U23 Việt Nam có quyền tiếc nuối với trận hòa U23 Hàn Quốc tối qua 5/6. U23 Việt Nam không cầm hòa đối thủ, mà nói đúng hơn, chính Phan Tuấn Tài cùng đồng đội mới là những người rơi chiến thắng. Nếu Nguyễn Hai Long chắt chiu hơn ở phút bù giờ, bi kịch đã đổ ập lên U23 Hàn Quốc.
Dưới thời HLV Gong Oh-kyun, U23 Việt Nam đang tiến bộ qua từng trận. Bản lĩnh và sự táo bạo trong lần đầu ra biển lớn là nền tảng để lứa U23 có thể nghĩ đến những mục tiêu lớn hơn, giống như cách mà ông thầy mới của U23 Việt Nam tuyên bố "ra sân để chiến thắng", chứ không phải gặp đội bóng lớn như U23 Hàn Quốc với tâm lý cầu hoà.
Video: U23 Việt Nam 1-1 U23 Hàn Quốc
Bản lĩnh U23 Việt Nam
Trên trang chủ, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) ví khoảnh khắc vô lê một chạm của Nguyễn Văn Tùng vào lưới U23 Thái Lan giống với bàn thắng của huyền thoại Hà Lan Marco van Basten. Đó là pha lập công Van Basten ghi trong trận chung kết EURO 1988, góp phần giúp "Cơn lốc màu da cam" lên ngôi vô địch khi thắng Liên Xô 2-0.
Ở trận đấu tối 5/6, Tuấn Tài căng ngang chuẩn xác để Vũ Tiến Long dứt điểm tung lưới U23 Hàn Quốc, bàn thắng này lại được ví với pha phối hợp giữa Lucas Hernandez và Benjamin Pavard của đội tuyển Pháp ở vòng 1/8 World Cup 2018.
Đó là tình huống hậu vệ trái chuyền vào để hậu vệ phải dứt điểm thành bàn - kiểu phối hợp không thường thấy trong bóng đá hiện đại.
Tất nhiên, so sánh những cú đá của Văn Tùng hay Tiến Long với những bàn thắng ở tầm thế giới, thực chất là ví von cho vui, bởi độ khó của trận đấu, đẳng cấp người thực hiện hay tính chất bàn thắng khác nhau. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những pha lập công của U23 Việt Nam đều đẹp mắt và đáng nhớ, thậm chí tạo ra cảm hứng cho khán giả.
U23 Việt Nam không được đánh giá cao trước thềm giải U23 châu Á. Đội bóng của HLV Gong Oh-kyun tập hợp các cầu thủ non kinh nghiệm, hầu hết chưa có chỗ đứng ở V-League. Toàn bộ 23 gương mặt U23 Việt Nam mới có tổng cộng 8 trận chơi cho ĐTQG.
Nếu giải U23 châu Á 2018 và 2020, U23 Việt Nam được trang bị tới tận "chân răng" về cả kinh nghiệm lẫn đào tạo, lứa U23 hiện tại của HLV Gong thiệt thòi hơn nhiều. Hành trang của U23 Việt Nam trước giải này chỉ nằm ở 2 giải đấu tầm Đông Nam Á, cùng 2 trận vòng loại.
Nhưng, thế hệ của Tuấn Tài, Lương Duy Cương, Văn Tùng hay Tiến Long có thể ngẩng cao đầu, bởi tâm thế không sợ hãi khi gặp những đối thủ dù ở đẳng cấp hàng đầu châu lục. Sự tự tin thể hiện ở những bàn thắng, cách xử lý bóng táo bạo lẫn lối chơi bình tĩnh khi đối thủ gây áp lực ở cường độ cao.
U23 Thái Lan kiểm soát bóng 63%, sút 15 lần về phía cầu môn của Quan Văn Chuẩn. U23 Hàn Quốc cầm bóng 70%, dứt điểm 24 lần. Song ở cả 2 trận, U23 Việt Nam mới là đội gần chiến thắng hơn. Đội bóng của Gong Oh-kyun chống đỡ áp lực, bền bỉ tổ chức phản công và quyết tâm giành giật quyền kiểm soát với đối thủ trên từng mét cỏ.
Chưa thời điểm nào, U23 Việt Nam cho thấy tâm lý chịu trận hay buông xuôi chờ thất bại. U23 Việt Nam chưa thắng, nhưng khi đã ra sân với mục tiêu không để thua, ngay cả U23 Thái Lan với 8 ngôi sao chơi ở nước ngoài, hay U23 Hàn Quốc với khung đội hình mạnh nhất châu Á cũng không hạ nổi các học trò của thầy Gong.
Biến hóa
HLV Gong Oh-kyun đang giúp U23 Việt Nam chuyển mình, nhưng ông không vội thay thế cái cũ bằng cái mới. Những phút gồng mình chống đỡ áp lực trước U23 Thái Lan hay U23 Hàn Quốc cho thấy, bản chất U23 Việt Nam vẫn ưu tiên phòng ngự, đề cao tính chắc chắn lên đầu.
Cách chơi pressing tầm cao thực chất cũng phục vụ mục đích giảm tải áp lực trong phòng ngự. HLV Gong Oh-kyun hiểu rằng một nửa đội hình U23 Việt Nam hiện tại đã đồng hành cùng triết lý thực dụng của HLV Park Hang Seo, không thể thay đổi tư duy trong một sớm một chiều.
Dù vậy, HLV Gong Oh-kyun biết cách khéo léo tạo dấu ấn, thay vì trở thành bản sao chép vụng về của người tiền nhiệm.
Cựu trợ lý U20 Hàn Quốc tuyên bố hướng đến lối chơi tấn công cởi mở, ban bật nhỏ và luân chuyển bóng trong phạm vi hẹp. U23 Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo chiều hướng này, vẫn trên nền tảng phòng ngự vững chãi.
Nếu U23 Việt Nam của HLV Park Hang Seo trước đây chú trọng chơi phản công, thì với sơ đồ 4-1-4-1 mở rộng sang hai biên, HLV Gong đang tối ưu năng lực của những cầu thủ leo biên như Tuấn Tài, Tiến Long, thúc đẩy Nguyễn Văn Trường và Khuất Văn Khang dâng cao để tạo thành các tam giác phối hợp.
Đội bóng của Gong Oh-kyun còn hạn chế trong phối hợp tấn công, nhưng ít nhất, U23 Việt Nam đã dám thử thách mình với lối chơi này. Tuấn Tài cùng đồng đội chơi biến hóa và ngẫu hứng hơn, không còn giữ một màu phòng ngự với 3 trung vệ.
Hàng loạt cầu thủ trẻ trưởng thành qua từng trận và suy cho cùng, đây mới là điều quan trọng nhất với một đội tuyển trẻ ở giải đấu tầm cỡ châu lục.
2 trận đấu là mẫu số chưa đủ lớn để đánh giá năng lực U23 Việt Nam, song các học trò của HLV Gong Oh-kyun đang đi đúng hướng. Làn gió thay đổi về con người lẫn triết lý là cần thiết với bóng đá Việt Nam sau nhiều năm phải chờ đợi ở 1, 2 lứa cầu thủ, hay trung thành với một công thức chiến thắng được "đo ni đóng giày" ở nhiều cấp độ đội tuyển.
Là đơn vị sở hữu bản quyền toàn bộ các giải đấu thuộc Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) từ 2021 - 2024, FPT Play chính thức sở hữu độc quyền bản quyền phát sóng Cúp bóng đá U23 châu Á AFC 2022. Bên cạnh việc phát sóng trực tiếp và trọn vẹn toàn bộ giải đấu, đặc biệt là những trận đấu có sự góp mặt của Đội tuyển U23 Việt Nam, FPT Play cũng sẽ gửi đến khán giả những bản tin đồng hành chất lượng cùng các phân tích chuyên sâu của chuyên gia nổi tiếng.
Truy cập ngay: fptplay.vn
Hotline: 19006600.
Bình luận