Một tối mùa đông năm 2014, tiếng còi mãn cuộc vang lên trên sân vận động Mỹ Đình. Các cầu thủ đổ gục xuống mặt sân giá lạnh sau thất bại 2-4 trước Malaysia, qua đó để mất tấm vé lọt vào chung kết AFF Cup. Bên trong cabin huấn luyện, Toshiya Miura tựa lưng, nhìn về khoảng không bất định. Ông đứng đó, cô đơn và lạnh lẽo.
Hình ảnh đó như một "điềm báo" về sự cô đơn của Miura trong hai năm tiếp theo và ngay cả khi trở lại sân Thống Nhất trên cương vị mới - HLV trưởng CLB TPHCM. Hôm vừa rồi, tin tức ông nói lời chia tay đội bóng cũng cô đơn như thế, giữa một rừng tin tức về đợt tập trung ĐTQG chuẩn bị cho AFF Cup.
"HLV ngoại tệ nhất lịch sử"
Đó là nhận xét của ông bầu Đoàn Nguyên Đức về HLV Toshiya Miura bên lề Hội nghị BCH Liên đoàn bóng đá Việt Nam lần thứ 5. Ông chủ của HAGL khẳng định Miura không sánh được với người tiền nhiệm Henrique Calisto và "bóng đá Việt Nam sẽ không phát triển với lối chơi như thế và ông ta không bao giờ xài được các cầu thủ HAGL".
Tất nhiên, HLV Miura giỏi hay... dở, còn phụ thuộc quan điểm mỗi người, bởi ông có cả công và tội. Cái giỏi của Miura đến từ phương diện thành tích khi ông là HLV duy nhất sau thời Calisto đưa đồng thời tuyển Việt Nam vào bán kết AFF Cup và U23 Việt Nam đoạt huy chương đồng SEA Games.
Dưới thời Miura, các cấp độ đội tuyển vừa có một số trận đấu ấn tượng (thắng Olympic Iran 4-1, hòa Iraq 1-1), vừa trình diễn lối đá với sự chắc chắn trong khâu phòng ngự.
So với thảm bại ở vòng bảng AFF Cup và vòng bảng SEA Games trước khi Miura cập bến, đây rõ ràng là một bước tiến. Chiến lược gia người Nhật Bản cũng "thổi" vào các cầu thủ ý thức rõ ràng hơn về mặt thể lực, giúp đội tuyển khỏe, bền bỉ và chơi với mức độ dẻo dai cao hơn.
Cái dở của Miura đến sau SEA Games 28, với đỉnh điểm là trận thắng 2-1 trước Đài Loan ở vòng loại World Cup sau 90 phút chỉ có... bóng dài và tạt bổng. Lối đá đơn giản này đặt nặng yêu cầu sức vóc, thể hình - những yếu tố không đặc trưng cho thế mạnh của cầu thủ Việt Nam, song Miura theo đuổi quan điểm một cách cực đoan, thiếu tham khảo.
Văn hóa kỷ luật ở Nhật Bản khiến Miura cương nhu không đúng lúc, không thích nghi được với văn hóa Việt Nam, vốn "duy tình" và đòi hỏi nhiều hơn ở sự khéo léo, đồng cảm. Các đội tuyển càng đá càng lùi. Thất bại 0-3 trước Thái Lan trên sân Mỹ Đình cộng với ba trận thua ở vòng chung kết U23 châu Á là giọt nước làm tràn ly, khiến cựu HLV Consadole Sapporo phải rời ghế trước thời hạn.
Đau đớn cho Miura khi trận đấu hay nhất của U23 Việt Nam ở vòng chung kết U23 châu Á năm đó lại là trận đấu mà các cầu thủ đã... tự chơi, không tuân theo chỉ đạo của HLV trưởng.
Người cô đơn ở CLB TPHCM
Gần hai năm sau án sa thải, Miura trở lại Việt Nam trên cương vị mới với tham vọng mới: đưa CLB TPHCM lọt vào nhóm ba đội mạnh nhất V-League. Mùa giải kết thúc, tham vọng nhanh chóng biến thành ảo vọng khi đội chủ sân Thống Nhất đứng thứ ba... từ dưới lên, hơn Nam Định vỏn vẹn ba điểm và những mộng tưởng từ phòng thay đồ năm sao, bảng quảng cáo điện tử, đội hình đắt giá,... sớm trở thành "mớ bòng bong".
Không có thành tích tốt, Miura còn không đặt được dấu ấn cá nhân lên lối chơi tập thể. CLB TPHCM thay ngoại binh nhiều lần, trình diễn thứ bóng đá thừa... bạo lực, thiếu kỹ thuật và sở hữu hàng phòng ngự thủng lưới gần hai bàn/ trận. Đá kém, kết quả bi quan, khán giả quay lưng với đội bóng, để mặc Thống Nhất quạnh hiu dù thành phố mang tên Bác là thành phố duy nhất có tới hai đội bóng cùng chơi ở giải đấu cao nhất Việt Nam.
Kết thúc của Miura là điều ai cũng dự đoán từ trước. Nhận mức lương 17.000 USD/ tháng, ông thầy người Nhật Bản phải trả giá khi không thực hiện được mục tiêu đề ra. Tồi tệ hơn, phương pháp huấn luyện của Miura còn khiến các cầu thủ gặp chấn thương, thay vì tiếp tục tiến bộ. Đội chủ sân Thống Nhất "sạch bóng" đại diện ở đợt tập trung ĐTQG. Xét trên quy chiếu thành tích của HLV mà chiến lược gia lừng danh Carlo Ancelotti từng đề cập đến, HLV Miura xứng đáng nhận mức điểm... 0.
Nhưng lỗi có thuộc về mình Miura?
HLV là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong thất bại của CLB, đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng đòi hỏi thành công ở đội bóng "thay máu" cả đội hình là điều hết sức phi lý, nhất là khi không ít cầu thủ ở CLB TPHCM là những cái tên bị thổi phồng mức giá hơn năng lực thực sự.
Cũng như "nhiệm kỳ" hai năm cay đắng với tuyển Việt Nam, HLV Miura luôn bị hoài nghi và thúc ép phải thành công ngay lập tức, dẫu phải kế thừa di sản xập xệ. CLB TPHCM vật lộn trụ hạng mùa trước và quên mất vị thế của bản thân chỉ sau một mùa bóng "vung tay quá trán".
Trong lúc gian nguy, Quyền Chủ tịch Lê Công Vinh bỏ rơi ông thầy của các cầu thủ đích thân mang về để nhảy khỏi "con tàu đắm", khiến đội bóng khốn càng thêm khó. Trước khi HLV Hữu Thắng thay thế Công Vinh, HLV Miura còn phải kiêm nhiệm chức danh Quyền Chủ tịch, dẫu ông chỉ được trả lương để lo vấn đề chuyên môn bóng đá đơn thuần.
Lục đục thượng tầng với tin đồn nhà tài trợ dọa giải thể đội bóng xuất hiện, cộng thêm rắc rối tài chính liên quan khiến các cầu thủ có dấu hiệu "rã đám" ở nửa sau mùa giải. HLV Miura cùng các cộng sự cố cứu, song trên cương vị HLV trưởng, ông thầy người Nhật Bản đơn giản là không thể làm gì tốt hơn.
Đừng bao giờ nói chữ "giá như..."
Rốt cục, HLV Miura giỏi hay dở, vẫn còn là câu hỏi không có lời đáp nhất quán. Có thể ông giỏi, song chưa tìm được môi trường đủ tốt, đủ lý tưởng để phát huy cái giỏi của mình. Nhiều người tiếc cho Miura, bởi ông là HLV tử tế. Nhiều cầu thủ từng có chung nhận định như vậy với chiến lược gia chuyên nghiệp và dám đương đầu với thách thức từ dư luận đến phút chót.
Gần 10 năm trước, HLV Henrique Calisto từng từ chức với lý do không chịu được áp lực thành tích từ báo giới và người hâm mộ. Nhìn sức ép dành cho Miura trong sáu tháng cuối để thấy chiến lược gia này bền gan và chịu đựng giỏi thế nào.
Giá như Miura có được đội bóng với nền tảng tốt hơn và có tham vọng thực tế hơn (không "ăn xổi" và sống nhờ danh hão), thực lực của Miura sẽ được kiểm chứng rõ ràng hơn. Nhưng nói nếu được, người ta có thể cho Paris vào trong chai được. Sau cuộc chia ly lần hai, khả năng HLV Miura trở lại Việt Nam cầm quân gần như không còn. Khi ấy, người ta không thể biết ông có thực tài hay không. Mà đôi khi, không biết vẫn là tốt nhất.
Không biết để còn day dứt, luyến tiếc cho câu chuyện của một "mối tình" sai thời điểm, mà dường như cũng là... sai người.
Bình luận