Tuyển nữ Việt Nam vừa có giải đấu thành công trên đất Thái Lan với chức vô địch AFF Cup 2019. Trong trận chung kết, Huỳnh Như cùng các đồng đội xuất sắc đánh bại chủ nhà Thái Lan với tỷ số 1-0. Xuyên suốt giải đấu, tuyển nữ thắng 5 trận, ghi 24 bàn, thủng lưới 1 lần dù phải gặp cả Thái Lan, Myanmar hay Philippines.
Chia sẻ sau thành công nói trên, HLV Mai Đức Chung cho rằng chức vô địch này có được là nhờ bản lĩnh, tinh thần cùng ý chí chiến đấu tuyệt vời của các cầu thủ nữ dẫu bị đặt vào nghịch cảnh và không nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn.
- Ông đánh giá thế nào về chiến thắng ấn tượng của tuyển nữ Việt Nam?
Có lẽ đây là chiến thắng lịch sử. Lần này là lần thứ ba tuyển nữ Việt Nam giành huy chương vô địch Đông Nam Á, nhưng phải sau 7 năm, chúng ta mới lại lên ngôi vô địch. Giành huy chương vàng ngay trên đất Thái Lan là điều rất ý nghĩa. Phải chơi thiếu người do bị 2 thẻ vàng, luôn bị đối phương ép về chuyên môn, nên chiến thắng này càng đáng nhớ và ý nghĩa hơn.
- Chiến thắng này quan trọng thế nào với cá nhân ông khi đây là lần đầu ông cùng tuyển nữ vô địch Đông Nam Á?
Tôi thấy mình là người may mắn. Người ta nói tôi "mát tay" với bóng đá nữ, nhưng việc tôi làm đều do cầu thủ thực hiện trên sân. Chúng tôi chỉ hỗ trợ, chuẩn bị tập trung tinh thần, chuyên môn và củng cố đoàn kết trong đội. Tôi nói cầu thủ "muốn thành công thì phải đoàn kết" như lời dạy của Bác Hồ.
Thứ hai là tinh thần thi đấu. Con người của bóng đá nữ rất thấp bé, sức mạnh không bằng Thái Lan hay Myanmar, Malaysia, Philippines, song tinh thần của người phụ nữ Việt Nam đã trỗi dậy nên chúng ta mới giành được thắng lợi. Ban huấn luyện chỉ hỗ trợ thôi.
- Ông đã bình phục rất nhanh sau ca phẫu thuật và liên tục đi tuyển quân, tập huấn và dẫn dắt đội ở giải lần này. Động lực nào khiến ông có thể trở lại "thần tốc" như vậy?
Chúng tôi phải làm việc, làm sao để bóng đá nữ Việt Nam phải phát triển, tiến lên. Đó là ý nghĩ của tôi về công việc. Về sức khỏe, đúng là có lúc sức khoẻ tôi không được tốt, phải thay khớp xương, nhưng may mắn là hồi phục nhanh để trở lại cùng đội tuyển. Cầu thủ cũng hỗ trợ tôi rất nhiều. Họ đã chăm chỉ tập luyện để có thành tích như hôm qua.
- Thành công của bóng đá Việt Nam là "trái ngọt" của quá trình trẻ hoá tuyển nữ. Là người trực tiếp tuyển chọn, huấn luyện và chứng kiến cầu thủ trưởng thành, cảm xúc của ông thế nào?
Tôi rất sung sướng, tự hào. Tôi là người Việt Nam, tôi tự hào về con người Việt Nam. Người ta ra đấu trường quốc tế luôn tự hào về con người mình thì tại sao mình lại không tự hào vì mình là người Việt Nam. Đất nước ta đang có sự phát triển, tiến bộ.
Dù con người chúng ta chưa bằng người ta, kinh tế, môi trường cũng chưa bằng nhưng ta vẫn vượt qua thiếu thốn, khó khăn để đạt thành tích. Khi Quốc ca Việt Nam cất lên, chúng tôi rất tự hào và luôn hát to Quốc ca trên đấu trường quốc tế.
- Từng giành rất nhiều vinh quang trong quá khứ với cả bóng đá nam và bóng đá nữ, ông có còn tâm niệm gì chưa hoặc đang thực hiện nhưng chưa hoàn thành không?
Tôi muốn đào tạo trẻ cho bóng đá nữ. Muốn tiến bộ và thành công thì phải tập trung đào tạo trẻ. Tôi cũng có suy nghĩ làm thế nào để tuyển nữ được đá World Cup. Tôi mong các cầu thủ nữ tiến bộ và nhìn thấy tương lai của nền kinh tế và thể thao nước nhà để phấn đấu.
- bóng đá Việt Nam có thể nghiêm túc nghĩ đến giấc mơ World Cup khi số đội tham dự được mở rộng?
Chúng tôi bắt đầu nghĩ rồi, nhưng nghĩ ở trên đầu thôi, phải xem hiện thực, cách làm như thế nào. Chỉ nghĩ thôi mà không có hiện thực là rất khó.
Muốn thành tích tốt, lực lượng trẻ phải tốt, phải làm ngay từ bây giờ.
Hiện thực là gì, chúng ta phải có nền móng, con người thật tốt. Thái Lan vinh dự được đá World Cup, song khi thi đấu, thành tích và chênh lệch chuyên môn quá cao. Muốn thành tích tốt, lực lượng trẻ phải tốt, phải làm ngay từ bây giờ. Tôi có làm việc sơ bộ với PCT VFF Trần Quốc Tuấn thì anh có đồng ý chăm chút từ lứa trẻ.
VFF có thuê một GĐKT người Nhật Bản (ông Akira Ijiro) sang đây để hỗ trợ chúng ta về đào tạo trẻ. Tôi rất mừng với việc này, nhưng chúng ta không chỉ làm ở trung tâm, mà các CLB, địa phương cũng phải làm. Phải chọn được con người có tầm vóc và chuyên môn. Hai yếu tố này rất quan trọng. Về chuyên môn, cầu thủ muốn tốt phải có HLV giỏi. Thầy giỏi mới huấn luyện được kỹ năng.
Mỗi một CLB J-League đều có một đội nữ đi kèm, đá vòng tròn. Nhật Bản phát triển bóng đá nữ từ năm 8-10 tuổi nên kỹ năng tốt hơn. Họ phải cố gắng 20 năm mới có được như bây giờ. Chúng ta cũng phải đi theo mô hình này.
- Không phải đội bóng nữ nào cũng có tài chính để đảm bảo cho cầu thủ, đó có phải vấn đề ông lo ngại?
Đó là cái tôi lo ngại, làm gì thì làm, phải có tiền mới mở mang được. Như ở Thái Lan, hầu như các trường cấp 3 đều có một sân bóng. Cơ sở vật chất của họ tốt như thế, chứ như chúng ta, có đội V-League còn chẳng sở hữu sân.
Thế nên nói thì dễ, hiện thực mới khó. Cái này phải nhường cho lãnh đạo Tổng cục TDTT, VFF, các địa phương hay doanh nghiệp. Nhà nước đang khó khăn, còn nhiều mặt khác nữa. Bóng đá nữ cần doanh nghiệp hỗ trợ giống bóng đá nam được bầu Đức, bầu Hiển hỗ trợ. Chúng ta phải xã hội hoá, làm sao để kết hợp được các mặt mới mở mang được.
Tôi có những cuộc họp trao đổi với VFF, các đồng chí ấy cũng biết, song làm thế nào mới khó, đặt vấn đề thế nào với doanh nghiệp. Chúng ta cần thời gian, chứ nóng ruột quá cũng không nên. Phải đi chậm rãi, từ từ, nhưng đi đến đâu chắc đến đấy. Bây giờ phong trào thể dục thể thao ở các trường phát triển, có thể đưa bóng đá vào giờ chính khoá để rèn luyện cho các em, ai có năng khiếu thì có thể tuyển chọn lên.
- Ở các CLB, mức đãi ngộ cho cầu thủ trẻ rất ít, một số cầu thủ phải nhịn ăn thứ 7, Chủ nhật để lấy tiền ăn bù vào tiền chi tiêu, tiền gửi về nhà. Chúng ta khắc phục thế nào?
Chúng tôi biết điều đó. Ở Phong Phú Hà Nam, lương cầu thủ là 2,2 triệu/tháng, nhưng phải trừ vào tiền điện. Cầu thủ ngủ dưới sân, thời tiết nóng thế mà trừ tiền điện đi thì chỉ còn hơn 1 triệu. Khi họp với Bộ trưởng và VFF, tôi cũng đã ý kiến về vấn đề này.
Cũng may mắn là có anh Phạm Thanh Hùng - Chủ tịch Than Quảng Ninh làm trưởng ban bóng đá nữ. Anh rất tâm huyết và quyết định sẽ đầu tư thêm, hứa làm sao để bóng đá nữ phát triển. Tôi hy vọng sẽ có nhiều anh Hùng nữa chung tay để giúp bóng đá Việt Nam phát triển.
- Ở tuổi 70, ông đã nghĩ đến việc nghỉ ngơi?
Tôi nghĩ mình nên nghỉ ngơi. Vừa qua sức khoẻ tôi có giảm sút, song bên cạnh đó, tôi nghĩ thuê HLV nước ngoài rất tốn, chưa biết thành tích ra sao. HLV ngoại giỏi, nhưng có phù hợp với bóng đá Việt Nam không, có thông cảm với hoàn cảnh mình hay không. Tôi cũng nghĩ nhiều, chính vì thế, tôi có tâm nguyện còn bao nhiêu sức thì cống hiến bây nhiều. Khi nào VFF hay mọi người không cần nữa thì tôi sẽ nghỉ.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Bình luận