Đàn sếu lớn
Hơn 30 năm đổi mới, doanh nghiệp Việt đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, đóng góp lớn trong huy động nguồn lực xã hội cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.
Trong đó, một số doanh nghiệp đầu tàu đã đủ sức vươn ra thế giới, cạnh tranh ở quy mô toàn cầu bằng sản phẩm và dịch vụ đẳng cấp, với tiêu chuẩn quốc tế, được thị trường quốc tế đón nhận.
Thậm chí gần đây, nhiều doanh nghiệp nội đã mạnh dạn sải bước ra biển lớn, thâu tóm thương hiệu ngoại, như việc FPT mua 90% cổ phần của Intellinet Consulting, VinFast mua nhà máy và hệ thống phân phối tại Việt Nam của tập đoàn xe hơi Mỹ General Motors, Vinamilk cổ phần của Driftwood Dairy…
PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, bức tranh doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều thay đổi cơ bản, nhất là ở khu vực kinh tế tư nhân.
“Khu vực kinh tế tư nhân hiện nay đã lớn mạnh, sống động hơn, trở thành một trong những nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng kinh tế nhanh thời gian qua”, ông Long nói.
Theo chuyên gia này, trong bối cảnh hiện nay, cách làm ăn tốt nhất, bền vững nhất là phải đi vào con đường sản xuất, phải xây dựng được các doanh nghiệp lớn, có chiến lược kinh doanh, có năng lực quản trị và có có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ.
“Việt Nam đang cần có những đầu tàu mạnh của chính mình để kéo theo sự phát triển của những doanh nghiệp vệ tinh, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn. Các nước dùng hình ảnh ví von là tạo nên các đàn sếu lớn, là những doanh nghiệp đủ mạnh, đủ tầm, đủ thế để có thể cạnh tranh, tạo đà cho nền kinh tế phát triển”, ông Long nói.
ĐỌC THÊM THÔNG TIN VỀ XE VINFAST TẠI ĐÂY:
Một tín hiệu đáng mừng, theo ông Ngô Trí Long, là hiện nay Việt Nam đã có những tập đoàn kinh tế quy mô lớn cả về vốn và công nghệ. Các tập đoàn này đã có sự thay đổi trong quản trị, tổ chức hoạt động, trở thành doanh nghiệp trưởng thành có thể đứng vững ở thị trường trong nước và quốc tế.
“Những con sếu đầu đàn như VinGroup, Viettel, FPT, Vinamilk, Trường Hải, Hòa Phát, Masan… đang dẫn dắt, tạo cảm hứng và là động lực quan trọng của nền kinh tế”, PGS TS Ngô Trí Long nói.
Hiện tượng VinFast
Có thể nói, con sếu đầu đàn trong “đàn sếu lớn” của đất nước hiện nay là VinGroup. Khởi nghiệp từ mì gói, dịch vụ nghỉ dưỡng, VinGroup vươn lên thành nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và hiện đang chuyển mình mạnh mẽ thành tập đoàn đa ngành.
Dù hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn đang đóng góp 70% tổng doanh thu nhưng tập đoàn tư nhân lớn nhất nước này đang có kế hoạch giảm tỷ trọng bất động sản xuống còn 30 - 40% doanh thu, trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu.
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn VinGroup - người Việt Nam đầu tiên có tên trong danh sách tỷ phú đô la của Forbes – tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông diễn ra vào 5/2018, cho biết mặc dù bất động sản vẫn là mảng kinh doanh trọng yếu, nhưng tập đoàn này sẽ tăng tỷ lệ doanh thu từ các lĩnh vực khác lên trong những năm tới.
Với các công ty con như VinEco, VinFa, VinSchool, VinUni, VinMart, VinMec, VinFast,… ông Vượng và VinGroup thể hiện mình đang nhìn thấy rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, dược phẩm, y tế, giáo dục và xe hơi.
Một trong những dự án đang được đầu tư mạnh nhất và là bước phát triển vượt bậc của VinGroup trong hơn năm qua là VinFast – dự án sản xuất các loại xe máy điện, xe hơi và xe ô tô điện.
Khởi công từ giữa 2017, VinFast ban đầu vấp phải khá nhiều sự hoài nghi. Nhưng với việc mua giấy phép từ nhà sản xuất BMW để sử dụng công nghệ sản xuất độc quyền, bổ nhiệm ông James B. DeLuca, chuyên gia 37 năm kinh nghiệm tại General Motors về làm tổng giám đốc VinFast, rồi mua nhà máy và hệ thống phân phối tại Việt Nam của GM… VinGroup thể hiện dự án đang tiến triển đúng kế hoạch và những diễn biến gần đây cho thấy ông Phạm Nhật Vượng muốn hướng nhiều hơn đến xuất khẩu xe hơi.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đánh giá việc doanh nghiệp Việt đầu tư ra ngoài, thay vì chỉ nhận đầu tư là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và là hiện tượng đáng mừng.
“Chúng ta hy vọng sau này sẽ có nhiều doanh nghiệp nữa mạnh dạn đầu tư ra thế giới chứ không chỉ chờ đợi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, ông Hiếu nói.
Chuyên gia này tỏ ra ấn tượng trước sự phát triển thần tốc của nhiều doanh nghiệp nội, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng, vững chắc của VinGroup.“VinGroup là một hiện tượng tích cực. VinFast là hiện tượng rất mới mẻ ở Việt Nam. Cho thấy doanh nghiệp Việt đã nỗ lực đầu tư vào kỹ nghệ xe ô tô với năng lượng sạch. Đây là bước đi đáng mừng”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nói.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, với một đất nước trên 90 triệu dân, phải coi ô tô là ngành công nghiệp chủ lực để phát triển. “Mặc dầu chúng ta có 2 chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô được xây dựng rất hoành tráng trước đó nhưng phải nói thực là đến nay ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn đi vào ngõ cụt, dậm chân tại chỗ”, ông Long nói.
Chuyên gia này cho nguyên nhân thất bại là do chỉ tiêu đề ra không đạt được hiệu quả và chính sách có yếu tố xung đột. Ngoài ra, trước đây có một số doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp ô tô nhưng không có nền tảng, không có chiến lược rõ ràng, không có quản trị tốt, cuối cùng bị phá sản.
“Nhưng bên cạnh đó, lại có những doanh nghiệp làm ăn rất thành đạt như Thaco Trường Hải, Hyundai Thành Công… Gần đây VinFast đang đi những bước thần tốc, nếu đi đúng hướng chắc chắn có hiệu quả, thành công”.
“VinGroup luôn tìm những mảng mà Việt Nam có tiềm năng nhưng không dẫn dắt được thị trường và không cạnh tranh được các đối thủ khác. Nếu VinGroup thành công với xe hơi, nền kinh tế nước ta sẽ tiến gần hơn mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, ông Long nói.
Ông Long cũng tin rằng VinGroup/VinFast hoàn toàn có thể vươn ra nước ngoài và vững vàng tiến bước.“Những lĩnh vực khác họ luôn tiên phong, xâm nhập được thị trường, đứng vững và phát triển, thậm chí dẫn dắt thị trường với xe hơi, họ cũng sẽ thành công”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Báo cáo tài chính 2017 của VinGroup cho thấy doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt trên 89.300 tỷ đồng. Trong đó, bất động sản chiếm 70%, với hàng loạt các dự án đáng chú ý như Vinhomes Riverside, Vinhomes Central Park, Times City, Royal City...
Năm 2018, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 34% và 50%, đạt 120.000 và 8.500 tỷ đồng.
Bình luận