Chuyện "hét giá", "chặt chém" dường như đã thành thông lệ mỗi dịp Tết đến, xuân về. Dịp Tết năm nay, dù cơ quan chức năng đã quyết liệt chống nạn 'chặt chém' song tình trạng ép khách mua với giá "cắt cổ" vẫn xảy ra.
Chủ quán “chặt chém” dĩa cơm, tô hủ tiếu giá 500 ngàn đồng
Chiều 22/1 (ngày 28 tết), mạng xã hội xuất hiện clip của một người cho rằng mình bị một quán cơm không tên trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An "chặt chém".
Theo thông tin trong clip, tối 21/1, anh T. cùng em gái trên đường về quê ở Trà Vinh thì dừng chân tại quán cơm này và gọi một tô hủ tíu, một dĩa cơm. Chủ quán tính tiền tổng cộng 2 món thức ăn trên với giá lên đến 500.000 đồng.
Cũng theo thông tin từ clip, chủ quán còn có hành vi đánh khách khi khách quay phim cuộc cự cãi về giá cả tại quán.
Được biết, sau khi bị chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất và mời làm việc vì nghi "chặt chém" khách 2 món ăn với giá 500.000 đồng, chủ quán đã dọn đồ, đóng cửa bỏ đi.
700.000 đồng/kg thịt bò ở chợ cóc ngày mùng 2 Tết
Mùng 2 Tết, các chợ cóc đã bắt đầu xuất hiện các tiểu thương bán thực phẩm, nhưng giá cả lại đắt đỏ đến khó tin.
Tại một số chợ cóc tự họp khu vực chợ Nghĩa Tân (Hà Nội), giá cho 1kg thịt bò lên đến 700.000 đồng, thịt lợn là 400.000/kg. Bất ngờ hơn là giá rau có cũng lên đến giật mình, 1 chiếc bắp cải nặng 1kg có giá 60.000 đồng.
Tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội, su hào có giá 15.000 đồng một củ loại nhỏ, loại to là 20.000 - 25.000 đồng; rau mồng tơi 15.000 đồng một mớ, rau cần xanh 25.000 đồng, mùi ta, thì là 10.000 đồng...
Không chỉ Hà Nội mà giá rau xanh tại một số tỉnh, thành phía Bắc cũng tăng chóng mặt. Ở chợ Lương Văn Can (Hải Phòng), rau cần có giá 20.000 đồng/mớ, đắt thêm 10.000 đồng so với trước Tết; rau muống 20.000 đồng/mớ, rau cải xanh 15.000 đồng/bó,...
Nhiều tiểu thương cho biết vì mưa đá xuất hiện khiến sản lượng sau củ quả bị hỏng rất nhiều, thất thu mùa vụ khiến cho giá thành bắt buộc phải leo thang.
Bên cạnh rau xanh, cá tôm cũng là mặt hàng đắt khách ngày đầu năm mới. Tại các chợ ở Hà Nội, Hải Phòng, giá cá tươi tăng 20.000 - 30.000 đồng mỗi kg, tuỳ loại. Tôm tươi cũng tăng giá mạnh: Tôm sú loại to tăng 50.000 đồng, lên 350.000 đồng/kg tôm sú loại nhỏ 280.000 đồng/kg, tăng 50.000 - 70.000 đồng...
Quán ăn, cà phê ở TP.HCM “nhảy giá” đuổi không hết khách
Ngày mùng 1 tết Nguyên Đán, hầu hết các dịch vụ tại TP.HCM đều đóng cửa, tuy vậy, một số ít quán ăn, tiệm cà phê vẫn mở cửa. Các quán ăn bán những món truyền thống như hủ tíu, bánh canh, cơm tấm... phục vụ 24/24.
Do nhiều hàng quán nghỉ nên những hàng quán bán hàng xuyên tết đều có lượng khách tăng vọt. Do khách đến rất đông, nhiều nơi kê thêm bàn ra vỉa nhưng vẫn không đủ chỗ cho "thượng đế".
Theo các chủ quán, những ngày nghỉ Tết quán sẽ bán gấp 3 lần ngày thường, giá cả cũng tăng khoảng 30% vì nhân công cao.
Kinh doanh xuyên tết, một chủ quán cà phê tiết lộ trên Tiền Phong, doanh thu những ngày này gấp 2-3 lần so với ngày thường. Trung bình mỗi ngày anh thu về khoảng 20 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, nhân viên, mặt bằng, anh còn lãi từ 10-15 triệu đồng/ngày.
Đua nhau “chặt chém” giá giữ xe máy dịp Tết
Nắm bắt nhu cầu gửi xe máy dịp Tết của người dân, nhiều bãi giữ xe tự phát quanh các bến xe lớn ở TPHCM đã thẳng tay “chặt chém” giá giữ xe.
Theo ghi nhận của PV báo Lao Động, phần lớn các bãi này là quán cà phê, nhà dân trong hẻm tận dụng phần đất trống để giăng dây giữ xe. Mỗi bãi đều có người đứng ngoài đường chèo kéo, mời gọi khách gửi xe.
Tại những bãi giữ xe tự phát này, giá giữ xe máy cũng không được quy định mà tùy thuộc vào từng bãi với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/xe/ngày.
Hàng quán 'chặt chém' khách ngày tết bị phạt nặng
Khoản 1, 2, 3 Điều 12 Nghị định 109/2013 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2016) về việc xử lý hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ như sau:
Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng lần đầu.
Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm hành vi trên trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần thì bị phạt tiền từ 1.000.000-3.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 5.000.000-10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá.
Bình luận