đắp cho phong độ thiếu ổn định của Xuân Trường. Nhưng "đen" cho tuyển Việt Nam khi Văn Quyết hiện tại cũng mất phong độ. Như vậy, đội bóng của HLV Park Hang Seo nhiều lúc phải "chấp" đối thủ tới hai mắt xích lạc lõng. Muốn vô địch, tuyển Việt Nam phải gia cố khu trung tuyến, thay vì cứ rình rập chờ đợi đối thủ phạm sai lầm.
Trong công cuộc gia cố ấy, thầy Park có lẽ không thể chờ đợi Xuân Trường lâu hơn được nữa.
Từ sau Minh Phương, chưa bao giờ tuyển Việt Nam sở hữu một "nghệ sĩ" đích thực ở vòng tròn trung tâm. Thế rồi, Xuân Trường xuất hiện, mang lại hy vọng về thứ bóng đá đẹp mắt, hiệu quả mang tinh thần U19 Việt Nam năm nào.
Song, ánh hào quang của cầu thủ này chưa bao giờ vượt qua được sân chơi trẻ. Cấp độ ĐTQG khắc nghiệt hơn nhiều, buộc các cầu thủ phải lì hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn mới mong tồn tại. Tuyển Việt Nam cũng không có bộ khung đủ mạnh với "bệ đỡ" Moses để giúp Xuân Trường ung dung, có khoảng trống thỏa sức vẽ vời.
Tự Xuân Trường phải hoàn thiện bộ kỹ năng với số lần ra sân còn lại trong giới hạn kiên nhẫn của HLV Park Hang Seo. Để dù không có Moses càn lướt, tuyển Việt Nam cũng sẽ có Xuân Trường với những đường chuyền sắc lẹm. Ước mơ của cổ động viên ở Hàng Đẫy ngày nào, ít nhất cũng phải đúng được một nửa.
Bình luận