Hé lộ sự thật về việc ‘vay vốn làm ăn’ ở đền Bà Chúa Kho 

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 25/02/2017 22:35:00 +07:00

Có một sự thật, là ngày đầu năm vay vốn, đền Bà Chúa Kho người đông như nêm, nhưng những ngày cuối năm, là đợt trả lễ, thì vắng như chùa bà Đanh.

Kỳ 2 (kỳ cuối): Vay vốn thì đông, trả lễ thì vắng 

Đồn đại từ những vụ may mắn

Có câu chuyện nữa, mà ông Nguyễn Văn Tần, cán bộ của Ban quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho, rất ấn tượng, là chuyện xin lễ của vợ chồng anh M., chị H., nhà ở ngay Đáp Cầu, cách làng Cổ Mễ không xa lắm. Vợ chồng anh này có quen biết với ông Tần.  

Một hôm, đến nhà vợ chồng anh M. chơi, thấy anh M. than thở rằng vợ chồng đang ly thân, sắp bỏ nhau. Ông Tần hỏi han lý do, thì anh M. bảo rằng, tháng trước, hai vợ chồng vay nợ khắp nơi, toàn vay nặng lãi để sắm con thuyền lớn chở vật liệu xây dựng. Công việc đang suôn sẻ thì gặp họa. Con thuyền đã đâm vào tàu lớn, vỡ làm đôi và chìm nghỉ dưới sông.  

Tài sản lớn nhất là con thuyền đã tan thành mây khói. Kinh tế gia đình sa sút, chủ nợ thúc ép, vợ chồng đổ lỗi cho nhau, gia đình sinh ra lục đục, có nguy cơ tan vỡ.  

Nghe xong chuyện, ông Tần gọi hai vợ chồng lại khuyên can. Ông hướng dẫn hai vợ chồng làm mâm lễ, rồi ông viết sớ xin Bà Chúa Kho cho vợ chồng anh M. vay 2 tỷ đồng. Đích thân ông Tần làm lễ cúng ở cung cấm.

IMG_7589

Ông Nguyễn Văn Tần 

Điều kỳ diệu đã xảy ra, không hiểu do may mắn hay có sự trùng hợp gì. Ngay sau khi làm lễ ở đền, vợ chồng anh M. tự dưng vay tiền rất dễ, các chủ nợ cũng đồng ý giãn nợ, giảm lãi xuất cho vợ chồng anh M. Vợ chồng anh này đã đóng con thuyền mới. Hợp đồng cũng có nhiều, công việc suôn sẻ, nên cuối năm khệ nệ mâm lớn, mâm bé lên lễ tạ Bà Chúa Kho.

Sau mấy năm làm ăn hanh thông, vợ chồng anh M. không những trả hết nợ nần, mà còn sắm được cả đội thuyền, lập công ty hoạt động rất chuyên nghiệp. Cặp vợ chồng ấy giờ sống hạnh phúc, với một cơ ngơi hoành tráng. Năm nào hai vợ chồng cũng lên đền công đức, trả nợ ân tình Bà Chúa Kho đã ban tặng.

Theo lời ông Tần, tại ngôi đền này, không chỉ diễn ra chuyện vay vốn làm ăn, mà còn cầu thai. Ông Tần đã viết sớ cho cả chục vợ chồng hiếm muộn và họ đã có kết quả.

Có cặp vợ chồng lấy nhau 20 năm không sinh đẻ gì, thế mà khi đến cầu Bà Chúa Kho, chỉ 3 tháng sau đã đến nhờ ông lễ tạ vì đã có bầu.

Ông Tần cho biết, Bà Chúa Kho chỉ linh ứng với những trường hợp vay vốn làm ăn một cách trong sáng. Những trường hợp lừa đảo, buôn gian bán lận, buôn lậu, hại người, thì vay vốn của Bà không những không được, mà làm ăn còn thất bại liên tiếp.

Ông Tần cũng như những người viết sớ chân chính đã nhiều lần từ chối những trường hợp nhờ viết sớ vay tiền để buôn lậu, buôn… ma túy.

Có trường hợp còn nhờ Bà Chúa Kho che mắt công an để vận chuyển ma túy thành công. Tất nhiên, nhưng trường hợp đó ông Tần cũng như những người viết sớ chân chính từ chối thẳng thừng, và ông cũng nói với họ rằng, nếu họ làm việc thất đức đó, chắc chắn sẽ thất bại.

IMG_7532

Khấn xin vay vốn trước tượng Bà Chúa 

Ông Tần nhớ nhất trường hợp một anh tên Khiêm, người Hà Nội. Anh này ăn mặc bảnh bao, dáng vẻ của người thành đạt. Anh ta cũng trình bày rằng, trước đây gia đình khá giả, nhưng mấy vụ làm ăn của anh ta thất bại, nên gia cảnh đang lâm vào khó khăn.

Đêm trước, anh mơ thấy một bà chúa về cho một số đề. Sáng sớm hôm sau, anh ta đã phóng xe máy về tận đền Bà Chúa Kho sắm lễ, rồi viết sớ xin bà phù hộ để trúng đề. Ông Tần khuyên anh ta rằng, Bà Chúa Kho không ủng hộ việc làm trái pháp luật, tuy nhiên, anh ta cứ khẩn nài, nên ông Tần cũng viết giúp.

Cúng khấn xong, thì anh này chào ông ra về. Anh ta bảo phải về sớm, dồn hết tiền bạc để đánh một con đề. Tuy nhiên, đền chiều tối, ông Tần lại thấy anh này quay lại đền, tìm gặp ông, với bộ mặt phờ phạc. Anh bảo rằng, đi về đến cầu Long Biên thì đầu óc cứ như trên mây, đi lòng vòng mãi không lên được cầu.

Quanh quẩn cả tiếng ở vòng cua chân cầu mà không lên cầu được, sợ quá, anh đã quay lại Bắc Ninh, nhờ ông Tần làm lễ tạ, không xin trúng đề nữa. Hôm sau, anh này quay lại đền Bà Chúa Kho cùng vợ. Anh ta bảo rằng, sau khi làm lễ tạ, thì anh về được nhà luôn. Tối đó đề đã không về con số mà anh mơ thấy.

Tin rằng Bà Chúa Kho linh thiêng, nên vợ chồng anh Khiêm đã làm lễ xin bà cấp vốn để làm ăn. Hai năm sau, vợ chồng anh này quay lại lễ tạ, kể với ông Tần rằng, công việc làm ăn của vợ chồng anh rất tốt, đang lên như diều.

Ngày lễ tạ hé lộ sự thật

Những ngày đầu năm, thật khó khăn để chen được vào đến cổng đền Bà Chúa Kho, chứ đừng nói đến chuyện kiếm được chỗ để dâng lễ, cúng bái. Người ta phải đội mâm lễ lên đầu, rồi bái vọng từ xa. Có trường hợp còn trèo lên đầu nhau để chen vào cúng bái. Hàng ngàn lời khấn cùng vang lên một lúc, hầu hết với nội dung vay vốn làm ăn, không hiểu Bà Chúa Kho có bao nhiêu tai mắt để nghe hết được lời cầu khấn.

Tuy nhiên, một sự thực, là những ngày cuối năm, đền Bà Chúa Kho luôn vắng tanh vắng ngắt. Du khách lác đác, người lễ tạ cũng rất ít.

Ông Nguyễn Văn Dự, Ban quản lý Di tích đền Bà Chúa Kho bảo: “Năm nào cũng thế, đầu năm người dân nườm nượp về cầu lộc, vay vốn làm ăn, chen lấn, dẫm đạp lên nhau, khiến chúng tôi rất vất vả, thế nhưng, cuối năm thì vắng hoe vắng hoét. Cứ xem cảnh tượng đó thì đủ biết được rằng việc sắm mâm cao cỗ đầy, rồi thuê mướn thầy cúng, nhằm hối lộ Bà Chúa Kho để vay tiền bà liệu có kết quả gì không?”.

Theo lời ông Nguyễn Văn Tần, nghi thức vay vốn Bà Chúa Kho rất rõ ràng. Thân chủ phải ghi rõ trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì, và đặc biệt là phải nói rõ một năm, hai năm, hay 5 năm sau sẽ trả, tức là tạ lễ. Thậm chí còn phải hứa là vay một trả 3, thậm chí vay một trả 10.

Den Chua Kho (1)

Ngày đầu năm người dân kéo đến vay vốn đông nghẹt 

IMG_7506

 Cuối năm đền Bà Chúa Kho vắng như chùa Bà Đanh

Đã vay thì phải trả, kể cả chuyện vay thật hay vay niềm tin, do đó, dù có làm ăn được hay không, thì đã hứa với Bà Chúa Kho, thì phải giữ đúng lời hứa.

Việc vay lễ diễn ra vào đầu năm và lễ tạ diễn ra vào cuối năm. Thế nhưng, theo lời ông Nguyễn Văn Dự, thì thời điểm cuối năm, tức thời điểm làm lễ tạ, lượng khách về đền không bằng 1/10 thời điểm đầu năm.

Chỉ cần nhìn điều đó, cũng có thể nhận thấy rằng, không có nhiều người vay vốn của Bà Chúa Kho mà thành công trong việc kinh doanh. Những người cuối năm về lễ tạ một là giữ lời hứa, hai là họ thành công trong làm ăn một cách may mắn và hoàn toàn là do năng lực của họ.

Ông Dự bảo rằng: “Con người có tướng, có số, vũ trụ quay vòng, cây cỏ mùa xuân đâm chồi, nảy lộc, thu và đông kết trái. Con người có nghị lực, lại đến vận thì ắt làm ăn được. Nếu chỉ cầu xin mà giàu, thì cả nước đã đổ về ngôi đền này rồi”.

Theo ông Dự, người đã có nhiều năm gắn bó với đền Bà Chúa Kho, thì ngôi đền này rất linh thiêng trong tâm thức người dân, nên người dân đến đền cũng phải với tinh thần xả tâm. Việc cúng bái để vay vốn chỉ là nghi thức tâm linh, chứ không thể là việc có thật. 

Đền Bà Chúa Kho có liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076. Vào thời đó, ở làng Cổ Mễ, là nơi đặt kho lương thực của quân Lý ở bờ nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu). Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ kháng chiến.

Bà Chúa Kho xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm gần đó. Bà được miêu tả là người rất đẹp. Sau khi lấy vua Lý, thấy ruộng đất ở đây bị hoang hóa, bà xin vua cho về làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang. Bà đã mở rộng khai hoang vào tận vùng Nghệ An.

IMG_7530

Tượng bà Chúa Kho 

Vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh). Bà đã bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng vào ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077). Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.

Hiện nay, một số nhà nghiên cứu công bố các công trình khảo cứu khẳng định Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh không thờ một người phụ nữ trông kho lương, và chỉ ra các ngôi đền ở Hà Nội, Hà Tĩnh, Nam Định mới thực sự thờ thần Mẫu trông coi kho lương của triều đình (Triều Trần, Triều Nguyễn). Tuy nhiên, các công bố này hầu như không đến với người dân. Hàng năm, vẫn có hàng vạn người từ các nơi trên khắp Việt Nam và nước ngoài hành hương đầu xuân về Bắc Ninh để cầu tài cầu lộc, quan trọng nhất là vay tiền Bà Chúa Kho, mong cho một năm mới công việc xuôi thuận, phát tài.

Video: Những thân cây lạ quanh ngôi đền linh thiêng không ai dám vào ở Hà Giang

Phong Nguyệt
Bình luận
vtcnews.vn