Theo NASA, hình ảnh này cho thấy độ nhạy đáng kể của kính thiên văn James Webb, bởi trước đó tàu vũ trụ Voyager 2 và Đài quan sát W.M. Keck ở Maunakea, Hawaii chỉ ghi lại được những hình ảnh tương đối mờ về các vành đai trên.
Sao Thiên Vương có 13 vành đai với 11 vành đai trong số đó có thể quan sát được trong hình ảnh mới của kính thiên văn James Webb. 9 vành đai được xếp vào những vành đai chính trong khi 2 vành đai kia khó có thể ghi lại hơn do chúng được tạo thành từ bụi và phải tới khi tàu vũ trụ Voyager 2 được phóng vào quỹ đạo năm 1986 thì chúng mới được phát hiện. 2 vành đai ngoài cùng còn lại mờ hơn không xuất hiện trong bức ảnh mới đây. Chúng được phát hiện vào năm 2007 từ những hình ảnh do kính thiên văn Hubble ghi lại. Các nhà khoa học hy vọng James Webb sẽ chụp được chúng trong tương lai.
"Hệ thống vành đai của một hành tinh nói với chúng ta nhiều điều về nguồn gốc và sự hình thành của nó", Tiến sĩ Naomi Rowe-Gurney cho hay.
Theo nhà khoa học này: "Sao Thiên Vương là một thế giới lạ lùng với góc nghiêng sang một bên và thiếu nhiệt ở bên trong. Bất kỳ bằng chứng nào chúng ta thu thập được về lịch sử của nó đều rất giá trị".
Các nhà khoa học dự đoán những hình ảnh tương lai của James Webb sẽ có thể ghi lại tất cả 13 vành đai của sao Thiên Vương. Tiến sĩ Rowe-Gurney cũng hy vọng kính thiên văn này có thể phát hiện nhiều thành phần hơn trong không khí của sao Thiên Vương nhằm giúp các nhà khoa học hiểu hơn về hành tinh khí bất thường này.
Nằm cách Mặt trời gần 3 tỷ km, sao Thiên Vương mất 84 năm để hoàn thành một vòng quay. Hành tinh này nghiêng về một phía, tạo thành những vành đai theo chiều dọc, không giống với các vành đai theo chiều ngang của sao Thổ.
Trong những bức ảnh ban đầu tàu vũ trụ Voyager 2 chụp sao Thiên Vương, hành tinh này dường như là một khối cầu xanh dương không có gì đặc biệt. Nhưng trong bức ảnh mới của kính thiên văn James Webb, tương tự như những bức ảnh gần đây của kính thiên văn Hubble, những đám mây có thể được thấy ở rìa chỏm cực.
Bình luận