Những giấc mơ tuổi trẻ dang dở, Bruno Garcia buộc phải bước vào con đường huấn luyện, để rồi trải qua cuộc tình đẹp với ĐTQG futsal Việt Nam.
Định mệnh trớ trêu
Bruno Garcia đã từng là một cầu thủ futsal đầy triển vọng của xứ Galicia, Tây Ban Nha. Chàng trai trẻ người Ferrol - thành phố hải cảng thuộc tỉnh La Coruna với căn cứ hải quân quan trọng, ấp ủ rất nhiều hoài bão.
Bên cạnh tài năng futsal, Bruno còn theo học judo và là một võ sĩ có hạng.Thế nhưng, một chấn thương vai nghiêm trọng cách nay gần 3 thập niên khiến cho giấc mơ của Bruno Garcia dang dở.
Chơi bóng không được, mà tập judo lại càng không thể, nên Bruno Garcia quyết định tìm cho mình một hướng đi mới, vẫn liên quan đến niềm đam mê thể thao.
“Tôi tập trung để thi vào INEF”, Bruno Garcia nhớ lại con đường đi của mình sau chấn thương. “Tôi có đam mê giáo dục, giảng dạy và huấn luyện”.
INEF được biết đến là Khoa Giáo dục Thể chất và Thể thao, thuộc trường Đại học Bách Khoa Madrid. Trong thập niên 1960, INEF được thành lập độc lập, với tên gọi Viện Giáo dục Thể chất quốc gia.
Chất lượng đào tạo của INEF là rất tốt. Bên cạnh đó, INEF cũng liên kết với mạng lưới các trường tương tự trên khắp châu Âu để nâng cao chất lượng, và Bruno Garcia rất háo hức theo học.
Con đường mới
Hoàn thành việc học, Bruno Garcia bắt đầu công việc huấn luyện khi còn rất trẻ, mới 27 tuổi. CLB Boandanza thuộc xứ Galicia là khởi đầu cho hành trình của ông.
Bruno Garica dần vươn những trải nghiệm của mình ra ngoài phạm vi xứ Galicia. Cụ thể là cuộc hành trình từ Galicia đến Andalucia, với các đội như O'Parrulo, Cordoba, Pontevedra hay Azkar Lugo.Tuy vậy, ban đầu Bruno Garcia không mấy dễ dàng trong việc huấn luyện. Vấn đề không đến từ năng lực của ông, mà xuất phát từ hợp đồng trước đó.
Cụ thể, Bruno Garcia làm việc huấn luyện như một nghề tay trái, một cách để thỏa mãn đam mê, vì ông thuộc biên chế của trường Colegio La Salle - với cương vị giảng viên chính thức.
La Salle là một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất cộng đồng các quốc gia sử dụng tiếng Tây Ban Nha, có cơ sở trên khắp 5 châu.
“Tôi đã phải xin phép La Salle được vắng mặt một thời gian, khoảng hơn 13 năm trước đây”, Bruno Garcia tâm sự, và ông cũng chưa biết khi nào có thể quay lại trường.
“Cuộc sống một HLV có nhiều khác biệt, vì vậy, tôi không biết sẽ trở lại trường vào thời điểm nào”.
Thực tế, sau này trường La Salle đã không can thiệp vào công việc của Bruno Garcia, mà để cho ông được phép thoải mái phát triển sự nghiệp của một HLV chuyên nghiệp. Đó cũng là cách đánh bóng hình ảnh cho nhà trường.
Tình yêu Việt Nam
Vượt ra khỏi biên giới Tây Ban Nha, Bruno Garcia chinh phục những miền đất mới và nơi nào ông cũng để lại dấu ấn đậm nét, từ Trung Quốc đến Peru, và hiện nay là Việt Nam.
Thành công mà Bruno Garcia dành được càng thêm ấn tượng, vì những nơi ông dừng chân có nền futsal không phát triển, và đặc biệt là những khác biệt quá lớn về nền văn hóa.
Đã sống ở những thành phố lớn của Trung Quốc, rồi Peru, nhưng Việt Nam - mà cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh, để lại trong Bruno Garcia nhiều tình cảm nhất.
“Tôi nhận được những điều tuyệt vời từ cuộc sống nơi đây”, Bruno Garcia từng đề cập về cuộc sống mới ở Việt Nam trên tờ La Voz de Galicia.
Tờ La Voz de Galicia đánh giá Bruno Garcia là một trong những người góp công lớn quảng bá hình ảnh xứ Galicia ra quốc tế, và từng viết về ông khi Việt Nam giành vé dự FIFA Futsal World Cup 2016: “La valiente escalada de Bruno Garcia” (lòng dũng cảm của Bruno Garcia).
Bruno Garcia thừa nhận, ông thích thú và dành tình cảm cho cuộc sống ở Việt Nam. “Tôi đang sống ở TP.HCM. Một thành phố với khoảng 9 triệu người, nhưng thoải mái hơn nhiều so với Trung Quốc.
Clip: Tuyển Futsal Việt Nam ăn mừng chiến thắng trước Guatemala
Ngôn ngữ ở đây có các tông khó hơn Trung Quốc. Nhưng điều quan trọng là ở đây nói được tiếng Anh. Hiện tôi đang sống ở khu vực có nhiều người Tây Ban Nha.Con người ở đây luôn tuyệt vời, lúc nào cũng vui vẻ, thân thiện và hiếu khách”.
Ngoài ra, Bruno Garcia cũng nói về những điểm mà ông từng thấy lạ ở TP.HCM nói riêng, và Việt Nam nói chung: “Có sự khác biệt rất lớn về tầng lớp xã hội giữa các quận huyện. Nơi đây là sự hỗn loạn về giao thông. Nhưng, tôi đã quen rồi…”.
Bình luận