Người viết còn nhớ, tại một trong những buổi họp báo đầu tiên của huấn luyện viên Hữu Thắng khi mới nhậm chức ở đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam, sau khi phóng viên đặt câu hỏi, anh chậm rãi từ tốn mỉm cười và nói: “Cảm ơn câu hỏi của bạn ...” đồng thời nhắc tên chính xác phóng viên vừa đặt câu hỏi.
Điều không khó thực hiện, nhưng trong hoàn cảnh ấy, thời điểm ấy (vừa xong trận đấu), cử chỉ đó dễ dàng lấy được thiện cảm không chỉ của người phóng viên được nhắc tên mà còn của đông đảo cánh nhà báo trong phòng họp. Một bài học cơ bản trong giáo trình huấn luyện viên.
Cũng liên quan đến giới báo chí, thời điểm nhà cầm quân xứ Nghệ chuẩn bị được bổ nhiệm, trên nhiều kênh thông tin tràn ngập câu chuyện: Hữu Thắng trở thành huấn luyện viên trưởng đội tuyển là đã hoàn thành lời hứa với người mẹ đã khuất, đáp ứng tâm nguyện của cha già ở quê...
Đại thể là những câu chuyện dễ khơi gợi cảm thông, chia sẻ của công chúng với nhà cầm quân này. Cứ thế, sức mạnh của truyền thông dần dần giúp nhiều người thiện cảm hơn với Hữu Thắng.
Video: U22 Việt Nam 0-5 U20 Argentina
Câu chuyện trên có thể vô tình, nhưng câu chuyện sau đây chắc chắn nằm trong chủ ý của HLV Hữu Thắng để giành thêm cảm tình công chúng: anh một mực khăng khăng tuyên bố đội tuyển Việt Nam của mình sẽ đá đẹp, cống hiến, chọn lối chơi ban bật bóng ngắn làm nền tảng.
Và Hữu Thắng giữ lời hứa thật !!! Đối phương mạnh hay yếu, đội bóng của anh luôn chọn lối chơi phối hợp nhỏ, thứ bóng đá mà trong suốt thời gian Barcelona đá đâu thắng đó được bơm vào đầu người hâm mộ rằng, đó mới là “tiêu chuẩn của bóng đá đẹp”.
Đến đây thì chắc đã đủ căn cứ để khẳng định, Hữu Thắng là một người giỏi lấy lòng số đông !!!
Nhìn lại sự nghiệp cầm quân, Hữu Thắng từng kinh qua những môi trường cực kỳ phức tạp về mặt "chính trị" như Sông Lam Nghệ An và Hà Nội T&T (Hà Nội FC). Nhưng anh vẫn chinh phục được tất cả nhờ sự khéo léo trong cư xử, giao tiếp. Không hiếm cầu thủ tuyên bố sẵn sàng “đá chết bỏ vì anh Thắng”.
Đó là cái tài của Hữu Thắng, là điều khiến anh vực dậy được một Hà Nội T&T, và đưa Sông Lam Nghệ An đến ngôi vô địch V-League, bằng vũ khí tinh thần.
Ở cấp độ V-League, thứ tinh thần rực lửa đầy bản sắc xứ Nghệ có thể giúp khoả lấp khiếm khuyết chuyên môn, giúp Hữu Thắng thành công. Nhưng lên đến cấp đội tuyển quốc gia đương đầu với các đối thủ Đông Nam Á, châu Á và thế giới – như U20 Argentina vừa rồi, tinh thần chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Bất cứ huấn luyện viên giỏi nào cũng phải biết cách khơi gợi tinh thần chiến đầu với 200% năng lực của cầu thủ, nhưng chiêu bài kích thích tinh thần đó khi bị áp dụng quá đà sẽ tạo nên bi kịch như tấm thẻ đỏ của thủ môn Nguyên Mạnh trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2016 với Indonesia; hay mới đây là cú ra chân của Đình Khương khiến Javier Martinez của U20 Argentina phải rời sân theo phương song song mặt đất.
Bi kịch của Hữu Thắng là ở chỗ đó! Tuyên bố chơi đẹp, nhưng khi không thể chơi đẹp được đội bóng của anh lại quay về bản ngã có lẽ đã được Hữu Thắng nhồi vào đầu các học trò trong mỗi buổi tập: thô bạo, quyết liệt, ngăn không cho đối phương chơi bóng.
Rõ ràng, dấu ấn của nhà cầm quân xứ Nghệ cho đến giờ chủ yếu nằm ở những phát ngôn lấy lòng tất cả. Tuyên bố chọn lối chơi bóng ngắn, đẹp mắt vừa để giành về tình cảm công chúng vốn đã chán ngán cách chơi bóng dài thiên về thể lực của tiền nhiệm Toshiya Miura; nhưng trên hết để "lấy lòng" một nhân vật đặc biệt, người có tiếng nói quyết định bổ nhiệm hay không bổ nhiệm Hữu Thắng: Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức.
Ai cũng biết bầu Đức bất mãn ra mặt khi huấn luyện viên Miura chọn cách chơi trái sở trường những đứa trẻ của ông, khiến Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh không sao phát huy năng lực.
Đối lập với Miura cũng là cách Hữu Thắng tự tuyên bố anh "về phe" bầu Đức, về phe số đông vốn luôn yêu cầu đội tuyển Việt Nam phải đá đẹp (và tiêu chuẩn cái đẹp là gì thì ở phần trên đã được phân tích). Người ta không dành tình cảm cho Hữu Thắng mới là lạ.
Nhưng bóng đá là trò chơi mà chiến thắng cùng danh hiệu mới là thước đo thành công cuối cùng, đặc biệt ở vị trí dẫn dắt đội tuyển Quốc gia. Không thể nào bao dung mãi cho một đội bóng yếu kém về mặt chuyên môn, cứ ở thời điểm quyết định lại gục ngã, rồi huấn luyện viên của đội bóng ấy lại “nhận lấy tất cả trách nhiệm”, và xin từ chức.
Bình luận