(VTC News) - Cuộc cách mạng của HLV Miura đang làm với ĐT Việt Nam giúp thầy Nhật được người hâm mộ trao danh hiệu “Mourinho châu Á”.
Nói như thế có phần hơi thiệt cho thầy Nhật, bởi lẽ từ trước đến nay Người đặc biệt chỉ thực sự thành công khi sử dụng chiến thuật phòng ngự phản công, với nền tảng là hàng thủ vững chãi. Trong khi đó, trong suốt 4 trận đấu đã qua tại AFF Cup 2014, ĐT Việt Nam luôn ra sân với tâm thế ép sân và chiếm lĩnh thế trận.
HLV Miura được ví là 'Mourinho châu Á' (Ảnh: Phan Nguyên) |
HLV Miura thích tấn công, dù đó có là Incheon, Hà Nội hay Selangor thì mọi đội bóng ông dẫn dắt đều luôn muốn lao lên phía trước. Olympic Iran hùng mạnh, Indonesia khó lường, Philippines lắm chiêu trò, hay Malaysia bạo lực, thầy Nhật cũng đều “chấp tất”.
Triết lý của HLV Miura gần giống như triết lý của Johan Cruyff thời khai sáng ra tiki-taka tại Barca, đó là liên tục kiểm soát bóng. Đội bóng của thầy Nhật chỉ thực sự tồn tại khi có bóng trong chân. Nó khác hẳn với kiểu rình rập và trừng phạt đối phương từ những sai lầm mà Mourinho đã và đang theo đuổi.
Mourinho là Mourinho, còn Miura là Miura. Nhà cầm quân người Bồ thích những động cơ vĩnh cửu như Lampard, Essien và Makelele. Có bộ ba này trên sân bóp nghẹt khu trung tuyến, ông chẳng ngán bất cứ đối thủ nào. Ngược lại, cặp Hoàng Thịnh - Huy Hùng có vẻ giống bộ đôi Scholes - Carrick hơn. Một người chuyên đánh chặn, còn người kia là cú đấm trong tay áo, sẵn sàng ra đòn khi có thời cơ.
Video HLV Miura thận trọng trước trận gặp Malaysia
Chìa khóa cho thành công của Mourinho là bộ tứ vệ siêu đẳng. Trước đây ông có Cole - Terry - Carvalho - Ferreira, sau nữa là Chivu - Samuel - Lucio - Maicon. Thời tiếp quản Real Madrid, Người đặc biệt cũng sở hữu Marcelo - Ramos - Pepe - Arbeloa, còn bây giờ ông trình làng Azpillicueta - Terry - Cahill - Ivanovic. Chẳng nói cũng biết những bộ tứ kể trên khét tiếng đến thế nào.
Đó là sự tương phản sâu sắc với bộ tứ vệ của ĐT Việt Nam hiện tại. Ngoài Ngọc Hải và Phước Tứ ít nhiều đáng tin cậy, còn Xuân Thành (Văn Biển) hay Tiến Thành đều đã mắc những sai lầm nhất định. 2 bàn thua trước Indonesia là minh chứng điển hình cho sự thiếu chắc chắn của những lá chắn áo đỏ.
Mourinho thích một tiền đạo cắm đầy sức mạnh, người biết chuyển hóa những cơ hội nhỏ nhất thành bàn thắng, và có thể lùi sâu chơi như một hậu vệ nếu cần. Hình mẫu chuẩn mực cho phong cách ấy là huyền thoại của Chelsea, Didier Drogba.
Người gần giống “Voi rừng” nhất ở ĐT Việt Nam là Mạc Hồng Quân và Anh Đức, nhưng cả hai đều ít được sử dụng. Chân sút được cưng chiều nhất lại là Công Vinh, một người không nhiều sức mạnh, nhưng có khả năng chơi rộng và tạo ra cơ hội cho đồng đội.
HLV Miura rất ngạc nhiên khi biết ông được ví với Mourinho (Ảnh: Phan Nguyên) |
Mourinho và Miura, xét đến cùng, có quá ít điểm giống nhau ngoài việc cùng sinh năm 1963 và có bề ngoài lịch lãm. Mặc dù vậy, người hâm mộ vẫn cứ muốn gọi HLV Miura là “Mourinho châu Á” vì nhiều lẽ. Thứ nhất, thầy Nhật cải thiện thấy rõ vấn đề thể lực của ĐT Việt Nam - điều thuyền trưởng Chelsea đặc biệt chú trọng ở mỗi nơi ông đi qua.
Thứ hai là tính cách mạng trong lối chơi và sử dụng con người. Mourinho để Ronaldo ngồi ghế dự bị được, thì Miura cũng sẵn sàng cho Công Vinh quan sát đồng đội thi đấu từ đường pitch. Mourinho chấp nhận để Barca ép sân dù được đá trên sân nhà Bernabeu, thì Miura lại chẳng nể nang gì Malaysia dù phải đá sân khách.
Điều cuối cùng, quan trọng nhất ở cả hai chiến lược gia này là sự cá tính và thành công gần như tức thời họ tạo ra ở môi trường mới. Mourinho luôn biết cách làm nóng phòng họp báo và đều đặn mỗi năm nâng cúp 1 lần. Tương tự như thế, Miura chấp nhận phá lệ nói không với giới truyền thông dẫu ĐT Việt Nam đang ở thế nước sôi lửa bỏng.
Mourinho từng vài lần nhắc đến bóng đá Việt Nam, nhưng phần nhiều đều là với thái độ coi thường. Hy vọng một ngày nào đó, khi biết đến bản sao “xuất xứ” Nhật Bản, có thể Người đặc biệt sẽ nghĩ lại chăng?
Phan Nguyên
Bình luận