• Zalo

HH vận tải: Xăng giảm nhỏ giọt, khó giảm cước vận tải

Kinh tếThứ Năm, 24/05/2012 12:42:00 +07:00Google News

(VTC News) - Theo các Hiệp hội vận tải, sau hai lần giảm, mức giảm cũng chỉ 1.100 đồng/lít, nên chưa thể hy vọng giá cước vận tải có thể giảm sau lần này.

(VTC News) - “Trong tháng 5, đã có hai lần giá xăng dầu được điều chỉnh giảm, nhưng mức giảm còn rất hạn chế, chưa có nhiều tác động tích cực đến vận tải, nên giá cước sẽ chưa có nhiều thay đổi”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đánh giá.

 

Theo ông Hùng, trong năm 2012, có hai đợt tăng giá xăng tổng cộng thêm 3.000 đồng/lit (đợt ngày đầu ngày 7/3 với mức tăng 2.100 đồng/lít; đợt hai ngày 20/4 với mức tăng 900 đồng/lít - PV), nhưng hai đợt giảm giá gần đây mới giảm được 1.100 đồng/lít; còn giá dầu diezen tăng 1.500 đồng/lit cũng mới hạ được 600 đồng/lít sau hai lần giảm giá.

 

Giá cước vận tải sẽ chưa có thay đổi trong thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục chờ đợi. 
“Việc giảm giá hai đợt như vậy chưa thể tác động nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất, cũng như vận tải so với mức tăng giá hồi đầu năm.


Cụ thể, đối với doanh nghiệp vận tải taxi đã một lần điều chỉnh giá cước, với mức giảm giá xăng tổng cộng 1.100 đồng/lít có thể một số hãng sẽ điều chỉnh mức giá để tăng tính cạnh tranh, nhưng không nhiều. Còn vận tải hành khách và hàng hóa chạy bằng dầu diezen sau hai lần giảm vẫn chưa quay lại mức cũ nên chưa thể giảm ngay được”, ông Hùng phân tích.

 

Đồng thời ông Hùng cho rằng, cùng với giảm giá xăng việc Nhà nước tăng thuế xăng dầu là hợp lý, nhưng trong thời điểm hiện tại cơ quan chức năng nên tính toán để giảm giá xăng sâu hơn, hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất.

 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, trong hai lần tăng giá xăng trước các doanh nghiệp taxi chỉ tăng cước có một lần khi giá xăng tăng đột ngột thêm 2.100 đồng/lít, còn lần tăng thêm 900 đồng/lít sau đó các doanh nghiệp không tăng giá cước mà cố chịu đựng. Nên nay giá xăng có giảm 1.100 đồng/lít thì cũng chả có tác dụng gì.

 

“Cần phải tiếp tục chờ, khi nào giá giảm thêm 2.000 đồng/lít giá cước taxi sẽ được điều chỉnh xuống theo”, ông Bình khẳng định.

 

Về tác dụng của lần giảm giá xăng này, theo ông Bình, các doanh nghiệp taxi sẽ tính phương án giảm phần hỗ trợ cho lái xe. Vì khi giá xăng dầu tăng thêm 900 đồng/lít, nhưng giá cước vận tải không tăng, nên các doanh nghiệp taxi phải tăng thêm phần trăm doanh thu cho lái xe để hỗ trợ họ, vì tiền xăng dầu là do lái xe tự phải chi trả. Nay giá xăng giảm xuống, phần tỷ lệ này sẽ không còn nữa.

 

“Giá cước taxi chỉ được điều chỉnh khi các giá trị đầu vào thay đổi đủ mức thực hiện bước nhảy sẽ cho điều chỉnh giá cước. Chứ không phải cứ lắt nhắt lên hoặc xuống vài trăm đồng giá xăng sẽ điều chỉnh, vì chi phí chỉnh đồng hồ cước, niêm yết giá… cũng rất tốn kém, vì vậy thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi”, ông Bình cho biết thêm.

 

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho rằng, theo đà giảm của giá xăng dầu thế giới thì mức giảm giá xăng dầu của mình chưa phù hợp. Nhà nước đã cố gắng giảm giá xăng là tốt, nhưng hạ xuống một nấc nữa các doanh nghiệp vận tải sẽ phải hạ giá cước. Còn giảm nhu hiện nay sẽ chưa tác động nhiều đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp vận tải, sẽ không có hy vọng giảm giá cước.

 

“Hiện có nhiều doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn, vắng khách, thậm chí xe còn phải bỏ bến nên chưa thể phản ứng ngay được, giá cước sẽ chưa thể giảm ngay”, ông Liên nhận định.

 

Liên bộ Tài chính – Công thương vừa đưa ra quyết định, từ 15h30’ ngày 23/5, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh giảm từ 300 - 600 đồng/lít. Đồng thời giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng xăng, dầu 300 đồng/lít; khôi phục lại thuế suất thuế nhập khẩu với xăng lên mức 4%, diezen lên 3% và dầu hỏa, madut lên mức 5%.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn