Huấn luyện viên (HLV) Cedric Roger sinh năm 1978 tại Pháp, từng là cộng sự của HLV Philippe Troussier ở các đội tuyển U17, U19 và U20 Việt Nam. Năm 2021, ông được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đề nghị đảm nhận vai trò HLV thể lực ở đội U23 Việt Nam và đội tuyển nữ Việt Nam.
Đồng hành cùng tuyển nữ Việt Nam ở VCK Asian Cup nữ 2022 tại Ấn Độ, HLV thể lực Cedric là một trong những chứng nhân trong hành trình giành vé tới World Cup của tuyển nữ Việt Nam.
- Cảm xúc của ông thế nào sau khi những nỗ lực thời gian qua của đội tuyển được đền đáp?
Đây là thành tựu lớn của bóng đá nữ Việt Nam và đội tuyển nữ Việt Nam, là kết quả của cả quá trình chuẩn bị lâu dài. Tuy chỉ là người mới khi đảm nhận vai trò HLV thể lực từ 6 tháng trước, tôi cũng vui khi đóng góp một phần sức lực trong hành trình này.
Từ địa ngục tới thiên đường
- Từ lúc biết kết quả bốc thăm ở vòng bảng, tuyển nữ Việt Nam phải gặp các đội hàng đầu châu Á, ông có bất ngờ không khi đội đi xa tới bây giờ?
Cũng như những thành viên khác của đội, khi biết tuyển nữ Việt Nam phải cạnh tranh với các đội hàng đầu châu lục như Nhật Bản và Hàn Quốc ở vòng bảng, tôi khá buồn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng giành kết quả tốt nhất có thể, có thua cũng phải cố gắng ngăn đối phương ghi nhiều bàn nhất trong khả năng. Thật tuyệt vời khi chúng tôi đã cùng nhau đi từng bước tới tận giờ phút này.
Các cầu thủ nữ Việt Nam biết rõ khoảng cách về trình độ giữa họ với những đội kể trên và họ đã làm tốt nhất có thể. Những trận thua ở giải này đều là những trải nghiệm tốt, mang lại cho tuyển nữ Việt Nam nhiều bài học quý giá. Tôi tin sau những trận như vậy, khoảng cách trình độ giữa tuyển nữ Việt Nam với các đội nhóm đầu châu Á sẽ giảm dần, các cầu thủ có thể làm tốt hơn trong tương lai.
- Cảm giác của ông thế nào ở thời điểm tuyển nữ Việt Nam đối mặt với nguy cơ không đủ người thi đấu trận mở màn giải?
Quá trình tập huấn ở Tây Ban Nha diễn ra không hề suôn sẻ. Những ca mắc Covid-19 đã làm mọi kế hoạch của đội đi chệch hướng. Chúng tôi đã rất sợ và nghĩ đến viễn cảnh đội không có đủ cầu thủ để đăng ký thi đấu. Nhưng chúng tôi vẫn gặp may.
Khi có đủ cầu thủ, chúng tôi lại đối mặt với vấn đề khác. Phải thành thật mà nói, lúc đó tôi không dám kỳ vọng vào trận đấu tốt khi các cầu thủ bước vào trận mở màn sau gần 12 ngày không được tập luyện tử tế (do các cầu thủ bị cách ly và mất thời gian di chuyển).
Tuy nhiên, ý chí của các cầu thủ Việt Nam rất cao, bởi họ có khát vọng. Trong lúc bị cách ly, họ vẫn tìm cách tập luyện trong phòng, nhưng bóng đá là môn thể thao tập thể, các cầu thủ cần được chơi bóng hàng ngày cùng nhau trên sân. Không được tập tử tế là thiệt thòi rất lớn của đội. Chúng tôi chỉ biết động viên họ hãy tưởng tượng về khung cảnh tập luyện trên sân và nhớ về những bài tập mà họ trải qua trong quá trình chuẩn bị trước đây.
- Tuyển nữ Việt Nam thi đấu ngày một tốt hơn qua từng trận, cảm giác của ông thế nào?
Chúng tôi như đi từ địa ngục đến thiên đường. Khi vào giải rồi, nhiệm vụ quan trọng nhất của ban huấn luyện là làm sao để các cầu thủ hồi phục sau từng trận. Không dễ để thi đấu 6 trận trong gần 15 ngày.
- Đó có phải lý do ông cho các cầu thủ tập yoga thay vì vào phòng gym trước mỗi trận đấu?
Chúng tôi chỉ tập trung hồi phục để các cầu thủ có thể tiếp tục thi đấu với khả năng tốt nhất. Các bài tập yoga rất bổ ích. Chúng tôi còn kết hợp với một số bài tập nhảy, đây là ý tưởng của một cán bộ đội. Các cầu thủ nữ nhờ đó được thoải mái tinh thần và có thêm sự tự tin.
- Một số trận đấu ở giải này phải đá lúc 13h30, theo ông đây có phải bất lợi?
Tuyển nữ Việt Nam vốn không quen thi đấu vào khung giờ này, nhưng chúng tôi đã có sự chuẩn bị. Việc bất lợi thì cũng tùy vào ngày thi đấu của đối thủ. Ví dụ như trước trận đấu cuối cùng, tuyển nữ Việt Nam được nghỉ nhiều hơn nên việc đá lúc đầu giờ chiều là bất lợi với đối thủ chứ không phải chúng tôi.
Công trình của HLV Mai Đức Chung
- Quãng thời gian làm việc với HLV trưởng Mai Đức Chung để lại cho ông ấn tượng gì?
Từ trước khi tham gia đội tuyển nữ Việt Nam, tôi đã làm việc ở PVF, U19 và U23 Việt Nam và nghe nói rất nhiều về tài năng của HLV Mai Đức Chung. Khi làm việc trực tiếp, tôi thấy ông ấy có khả năng giúp cả đồng nghiệp lẫn cầu thủ tự tin hơn.
Ông Chung nói rõ quan điểm chiến thuật để tôi và các cộng sự hỗ trợ nhất quán. Tuyển nữ Việt Nam thi đấu với sơ đồ 3 trung vệ khi tấn công và phải nhanh chóng lui về đủ 5 người ở hàng thủ khi mất bóng. Công việc của tôi là làm sao giúp các tuyển thủ đáp ứng được yêu cầu đó, mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ cho tới khi xảy ra biến cố dịch Covid-19.
Khi giải đấu chỉ còn vài ngày là khởi tranh, nhiều tuyển thủ nữ không được tập luyện do phải cách ly hoặc mất thời gian di chuyển, tôi đã rất sợ công sức của chúng tôi thời gian qua sẽ đổ bể. Thế nhưng, mọi thứ vẫn đi đúng hướng nhờ công trình của ông Mai Đức Chung. Ông ấy đã tạo ra đội tuyển tốt và chuẩn bị những nền tảng cơ bản từ trước đó rất lâu rồi.
- Ông từng huấn luyện các đội tuyển nam trước khi đến với tuyển nữ Việt Nam. Đâu là sự khác biệt giữa cầu thủ nam và nữ Việt Nam và ông có gặp khó khăn với những sự khác biệt đó?
Đương nhiên cầu thủ nam và nữ có nhiều khác biệt trên nhiều khía cạnh. Khi huấn luyện các cầu thủ nam, chúng tôi chỉ quan tâm đến kết quả của các bài tập. Với các cầu thủ nữ thì quá trình quan trọng hơn kết quả.
Tôi không gặp quá nhiều khó khăn khi làm việc với các cầu thủ nữ. Họ rất tập trung lắng nghe và học hỏi rất nhanh.
- Ông đã khắc phục bất lợi về thể hình của tuyển nữ Việt Nam như thế nào? Ở giải này, các cầu thủ nữ Việt Nam thua thiệt khá nhiều về thể hình so với các đội khác.
Thực ra ban huấn luyện đã có chiến lược cụ thể từ trước, đó là tận dụng điểm mạnh để khắc phục điểm yếu. Tôi cũng nói với các cầu thủ nữ Việt Nam rằng nếu đối thủ to cao hơn, mạnh mẽ hơn, chúng ta cần nhanh nhẹn hơn, tập trung vào kỹ thuật hơn và bền bỉ hơn. Đó cũng là mong muốn của HLV Chung gửi tới các cầu thủ.
Không nói đâu xa, tuyển nam Việt Nam thắng Trung Quốc 3-1 ở vòng loại World Cup dù thể hình không bằng đối thủ. Kết quả này trở thành nguồn khích lệ cho đội tuyển nữ.
- Theo ông, tuyển nữ Việt Nam cần làm gì để tiến xa hơn sau này?
Chúng ta phải phát huy tài năng lứa cầu thủ hiện tại và tạo điều kiện cho các lứa trẻ về sau. Phải trao cơ hội cọ xát cho các cầu thủ, tiếp thêm sự tự tin cho họ. Tôi tin chắc sau mỗi giải đấu như này, khoảng cách trình độ giữa tuyển nữ Việt Nam và châu Á sẽ thu hẹp.
- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.
Bình luận