Khi HLV Hữu Thắng hứa điều đấy, nhiều người nói rằng ông tuyên bố thế để làm hài lòng Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức, người quyết liệt nhất trong phát động chiến dịch hạ bệ ông Miura để cứu lấy đám trẻ HAGL - Arsenal JMG không được trọng dụng ở đội tuyển.
Nhưng quá trình tuyển quân, tìm người thì rõ ràng là HLV Hữu Thắng có hướng đến mục tiêu đá đẹp lẫn đề cao yếu tố kỹ thuật. Số đông quân HA Gia Lai, Hà Nội T&T ban đầu được gọi vào đội dự tuyển đã nói lên điều đấy.
Qua hàng loạt trận giao hữu của đội tuyển Việt Nam, lời hứa và tiêu chí đấy vẫn được giữ. Có ban bật nhiều, có kỹ thuật và thậm chí là có lúc còn được phong tặng là đá tiqui-taka kiểu Hữu Thắng...
Nhưng sau một thời gian dài với hai lần tập trung thì không ai hiểu về đội tuyển nhiều như Hữu Thắng. Ông còn hiểu cả về những đối tượng đá giao hữu với mình và cái cách họ lấy lòng mình.
Trận thắng CHDCND Triều Tiên là một minh chứng. Chỉ hai pha tăng tốc họ có liền hai bàn thắng, còn lại là cù cưa hữu hảo.
Sau chức vô địch AYA Cup ở Myanmar rồi hai trận gặp Indonesia, HLV Hữu Thắng càng ngấm hơn với sự chông chênh ở hàng thủ. Cho đến trận giao hữu lượt về với Indonesia thì HLV Hữu Thắng bắt đầu sốt ruột. Đánh đu với vết thương của Tuấn Anh thì quá phiêu lưu, bởi đây là mẫu tiền vệ quan trọng có thể vừa chia bài vừa giữ vai trò đánh chặn.
Và lối đá của đội tuyển trở về dần với kiểu đá thực dụng như thời HLV Hữu Thắng dẫn dắt SL Nghệ An, với số đông là các học trò mà Hữu Thắng từng biết và tin tưởng. Rõ nhất là Văn Toàn thường xuyên đá chính giao hữu nhưng vào giải thì mất suất vào chân Trọng Hoàng. Điều này chứng tỏ HLV Hữu Thắng vẫn nghiêng về sức mạnh vào lối chơi cơ bắp để bảo toàn cho một hàng thủ vốn chông chênh.
Lời hứa chơi một thứ bóng đá đẹp đã buộc phải chuyển hướng rất lâu từ bài toán con người.
Vào bán kết lại mất một vị trí của Hoàng Thịnh khiến HLV Hữu Thắng dùng cả những miếng sở đoản để bịt như kéo Văn Thắng về hoặc để Trọng Hoàng trám vào. Lời hứa chơi một thứ bóng đá đẹp đã buộc phải chuyển hướng rất lâu từ bài toán con người.
Nói Hữu Thắng nghiêng về bộ khung SL Nghệ An cũng đúng, bởi đó là cách mà những HLV thường làm khi lấy bộ khung từ đội bóng mà mình muốn xây dựng lối chơi. Như ông Riedl hồi đó xây đội tuyển trên nền Thể Công.
Tuy nhiên, bộ khung mà HLV Hữu Thắng quá tin tưởng lại thường xuyên để xảy ra những sai số đáng tiếc trong hai lượt đấu knock out.
Clip: Tuyển Việt Nam không phải lúc nào cũng thành công bằng sức mạnh tinh thần
Đến giờ thì nhiều người trách ông Thắng bắt đầu từ chữ “nếu”. Còn ông Thắng thì cũng không thể giải thích bằng chữ “nếu”. Như nếu Tuấn Anh đừng chấn thương ở phút 89 hay nếu Hoàng Thịnh đừng... Rồi nếu Đình Đồng, nếu Nguyên Mạnh, nếu Công Vinh, nếu Trọng Hoàng, nếu Phi Sơn...
Vấn đề bây giờ không phải là cứ sau mỗi thất bại thì lại trảm tướng nhưng phải ngồi lại với nhau một cách sòng phẳng giữa Hội đồng HLV Quốc gia, giám đốc kỹ thuật và ban huấn luyện về lộ trình mình đã đi và đã thực hiện có đồng nhất không hay tất cả chỉ là một mình Hữu Thắng?
Bởi điều sợ nhất là lại tiếp tục hy vọng và chờ đợi nhưng không rút ra được bài học giữ lời hứa, tiêu chí và việc sắp những bàn cờ.
Bình luận