• Zalo

Hiệp hội vận tải: Giá xăng dầu giảm quá thấp

Kinh tếThứ Sáu, 11/05/2012 06:04:00 +07:00Google News

(VTC News) - Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, sẽ khó có sự thay đổi giá cước vận tải vì đợt giảm giá xăng, dầu ngày 9/5 chỉ có tác động tâm lý.

(VTC News) - “Với các doanh nghiệp vận tải đã điều chỉnh sẽ khó có sự thay đổi giá cước, vì đợt giảm giá xăng ngày 9/5 chỉ có tác động tâm lý để kiềm chế không tăng giá”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhận định.

Từ tối 9/5, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm, tuy nhiên theo nhận định của các đơn vị kinh doanh vận tải, sẽ không có chuyện giảm giá cước bởi giá xăng dầu giảm quá thấp so với kỳ vọng của doanh nghiệp vận tải.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, chi phí xăng dầu là chính yếu trong kinh doanh vận tải nên các doanh nghiệp rất mong chờ giá xăng dầu giảm.

Theo các đơn vị vân tải, mức giảm giá xăng dầu chỉ có tác động tâm lý để doanh nghiệp không tăng giá, chứ không có tác động để giảm giá cước vận tải. Ảnh Internet. 
“Khi xăng tăng trên 10%, trên cơ sở đó, doanh nghiệp vận tải tăng cước 5-7%. Nhưng vừa qua, xăng chỉ giảm nhỏ giọt, mức giảm 500 đồng/lít xăng, tức là chỉ giảm 2%, theo đó giá cước sẽ chỉ có thể giảm 1%, tương ứng nếu với khoảng 100 đồng tiền cước. Như vậy sẽ rất khó để vận tải giảm cước”, ông Hùng suy luận.

“Với các doanh nghiệp vận tải đã điều chỉnh sẽ khó có sự thay đổi giá cước, vì đợt giảm giá xăng ngày 9/5 chỉ có tác động tâm lý để kiềm chế không tăng giá”, ông Hùng khẳng định.

Cũng theo ông Hùng, việc tăng hay giảm giá cước vận tải là một việc làm rất vất vả của các doanh nghiệp vận tải, khi phải tính toán lại giá thành, đăng ký giá với cơ quan Nhà nước, phát hành vé, niêm yết giá cước… Vì vậy các doanh nghiệp còn phải chờ xem giá cả xăng dầu còn tăng hay giảm trong thời gian tới để có những quyết sách.

Theo một số doanh nghiệp vận tải, trong những tháng qua người tiêu dùng đã rất "thắt lưng buộc bụng" nên các dịch vụ taxi, vận tải du lịch đều bị ảnh hưởng, doanh thu giảm mạnh.

"Giá xăng dầu giảm là tín hiệu tốt cho thị trường và là cơ hội cho doanh nghiệp trong ngành vận tải vực dậy thị trường, tăng doanh thu trong giai đoạn khó khăn này," đại diện một doanh nghiệp vận tải cho biết thêm.

Theo ông Lê Văn Tòng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ hỗ trợ vận tải ô tô Ka Long (xe khách chuyên chạy tuyến Quảng Ninh – Hà Nội) cho rằng, giá xăng, dầu giảm cao nhất là 500 đồng/lít là quá ít so với sự kỳ vọng của các đơn vị vận tải.

“Giá xăng dầu luôn biến động thất thường, mỗi khi tăng hay giảm đều khiến doanh nghiệp vận tải lao đao và phải liên tục chạy đua theo giá xăng. Đợt giảm giá này chẳng thấm vào đâu nên sẽ không có chuyện giá cước giảm”, ông Tòng khẳng định.

Ông Tòng cho rằng, trong điều kiện khó khăn kinh tế thế này tất cả các doanh nghiệp vận tải đang tận dụng mọi nguồn thu để giảm chi, tăng thu bù đắp cho chi phí nhiên liệu đầu vào bằng mọi cách.

Đồng tình quan điểm đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, giá xăng dầu giảm không ảnh hưởng đến giá cước của các đơn vị vận tải, bởi các doanh nghiệp vẫn chưa tăng giá cước do giá xăng dầu liên tục tăng.

Theo ông Liên, xăng dầu tăng giảm do tác động khách quan của xăng dầu thế giới. Biên độ xăng dầu tăng và giảm 10% thì các doanh nghiệp vận tải mới tính toán lại giá cước và sẽ có những điều chỉnh cước.

Bộ Tài chính đã thực hiện giảm giá xăng, dầu diezel từ 22h ngày 9/5, giá bán lẻ xăng A92 giảm 500 đồng xuống còn 23.300 đồng/lít, trong khi dầu diesel cũng giảm 300 đồng còn 21.600 đồng/lít. Giá dầu hỏa và dầu mazut vẫn giữ nguyên, lần lượt ở mức 21.400 đồng và 19.200 đồng/lít.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn