Bất lực...!
Đó là câu cảm thán của rất nhiều người khi liên tiếp xảy ra những vụ việc đau lòng làm chấn động xã hội liên quan đến ngành giáo dục như vụ cô giáo và 231 cái tát ở Quảng Bình và mới đây nhất là vụ Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ) lạm dụng tình dục hàng chục học sinh nam trong một thời gian dài.
Chiều 15/12, lực lượng chức năng khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Thanh Sơn để điều tra việc ông bị tố cáo dâm ô hàng chục học sinh nam của trường.
Không thể tưởng tượng nổi, môi trường giáo dục lại chính là nơi mà các em học sinh, những tâm hồn non nớt và nhạy cảm lại trở thành nạn nhân của những vụ bạo hành, xâm hại tình dục từ chính những người thầy của mình.
Trong sự việc ở trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Thanh Sơn, đau xót hơn cả là nhiều giáo viên biết rõ sự việc, không những không đấu tranh lại còn trêu các em “có được thầy cho ăn kẹo mút không?”. Một tư tưởng "đấu tranh là tránh đâu" bao trùm làm tê liệt các giá trị và phản kháng đứng lên bảo vệ lẽ phải.
Sự im lặng vô cảm suốt bao năm qua của cả tập thể nhà trường chất chứa thành những nỗi đau ám ảnh về tinh thần và thể xác mà nhiều em học sinh phải gánh chịu suốt cuộc đời. Nếu nói đáng trách thì vẫn là quá nhẹ với những người mang danh nhà giáo ở ngôi trường này.
Vụ thầy hiệu trưởng lạm dụng học sinh không phải lần đầu, giáo viên bạo hành học sinh cũng không phải chuyện hiếm ở Việt Nam... Trong khi đó, rời vòng tay gia đình, chẳng còn nơi nào khác, chỉ có nhà trường là nơi phụ huynh gửi gắm con em họ.
Học sinh đến trường không chỉ cần được đào tạo về kiến thức sách vở mà còn cần được chăm sóc để phát triển toàn diện, đảm bảo an toàn trong mọi tình huống.
Làm sao để giải tỏa tâm lý, ngăn ngừa nguy cơ khi các em có những dấu hiệu bị xâm hại…là trăn trở của rất nhiều người làm cha mẹ.
Nên chăng, ngay từ bây giờ, các trường cần sàng lọc về mặt sức khỏe thể chất và tâm thần đối với đội ngũ giáo viên. Với những người có dấu hiệu của trầm cảm, stress, có vấn đề về năng lực kiểm soát hành vi... cần phải được hỗ trợ ngay hoặc chuyển sang những bộ phận ít có nguy cơ đối với học sinh.
Trong công tác tuyển dụng, nhiều lúc, nhiều nơi chỉ quan tâm đến bằng cấp chuyên môn, đặt nặng "quan hệ, tiền tệ". Trong tương lai cần chuẩn hóa thi tuyển đầu vào, chú ý nhiều hơn tới phẩm chất đạo đức và năng lực sư phạm, nhất là trong bối cảnh điểm thi đầu vào các trường sư phạm giảm.
Cần đẩy mạnh vai trò của tham vấn học đường trong các trường học. Cơ chế của bộ phận tham vấn học đường nên cụ thể hóa và đi vào thực chất. Có thể thành lập nhóm tham vấn học đường chuyên nghiệp, hoạt động độc lập với nhà trường bằng hình thức xã hội hóa để hỗ trợ học sinh ngay từ khi các vấn đề chưa trở nên nghiêm trọng.
Nhiệm vụ của bộ phận này không chỉ hỗ trợ cho học sinh mà còn cho giáo viên và cả phụ huynh, để có các biện pháp phòng ngừa nguy cơ, bên cạnh đó xử lý ngay lập tức những khủng hoảng có thể xảy ra với học sinh trong trường học.
Làm sao để mỗi ngày đến trường là một ngày vui của học sinh? Câu hỏi này xin được gửi tới những người có trách nhiệm của ngành giáo dục.
Bình luận