Sau khi các địa phương “tuýt còi”, nhà đất ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc gần như bị đóng băng hoàn toàn.
800 triệu lên tới 18 tỷ đồng
Thông tin Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã khiến giá bất động sản khu vực này tăng chóng mặt. Các nhà đầu tư ùn ùn kéo tới cùng với sự thao túng của đội quân môi giới làm cho thị trường nhà đất diễn biến phức tạp.
Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cũng cho thấy, mặc dù là chưa chính thức trở thành đặc khu, song do sức nóng, đất nền tại các dự án của Vân Đồn dao động từ 20-50 triệu đồng/m2, tăng mạnh so với trước Tết Nguyên đán năm 2018.
Tại thị trường Vân Đồn, có một số hiện tượng đầu cơ, môi giới bất động sản không chuyên đẩy giá tạo giá trị ảo với mức tăng khoảng 5-6 lần giá trị so với hai năm trước.
Còn tại Phú Quốc, thị trường bất động sản vẫn diễn biến rất phức tạp. Các văn phòng công chứng đất đai liên tục tiếp nhận các hồ sơ mua bán trao đổi đất. Giá đất tại Phú Quốc liên tục tăng nhanh tới 10-20 lần chỉ trong thời gian ngắn. Có lô đất giá 800 triệu đồng, nhưng chỉ sau 3 năm đã lên tới 18 tỷ đồng.
Theo VARs, nhu cầu thực đối với loại hình này chưa có, chủ yếu vẫn là đầu cơ và lướt sóng. Các dự án quy mô nhỏ có mức giá trung bình từ 4-7 triệu đồng/m2. Các dự án có quy hoạch bài bản, quy mô lớn khoảng 10-55 ha có mức giá 15-25 triệu đồng/m2.
Báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chỉ ra rằng, tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp. Thậm chí, có tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định pháp luật, có hiện tượng giá đất nền tăng cao trong thời gian ngắn.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các địa phương (Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang) yêu cầu thực hiện việc kiểm tra nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường và có biện pháp để ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra tổng thể việc sử dụng đất tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để báo cáo cụ thể về hiện trạng và giải pháp xử lý với Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 3/5/2018, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo tạm dừng giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Vân Đồn. Theo lãnh đạo Quảng Ninh, động thái này nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai và làm rõ một số thông tin về việc "sốt" giá đất tại Vân Đồn, đồng thời, ngăn chặn kịp thời cơn sốt đất đang càn quét mạnh mẽ tại đây trong khi chờ Quốc hội thông qua Luật Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt.
Tiếp ngay sau quyết định của tỉnh Quảng Ninh, UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cũng có công văn chỉ đạo Phòng Tài nguyên và môi trường tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500m2 trên địa bàn huyện.
Đến ngày 7/5, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Vạn Ninh cho đến khi quy hoạch chung xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) Bắc Vân Phong được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
1 năm đóng băng
Việc Quốc hội thông qua tạm dừng Luật đặc khu kinh tế khiến thị trường bất động sản ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc gần như bị đóng băng hoàn toàn. Nhiều văn phòng giao dịch bất động sản đóng cửa, nhà đầu tư nhỏ lẻ vội vã bán hàng để bảo toàn vốn hoặc cắt lỗ. Nhiều nhà đầu tư lướt sóng đã đầu tư vào khu vực đặc khu ngay khi giá đất đã cao, nên giờ đành xả hàng với giá thấp, nếu để giá xuống hơn nữa thì sẽ lỗ khá nặng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận xét, ngay từ khi có quyết định tạm dừng giao dịch mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm điều tiết thị trường bất động sản, "cắt cơn sốt" đất ảo, việc giao dịch mua đi bán lại đất trái quy định tại các địa phương gần như đã chấm dứt hoàn toàn.
Đất ở Vân Đồn không còn giá “trên trời” nữa, đã hạ nhiệt rất nhiều. Nhiều người “ôm” đất tại đây đang thấp thỏm đứng ngồi không yên và muốn bán để rút vốn. Trong khi đó, ở Vạn Giã, lúc cao điểm, trên địa bàn có hơn 30 sàn giao dịch nhưng nay con số hoạt động hàng ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tương tự tại Phú Quốc, tình hình mua bán, chuyển nhượng đất đai cũng trở nên trầm lắng ảm đạm.
Nhóm nhà đầu cơ chưa kịp rút vốn tại các đặc khu kinh tế chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ chính sách siết chặt thị trường bất động sản của chính quyền. “Tâm lý ai cũng nghĩ, cái gì 'sốt' thì cũng chắc chắn lên giá. Dù biết mạo hiểm nhưng họ dám chơi thì giờ buộc phải dám chịu. Nhiều người biết trước sẽ có lúc thị trường bị đóng băng nhưng họ không nghĩ lại nhanh như vậy”.
“Đến nay, hoạt động chuyển nhượng trái phép tại các khu vực nêu trên đang dần được kiểm soát, tình hình giao dịch chuyển nhượng trái pháp luật có xu hướng chững lại”, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho hay.
Sau thời gian dài "đóng băng" do UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tạm dừng các giao dịch đất đai và Quốc hội quyết định hoãn thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đối với Vân Đồn, ngày 9/1/2018 vừa qua, thị trường bất động sản tại đây đã đón nhận diễn biến mới đầy tích cực khi quyền địa phương mở cửa trở lại các hoạt động giao dịch bất động sản.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng quyết định chấm dứt hiệu lực của văn bản dừng nhận hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng và tách thửa. Điều đó cũng đồng nghĩa các giao dịch bất động sản trên địa bàn này sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 17/6.
Bình luận