Ngày 8/3/2018 (tức 1h sáng 9/3 theo giờ Việt Nam), Bộ trưởng phụ trách Kinh tế của 11 nước gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam tham gia Lễ ký kết chính thức Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Santiago, Chile.
Tại Lễ ký kết, các Bộ trưởng thông qua Tuyên bố chung chia sẻ quan điểm cho rằng, việc đạt được các kết quả tiêu chuẩn cao và cân bằng, Hiệp định CPTPP giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên, thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hiệp định này thể hiện cam kết chung của các nước thành viên đối với hệ thống thương mại hiệu quả, dựa trên quy tắc và minh bạch, có tính mở đối với tất cả các nền kinh tế sẵn sàng chấp nhận các nguyên tắc này.
Các Bộ trưởng bày tỏ quyết tâm nỗ lực hết sức hoàn thành một cách nhanh chóng các thủ tục pháp lý trong nước nhằm sớm đưa Hiệp định vào thực thi.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng hoan nghênh sự quan tâm của một số nền kinh tế khác đối với Hiệp định CPTPP. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc thúc đẩy hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế một cách sâu rộng trong tương lai thông qua Hiệp định CPTPP.
Trên cơ sở đó, các Bộ trưởng nhất trí giao các trưởng đoàn đàm phán bắt đầu quá trình chuẩn bị cần thiết để việc thực thi Hiệp định CPTTP này được thông suốt.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ trên trang Thông tin Điện tử Bộ Công Thương: "Hiệp định CPTPP có tác động tích cực tương đối toàn diện. Tuy nhiên, khuôn khổ hội nhập nào cũng đều hàm chứa những tác động tích cực và những điều ngược lại".
Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện, công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững và những nhân tố tổng hợp có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế. Đó mới là những yếu tố quyết định.
Cũng như các quốc gia khác, khi tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai, minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường.
Hàng loạt lĩnh vực của Việt Nam, bao gồm truyền thống và phi truyền thống, đều có các cam kết mạnh mẽ cùng những quốc gia khác.
Bên cạnh đó, với một môi trường liên tục được hoàn thiện bằng những cải cách về thể chế, quản lý nhà nước, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh, thì điều kiện để thu hút đầu tư thêm nguồn lực từ bên ngoài sẽ được cải thiện nhanh chóng.
Các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất, trực tiếp từ Hiệp định có thể kể đến như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia…
"Tôi muốn nhấn mạnh, sự chủ động trong tiếp cận thị trường, bằng chính nhãn quan của doanh nghiệp mới là điểm mấu chốt, đảm bảo hội nhập thành công...", ông Trần Tuấn Anh nói.
Video: Hiệp định CPTPP được ký kết, nhiều nhóm ngành nghề của Việt Nam được hưởng lợi
Bình luận